Lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân
Quảng Ngãi đặt mục tiêu đến năm 2021 sẽ hoàn thành Đề án 'Thiết lập hồ sơ sức khỏe điện tử đến từng người dân trên địa bàn tỉnh'. Theo đó, mỗi người dân sẽ có một hồ sơ sức khỏe duy nhất và thống nhất lưu trữ trong hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử quốc gia.
Thuận lợi quản lý sức khỏe cho người dân
Từ năm 2019, Sở Y tế Quảng Ngãi triển khai thực hiện Đề án “Thiết lập hồ sơ sức khỏe điện tử đến từng người dân trên địa bàn tỉnh”. Khi lập hồ sơ sức khỏe điện tử, mỗi người bệnh sẽ có một mã định danh y tế riêng. Tất cả thông tin của người bệnh khi đến cơ sở khám chữa bệnh sẽ được nhập vào phần mềm. Thông qua đó, khi người dân đến bất kỳ cơ sở y tế nào trên địa bàn tỉnh để khám chữa bệnh, những thông tin liên quan đến sức khỏe, chẩn đoán từ lần khám trước sẽ dễ dàng tìm thấy.
Hiện Bình Sơn là địa phương được chọn triển khai thí điểm và đạt tỷ lệ hoàn thành cao nhất tỉnh. Hơn 50 nghìn người trên địa bàn huyện đã được lập hồ sơ quản lý sức khỏe, có kết nối liên thông từ huyện đến xã, đạt tỷ lệ hơn 70% dân số của huyện.
Trước đây, mỗi lần đi khám bệnh là mỗi lần bà Đoàn Thị Tri ngụ ở xã Bình Chánh (Bình Sơn) phải thông tin từ đầu về tiền sử bệnh của mình. Nhưng kể từ ngày có hồ sơ sức khỏe điện tử, khi đi khám bệnh, bà Tri không phải mất thời gian cho việc này. Bà được bác sĩ khám, tư vấn kịp thời mà không phải chờ đợi lâu hay thực hiện các thủ tục rườm rà khác. Đặc biệt là khi hồ sơ sức khỏe điện tử được kết nối liên thông với các tuyến sẽ tạo thuận lợi cho người bệnh như bà rất nhiều.
Việc lập hồ sơ sức khỏe điện tử giúp người dân được chăm sóc y tế toàn diện, kịp thời
Bà Đoàn Thị Tri chia sẻ: Tuổi già nên bị đau khớp mãn tính, hay phải đi khám. Tôi chỉ cần khám ở Trạm y tế, rồi được cái tiện lợi là thông tin này đưa về huyện, về tỉnh. Sau này, khi hồ sơ điện tử hoàn thiện và liên thông ở các tuyến thì mình có đi khám trên huyện, trên tỉnh hay khám ở bất cứ bệnh viện tuyến trung ương nào thì đã có thông tin rồi. Người dân không phải mất thời gian nhiều nữa.
Việc lập hồ sơ sức khỏe điện tử còn giúp công tác khám, chữa bệnh thanh toán bằng thẻ BHYT thuận tiện hơn rất nhiều cho các đơn vị y tế. Y sĩ Nguyễn Thị Diễm- Trạm Y tế xã Bình Chánh cho hay: Bệnh nhân đến khám, bác sĩ cho thuốc và ra về nhanh chóng. Sổ khám bệnh và thẻ bảo hiểm đã được nhập vào phần mềm. Đây là phần mềm này liên thông lên cổng giám định bảo hiểm. Khi bệnh nhân đi bất kì bệnh viện hay cơ sở y tế nào, họ bấm mã thẻ lên kiểm tra thì biết bệnh nhân từng khám ở đâu, được chỉ định dùng thuốc gì.
Khi có hồ sơ sức khỏe cá nhân, hầu hết các bệnh thông thường được phát hiện sớm và giải quyết ngay tại tuyến khám, chữa bệnh ban đầu. Mặt khác, khi thông tin về sức khỏe của người bệnh được thông suốt giữa các tuyến sẽ giúp việc chẩn đoán và phối hợp điều trị tốt hơn. Đối với việc quản lí bệnh viện cũng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Bác sĩ Võ Hùng Viễn- Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn cho biết: Trong phần quản lí về mặt lãnh đạo thì cuối ngày rà soát hôm nay tại bệnh viện có bao nhiêu xét nghiệm, xuất bao nhiêu thuốc, loại thuốc nào trong kho còn bao nhiêu. Trên cơ sở đó lãnh đạo Trung tâm điều tiết để cho phù hợp và phục vụ tốt nhất cho hoạt động khám chữa bệnh, tạo điều kiện tốt nhất cho bệnh nhân.
Mở rộng triển khai trong toàn tỉnh
Từ thí điểm triển khai tại huyện Bình Sơn, năm 2020, ngành Y tế Quảng Ngãi tiếp tục phối hợp với các địa phương, các ngành và doanh nghiệp để triển khai hiệu quả phần mềm hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử. Đến nay, đã có hơn 400 nghìn hồ sơ được thiết lập chiếm 32% trên tổng dân số của toàn tỉnh. Các thông tin về sức khỏe của từng cá nhân, các lần khám, điều trị và các xét nghiệm cận lâm sàng đều được nhập vào dữ liệu chung tại các Trung tâm Y tế huyện, thành phố. Sau đó, dữ liệu sẽ được liên thông đến các cơ sở khám, điều trị tại tuyến tỉnh và tuyến Trung ương.
Quá trình triển khai vẫn còn gặp phải một số khó khăn. Hiện các đơn vị vẫn còn lúng túng trong việc ứng dụng công nghệ thông tin. Nhân lực thực hiện còn mỏng nên việc thu thập dữ liệu, nhập dữ liệu vẫn chưa được nhanh chóng và kịp thời, nhất là ở các huyện miền núi.
Khi đã có hồ sơ sức khỏe điện tử, người bệnh đến các cơ sở y tế chỉ cần đưa sổ khám bệnh và thẻ BHYT mà không cần khai báo gì thêm
Tại Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ, mỗi năm có khoảng 40 nghìn lượt bệnh nhân đến khám chữa bệnh. Hiện Trung tâm cũng thu thập thông tin người bệnh chủ yếu dựa trên dữ liệu bảo hiểm xã hội và dữ liệu tự động khám, chữa bệnh và tiêm chủng. Tuy nhiên, vì hệ thống phần mềm chưa được triển khai sâu rộng đến 19 xã, thị trấn của huyện nên việc liên thông từ xã lên huyện vẫn chưa được thực hiện.
Bác sĩ Đinh Xuân Tùng- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ chia sẻ: Trung tâm đã hoàn thành công tác tập huấn, hướng dẫn thao tác sử dụng phần mềm cho cán bộ y tế cơ sở. Tuy nhiên, Trung tâm đang kiến nghị với Sở Y tế về việc đầu tư máy móc đồng bộ cho các Trạm thì việc triển khai Đề án hồ sơ sức khỏe điện tử đến từng người dân mới có thể trôi chảy, hiệu quả.
Theo lộ trình đến năm 2025, có 95% người dân trên toàn quốc có hồ sơ sức khỏe điện tử, được cập nhật thông tin sức khỏe thường xuyên và được kết nối với tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước. Tại Quảng Ngãi, Đề án này cũng đang được khẩn trương thực hiện.
Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi Phạm Minh Đức cho biết: Thời gian tới, Sở Y tế tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn và trang bị các tiết bị máy móc để các địa phương thực hiện việc nhập dữ liệu quản lí hồ sơ sức khỏe điện tử. Sở sẽ có văn bản kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành mã định danh y tế, ban hành dữ chuẩn chung cho phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử và quy định mức chi trả thuê phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử.
Mục tiêu đến năm 2021 sẽ hoàn thành Đề án và 100% người dân trên địa bàn tỉnh sẽ được thiết lập hồ sơ sức khỏe điện tử. Mỗi người dân sẽ được cấp một mã định danh riêng để tự tra cứu và biết rõ về thông tin sức khỏe của bản thân.