Lập hồ sơ đưa phở vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia
Ngày 2/6, Sở VHTTDL Nam Định đã tổ chức Tọa đàm khoa học 'Phở trong bối cảnh đương đại dưới góc nhìn từ di sản văn hóa'. Tham dự Tọa đàm có đại diện Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL), các nhà nghiên cứu văn hóa, ẩm thực, cộng đồng gìn giữ và phát triển nghề phở.
Tại tọa đàm, các nhà nghiên cứu văn hóa, ẩm thực đã làm rõ nguồn gốc, yếu tố văn hóa, sự gắn kết cộng đồng thông qua ẩm thực và những vấn đề liên quan đến gìn giữ, phát triển nghề phở. Đây là những căn cứ quan trọng để lập hồ sơ đưa phở vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định Đỗ Quang Trung cho biết, ngày nay, phở trở thành món ăn được mọi lứa tuổi, thành phần, giới tính yêu thích, ưa chuộng và được sử dụng vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Nhiều người Thành Nam- Nam Định đi xa lâu ngày trở về hoặc bạn bè thân thích khi về tới Thành Nam đều được chủ nhà mời đi thưởng thức phở. Hay nói cách khác, ăn phở, thưởng thức phở phải "đông người" mới ngon, mới thi vị. Do đó, chúng ta có thể khẳng định rằng, phở là cầu nối gắn kết con người, gắn kết cộng đồng với nhau.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTTDL) việc xây dựng hồ sơ đưa phở vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cần tuân thủ quy trình và quy định tại Luật Di sản văn hóa, mặt khác, cần nhận diện các yếu tố liên quan để quyết định tên gọi di sản, từ đó tập trung vào yếu tố, loại hình tạo nên giá trị đặc trưng, tiêu biểu của di sản.
"Trước tiên cần nhận diện mối liên hệ để gắn kết những cá nhân và cộng đồng sáng tạo, sở hữu, thực hành và truyền dạy toàn bộ quy trình liên quan tới chế phở, từ chất liệu, nguyên vật liệu, kỹ thuật, mỹ thuật, bí quyết, người nấu, người thưởng thức cùng toàn bộ không gian văn hóa và môi trường xã hội liên quan đến phở. Làm rõ những điều này sẽ mang đến cơ sở khoa học và yếu tố văn hóa thuyết phục. Đặc biệt, phải khẳng định phở gắn liền với đời sống của cộng đồng người Việt, trở thành văn hóa, tinh hoa ẩm thực", Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang nhấn mạnh.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia cho rằng, để đưa phở vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, chính quyền, cơ quan chuyên môn, nhất là những chủ thể đang bảo tồn, phát triển nghề làm phở Nam Định cần đưa ra được nét độc đáo thể hiện trong tất cả các khâu từ chuẩn bị, lựa chọn nguyên liệu, thực phẩm, phương thức làm ra sợi phở tươi đặc trưng; công đoạn chế biến, hoàn thiện một bát phở ngon, chất lượng, dinh dưỡng. Trong đó, cần chỉ rõ hương vị đặc trưng, điểm nhấn của phở Nam Định khác biệt so với các tỉnh, thành phố khác nằm ở khâu chế biến nước dùng. Bởi đây là yếu tố quyết định để hãng truyền thông CNN của Mỹ đã lựa chọn và vinh danh Phở Việt là một trong 20 món ẩm thực có nước dùng ngon nhất thế giới năm 2024...
Tiến sĩ Đặng Văn Bài cho hay, cơ quan có thẩm quyền về văn hóa các cấp có trách nhiệm phối hợp, hướng dẫn cộng đồng chủ thể triển khai hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị của văn hóa ẩm thực nói chung, phở Nam Định nói riêng. Trong đó, thiết thực nhất là các địa phương xây dựng trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể phở Nam Định để cộng đồng chủ thể có định hướng, cơ sở triển khai hoạt động cụ thể.
GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho biết: Phở tập hợp đủ cả ba yếu tố để cấu thành 1 di sản là tập quán xã hội, nghề và giá trị văn hóa. Khi xây dựng hồ sơ cần nhấn mạnh điều kiện này để hoàn thiện và đề nghị hội đồng xem xét.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định Đỗ Quang Trung cho biết, ý kiến của nhà nghiên cứu, chuyên gia, chính quyền địa phương, cộng đồng đã tiếp tục làm rõ giá trị, góp phần quảng bá phở Nam Định đến các tầng lớp nhân dân, du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt là việc nhận diện phở trong bối cảnh đương đại dưới góc nhìn từ di sản văn hóa, từ đó bổ sung cơ sở khoa học để hoàn thiện các thành phần hồ sơ đưa phở vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia./.