Lập đoàn kiểm tra các trạm dừng nghỉ đang đầu tư, khai thác trên cao tốc Bắc-Nam
Bộ GTVT lập đoàn kiểm tra, rà soát các trạm dừng nghỉ đang đầu tư hoặc đã đưa vào khai thác trên tuyến cao tốc Bắc - Nam nhằm đảm bảo theo đúng quy hoạch.
Bộ GTVT vừa có công văn gửi UBND các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Ninh Bình, Thừa Thiên-Huế, Long An, Tiền Giang về việc rà soát các trạm dừng nghỉ đang đầu tư xây dựng, khai thác trên tuyến Cao tốc Bắc-Nam phía Đông.
Nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ khai thác, thời gian vừa qua một số địa phương đã chủ động đầu tư trạm dừng nghỉ trên một số đoạn đường Cao tốc Bắc-Nam phía Đông, trạm dừng nghỉ trên tuyến quốc lộ có hướng tuyến trùng với quy hoạch tuyến Cao tốc Bắc-Nam.
Tuy nhiên, phía BBộ GTVT nhìn nhận do hệ thống pháp luật về đầu tư trạm dừng nghỉ còn hạn chế nên thực tiễn đầu tư, khai thác trạm dừng nghỉ còn bất cập, chưa đồng bộ, hiệu quả.
Để có giải pháp khai thác đồng bộ, hiệu quả các trạm dừng nghỉ trên tuyến Cao tốc Bắc-Nam phía Đông, Bộ GTVT sẽ tổ chức đoàn kiểm tra, phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương thực hiện rà soát các trạm dừng nghỉ đang đầu tư hoặc đã đưa vào khai thác trên tuyến Cao tốc Bắc-Nam phía Đông.
Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh giao một cơ quan chức năng của tỉnh làm đầu mối, phối hợp với chủ đầu tư trạm dừng nghỉ chuẩn bị báo cáo về tình hình đầu tư, khai thác các trạm dừng nghỉ, gửi bộ trước ngày 3/11/2023 để tổng hợp.
Theo kế hoạch, các trạm dừng nghỉ đang đầu tư, đã đưa vào khai thác được Bộ GTVT kiểm tra lần này gồm trạm Km81+600 thuộc đoạn Bắc Giang-Lạng Sơn; trạm Km120+200 (phải tuyến), trạm Km140+300 (trái tuyến), trạm Km145+800 (trái tuyến) thuộc đoạn Hà Nội-Bắc Giang; trạm Km269+313 (trái tuyến), trạm Km269+410 (phải tuyến) thuộc đoạn Cao Bồ-Mai Sơn;
Trạm Km80+850 (phải tuyến) thuộc đoạn Cam Lộ-La Sơn; trạm Km1+200 (trái tuyến) thuộc đoạn La Sơn-Hòa Liên; trạm Km28+200 thuộc đoạn Bến Lức-Trung Lương; trạm Km78+220 thuộc đoạn Trung Lương-Mỹ Thuận.
Bộ GTVT cũng yêu cầu các chủ đầu tư cần nêu rõ kết quả triển khai các công việc đến nay (công tác lập, phê duyệt phương án đầu tư, thiết kế, dự toán; giải phóng mặt bằng; xây dựng hạ tầng kết nối, xây dựng các hạng mục của trạm dừng nghỉ…); tình hình kinh doanh, khai thác như lượng xe, số lượng hành khách sử dụng dịch vụ trạm dừng nghỉ, đánh giá khả năng đáp ứng phục vụ nhu cầu hành khách sử dụng dịch vụ trạm dừng nghỉ.
Được biết, trong quyết định phê duyệt 36 trạm dừng nghỉ trên tuyến Cao tốc Bắc-Nam phía Đông từ cửa khẩu Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn) đến Cà Mau, theo báo cáo của Bộ GTVT, đến nay đã có 7 trạm đã được đầu tư toàn bộ hoặc đầu tư một phần; 3 trạm đang đầu tư; 26 trạm chưa đầu tư.
Đại diện Cục Đường cao tốc Việt Nam cho biết toàn bộ 26 trạm dừng nghỉ chưa đầu tư sẽ được lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu rộng rãi, công khai, minh bạch và hiệu quả. Công tác tổ chức lựa chọn nhà đầu tư khoảng từ 3-5 tháng (phụ thuộc vào số lượng nhà đầu tư đăng ký, đủ các điều kiện tham gia.
Bên cạnh đó, Cục Đường cao tốc Việt Nam cũng đưa ra thời gian dự kiến để các nhà đầu tư hoàn thành thủ tục và triển khai xây dựng trạm dừng nghỉ khoảng 9-12 tháng, phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác trong thời gian sớm nhất.
Về việc triển khai đầu tư trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT đã yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ triển khai.
Bộ GTVT cũng cho phép sử dụng chi phí dự phòng và các chi phí khác còn dư của dự án đường cao tốc để thực hiện một số công việc liên quan đến lựa chọn nhà đầu tư trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Quá trình lập danh mục dự án công trình trạm dừng nghỉ, Bộ GTVT lưu ý các Ban QLDA phải khảo sát, lập bản đồ hiện trạng khu đất dự kiến xây dựng trạm dừng nghỉ, căn cứ điều kiện thực tế của địa phương để xây dựng quy mô cụ thể, lập thiết kế định hướng các phân khu trạm dừng nghỉ.
Cùng đó, làm việc với địa phương để xác định ranh giới khu đất xây dựng trạm dừng nghỉ, phê duyệt và tổ chức cắm cọc giải phóng mặt bằng, bàn giao địa phương tiếp tục thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước đã bố trí cho các dự án, dự án thành phần. Trường hợp không đủ, chi phí bổ sung sẽ được nhà đầu tư trúng thầu chi trả theo quy định.