Lập hội đồng thẩm định dự án đường sắt Tp.HCM - Cần Thơ
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành quyết định thành lập hội đồng thẩm định nội bộ để thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt Tp.HCM - Cần Thơ.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng vừa ký Quyết định số 115/QĐ – BGTVT về việc thành lập Hội đồng thẩm định nội bộ để thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Tp.HCM - Cần Thơ.
Hội đồng thẩm định nội bộ có trách nhiệm rà soát, thẩm định các nội dung của Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Tp.HCM- Cần Thơ theo quy định pháp luật, báo cáo Bộ trưởng Bộ GTVT kết quả thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Các thành viên Hội đồng có trách nhiệm tham dự các cuộc họp Hội đồng khi Chủ tịch yêu cầu. Trường hợp thành viên Hội đồng không tham dự cần báo cáo lý do và có văn bản ủy quyền người thay thế phù hợp trước buổi họp. Hội đồng thẩm định nội bộ làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Bộ GTVT giao Ban Quản lý dự án đường sắt có trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan và chỉ đạo Tư vấn cử đúng thành phần để phối hợp với Hội đồng thẩm định nội bộ trong quá trình thẩm định.
Được biết, Hội đồng thẩm định nội bộ để thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Tp.HCM - Cần Thơ gồm 16 thành viên là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Chủ tịch Hội đồng là ông Nguyễn Danh Huy - Thứ trưởng Bộ GTVT.
Cũng tại Quyết định số 115, Bộ GTVT đã thành lập tổ thư ký, giúp việc Hội đồng gồm 3 thành viên.
Theo nghiên cứu sơ bộ, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Tp.HCM - Cần Thơ có điểm đầu tại Ga An Bình thuộc P.An Bình, TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương; điểm cuối tại ga Cần Thơ thuộc P .Phú Thứ, quận Cái Răng, Tp.Cần Thơ.
Dự án có mục tiêu xây dựng hoàn thiện toàn tuyến có tổng chiều dài khoảng 175,2km theo tiêu chuẩn đường đôi khổ 1435mm, điện khí hóa. Trên tuyến dự kiến bố trí 19 ga và 3 depot (An Bình, Tân Kiên, Cần Thơ), 4 trạm bảo dưỡng, khám xe (Thạnh Đức, Tam Hiệp, Cai Lậy, Bình Minh), 3 trạm bảo dưỡng hạ tầng.
Sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Tp.HCM - Cần Thơ vào khoảng 205.085 tỷ đồng (quy đổi khoảng 8,57 tỷ USD).
Theo quy hoạch, tuyến đường sắt Tp. HCM - Cần Thơ dài khoảng 174 km đi qua 6 tỉnh, thành phố, lộ trình nghiên cứu và triển khai trước năm 2030. Tuyến đường sắt này có vai trò quan trọng trong việc kết nối trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía nam với vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ cung ứng hàng hóa của vùng ra thị trường tiêu thụ.
Bộ Giao thông Vận tải đã giao Ban Quản lý dự án đường sắt là chủ đầu tư, bố trí vốn để lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và phối hợp với các địa phương rà soát vị trí ga, hướng tuyến. Đây là dự án quy mô lớn, công nghệ - kỹ thuật phức tạp nên cần nghiên cứu cẩn trọng, toàn diện, đánh giá một cách khách quan, khoa học, đặc biệt là cân đối bố trí nguồn lực.
Theo nghiên cứu của Ban Quản lý dự án đường sắt, tuyến đường sắt Tp. HCM - Cần Thơ từ Bình Dương (ga An Bình) đến Cần Thơ (ga Cần Thơ) có 15 ga, 11 trạm bảo dưỡng, sửa chữa. Tốc độ thiết kế lớn nhất là 190 km/h, khai thác tàu khách với tốc độ dưới 190 km/h, tàu hàng dưới 120 km/h.