Lập kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII mất từ 3 đến 6 tháng
Theo Viện Năng lượng, việc xây dựng Đề án Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII cần 3-4 tháng với phương pháp gần đúng hoặc 5-6 tháng với phương pháp tối thiểu, từ ngày được giao nhiệm vụ.
Liên quan đến việc xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII, Viện Năng lượng vừa có báo cáo Bộ Công thương cho hay, đã khẩn trương triển khai ngay các công tác chuẩn bị có liên quan.
Theo Viện Năng lượng, Quy hoạch Điện VIII là quy hoạch ngành quốc gia có tính định hướng, tổng thể với thời kỳ quy hoạch 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Các nội dung phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg cũng đưa ra mục tiêu định lượng về quy mô cơ cấu hệ thống nguồn và lưới điện quốc gia cho năm cuối của kỳ quy hoạch kế hoạch và năm cuối của giai đoạn tầm nhìn.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật Quy hoạch (Điều 45) Kế hoạch Quy hoạch điện VIII sẽ chủ yếu bao gồm danh mục các dự án đầu tư trong kỳ quy hoạch và một số nội dung liên quan.
Phạm vi xem xét của Kế hoạch Quy hoạch điện VIII sẽ cần chi tiết hóa các mục tiêu định hướng của quy hoạch được phê duyệt, tính toán quy mô cụ thể và tiến độ các dự án lượng công suất nguồn điện và lưới điện cần thiết phát triển đồng bộ trong kỳ quy hoạch.
Về phương pháp tính toán, dự kiến có thể theo phương pháp gần đúng (theo các chỉ tiêu kinh tế kĩ thuật về chi phí giá thành trung bình của nguồn điện, khả năng giải tỏa công suất, mức độ sẵn sàng của đất cho năng lượng…) hoặc phương pháp chuẩn xác hơn (theo chi phí tối thiểu của vùng lập quy hoạch).
Về số liệu đầu vào, theo phương pháp gần đúng hay phương pháp chi phí tối thiểu, thì vẫn cần thu thập cập nhật một khối lượng dữ liệu khá lớn theo địa phương (vùng, tỉnh) như: hiện trạng và dự báo nhu cầu điện đánh giá tiềm năng phát triển nguồn điện, đặc biệt là nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió ngoài khơi; hiện trạng và kế hoạch đầu tư hạ tầng nguồn và lưới điện; kế hoạch sử dụng đất…
Viện Quy hoạch cũng cho hay, đây là khối lượng công việc rất lớn, phức tạp đòi hỏi cơ quan tư vấn phải bố trí và huy động nguồn nhân lực đáng kể với chất lượng tốt nhất để thực hiện.
Để rút ngắn thời gian thực hiện, Viện năng lượng sẽ triển khai đồng thời các nội dung nghiên cứu có tính độc lập tương đối, tuy nhiên khối lượng thu thập, xử lý số liệu và tính toán yêu cầu lớn, một số nội dung chính phải làm theo trình tự, với kết quả bước trước là đầu vào cho tính toán bước sau.
Thêm vào nữa, do không có quy định cụ thể về nội dung, phương pháp lập kế hoạch thực hiện quy hoạch, đặc biệt Quy hoạch Điện có đặc điểm riêng, quá trình thực hiện đơn vị Tư vấn sẽ cần có các điểm dừng kỹ thuật để báo cáo/tham vấn các cơ quan hữu quan của Bộ/ngành/địa phương… nhằm đảm bảo nội dung, chất lượng đề án đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Vì thế, theo Viện Năng lượng, việc hoàn thành Đề án trong tháng 6/2023 là không khả thi.
Viện Năng lượng cũng kiến nghị Bộ Công thương xem xét, bố trí thời gian cần thiết để Viện lập Kế hoạch Quy hoạch Điện VIII khoảng 3-4 tháng (nếu dùng phương pháp gần đúng) và từ 5-6 tháng (nếu dùng phương pháp chi phí tối thiểu) tính từ thời điểm Bộ Công thương giao nhiệm vụ.
Ngoài ra, VIện Năng lượng cũng kiến nghị Bộ Công thương đưa hạng mục tư vấn lập Đề án Kế hoạch Quy hoạch Điện VIII vào kế hoạch thu xếp vốn để hỗ trợ Viện có thêm nguồn lực lập đề án và rà soát kế hoạch hàng năm (nếu được).
Trước đó, ngày 16/6/2023, Bộ Công thương đã có văn bản gửi Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cùng Viện Năng lượng về tổ chức xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII.
Theo đó, Viện Năng lượng được yêu cầu khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII trên cơ sở Quy hoạch Điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Còn Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo rà soát kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII do Viện Năng lượng xây dựng, báo cáo Bộ Công thương để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 10/6, Văn phòng Chính phủ có công văn số 4286/VPCP-CN gửi Bộ trưởng Bộ Công thương và Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về việc thực hiện một số nhiệm vụ để triển khai đồng bộ, hiệu quả Quy hoạch điện VIII.
Nội dung công văn nêu rõ, Thủ tướng đã phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) vào ngày 15/5/2023. Để tổ chức thực hiện Quy hoạch điện VIII đồng bộ, đạt hiệu quả, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương tập trung chỉ đạo thực hiện 3 nội dung trọng tâm, bao gồm: Tổ chức thực hiện Quy hoạch điện VIII; Xây dựng, hoàn thiện các luật liên quan; Quản lý vận hành hệ thống điện.
Về tổ chức thực hiện Quy hoạch điện VIII, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII theo quy định, báo cáo Thủ tướng trong tháng 6/2023, trong đó có nội dung nghiên cứu thí điểm giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam và doanh nghiệp trong nước có đủ điều kiện triển khai dự án điện gió, điện ngoài khơi theo kết luận của Thường trực Chính phủ tại Thông báo số 64/TB-VPCP ngày 1/5/2023.
Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách huy động vốn, bố trí nguồn lực thực hiện Quy hoạch điện VIII, trong đó có nguồn lực nhà nước, hợp tác công-tư, xã hội hóa, sử dụng có hiệu quả các cam kết quốc tế, các nghiên cứu tín dụng xanh, tín dụng khí hậu, trái phiếu xanh báo cáo Thủ tướng trong tháng 8/2023.
Nghiên cứu các cơ chế, chính sách thực hiện Quy hoạch điện VIII, nhất là cơ chế đấu thầu, đấu giá phù hợp với quy định của pháp luật để nâng cao tính công khai, minh bạch, hiệu quả trong thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ với Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực. Hoàn thiện việc xây dựng cơ chế mua - bán điện trực tiếp theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Thông báo số 83/TB-VPCP ngày 20/3/2023, hoàn thành nội dung này trong tháng 6/2023.
Nghiên cứu ban hành quy định khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời phân tán, áp mái với mục đích tự sản, tự tiêu theo nhiệm vụ được giao, trong đó có giám sát các cơ chế kiểm tra, giám sát để phòng ngừa các hành vi trục lợi, tiêu cực, báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc này trong tháng 6/2023.
Nghiên cứu thực hiện kết luận của Thường trực Chính phủ tại Thông báo số 64/TB-VPCP ngày 1/5/2023 về những nội dung có thể mạnh dạn phân cấp, ủy quyền cho Bộ Công Thương quyết định trong quản lý thực hiện Quy hoạch điện VIII, bảo đảm đúng quy định của pháp luật về quy hoạch, tiết giảm chi phí hành chính, phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám chịu trách nhiệm, dám làm vì lợi ích chung, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2023.
Về xây dựng, hoàn thiện các luật liên quan, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương hoàn thiện đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực theo kết luận của Thường trực Chính phủ tại Thông báo số 60/TB-VPCP ngày 1/3/2022 và chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại văn bản số 7522/VPCP-PL ngày 8/11/2022 của Văn phòng Chính phủ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tiến độ thực hiện trong tháng 6/2023.
Nghiên cứu hoàn thiện hồ sơ để xây dựng Luật Năng lượng tái tạo theo nhiêm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 2/10/2922 và ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Thông báo số 83/TB-VPCP ngày 20/3/2023, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2023.
Về quản lý vận hành hệ thống điện, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương khẩn trương phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và cơ quan liên quan thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 517/CĐ-TTg ngày 6/6/2023 về nội dung điều chỉnh quản lý đối với Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia theo các quy định của Đảng, Nhà nước trong tháng 6/2023 và nghiên cứu các chính sách phù hợp, hiệu quả.
Với Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu phải phối hợp chặt chẽ với Bộ trưởng Bộ Công thương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ tại về nội dung điều chỉnh quản lý đối với Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, đồng thời khẩn trương chỉ đạo hoàn thiện Đề án tái cơ cấu lại EVN giai đoạn 2021-2025, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.