Lập dự toán y tế cơ sở: Không lấy ổn định năm trước để tính toán cho năm sau
Nguyên tắc của bảo hiểm xã hội là chia sẻ rủi ro, san sẻ giữa những người may mắn với những người kém may mắn hơn. Vì vậy, không thể để xảy ra tình trạng quỹ bảo hiểm y tế kết dư nhiều, nhưng nhu cầu chi cho khám chữa bệnh của người dân thì không được đáp ứng.
Đây là kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà từ buổi làm việc với Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan liên quan về việc sửa đổi bổ sung nghị định 146 quy định chi tiết hướng dẫn thi hành 1 số điều của Luật Bảo hiểm Y tế.
Hiện nay, theo quy định, quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo báo cáo quyết toán năm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được thẩm định, nhưng không vượt tổng mức thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Theo Bộ Y tế và các địa phương, việc quy định đặt mức trần như vậy không phù hợp với luật, gây vướng mắc cho cơ sở, dẫn đến nợ đọng bảo hiểm y tế tại các bệnh viện. Trong khi chi phí chưa được thanh trong các năm 2019-2020 khoảng trên 6000 tỉ đồng thì theo báo cáo kiểm toán nhà nước năm 2021, quỹ bảo hiểm y tế kết dư trong năm là hơn 58 nghìn tỉ đồng.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đồng ý với việc bỏ quy định về tổng mức thanh toán, tuy nhiên cần có những giải pháp khác để đảm bảo an toàn quỹ, đó là lập dự toán cho từng cơ sở.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế phải có hướng dẫn những phác đồ điều trị chuẩn để tránh lạm dụng kỹ thuật công nghệ cao hay thuốc men không cần thiết. Về lâu dài, cần sớm sửa đổi luật bảo hiểm y tế để phù hợp với thực tiễn, cân nhắc về việc đưa ra nhiều gói bảo hiểm y tế khác nhau. Với những gói bảo hiểm căn bản, người dân vẫn có quyền lựa chọn 1 số dịch vụ tự nguyện, tránh quy định cứng gây khó khăn cho quyết toán về sau.
Thực hiện : Đỗ Minh - Văn Thắng