Lấp khoảng trống 'chuyên khoa'
Ngày 15-3, đoàn công tác Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương và Bệnh viện Nhi Đồng TP. Hồ Chí Minh đã đến khảo sát tại thành phố Đồng Xoài về việc thành lập bệnh viện sản - nhi tỉnh Bình Phước. Đây hẳn là thông tin được nhiều người quan tâm bởi liên quan thiết thân đến việc chăm sóc sức khỏe.
Nhìn lại thực tế, Bình Phước có hơn 1 triệu dân nhưng đến nay trên địa bàn tỉnh chưa có bệnh viện chuyên khoa nào. Đây là một thiệt thòi lớn với người dân bởi dù có nhu cầu nhưng lại không có điều kiện để được chăm sóc sức khỏe tại chỗ tốt hơn. Thay vào đó các gia đình phải đi hơn 100km về các bệnh viện chuyên khoa lớn ở TP. Hồ Chí Minh chăm sóc, điều trị.
Có cầu ắt có cung đã là quy luật, nhưng điều này lại đang là ngoại lệ đối với lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ở Bình Phước. Đã nhiều năm nay khi kinh tế phát triển, đời sống nâng cao, người dân có nhu cầu được thăm khám, điều trị ở môi trường chuyên môn y khoa cao thì chưa được đáp ứng. Mặc dù một số phòng khám đa khoa ra đời với trang thiết bị, công nghệ được cho là tiên tiến nhất nhưng chỉ ở cấp độ phòng khám. Ở đó dù được chăm sóc tốt, được thanh toán bảo hiểm nhưng vẫn còn yếu tố tiên quyết mà người bệnh quan tâm hàng đầu là trình độ năng lực của đội ngũ y, bác sĩ. Bởi máy móc có tốt đến mấy nhưng người sử dụng chưa đủ trình độ tương xứng thì cũng như “gọt giày cho vừa chân”. Trình độ chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ chính là lực hút người dân Bình Phước không quản đường xa, chấp nhận chen chúc ở hành lang và chịu cảnh người bệnh nằm ghép… để đổi lấy sự an tâm. Thực tế, “hữu xạ tự nhiên hương”, một khi niềm tin của người bệnh trao đúng chỗ, thì dù ở xa, cơ sở vật chất không thoải mái… họ cũng tìm đến.
Nhìn ở góc độ tiêu cực, khi bệnh nhân tuyến cơ sở đổ về sẽ tạo ra áp lực rất lớn cho các bệnh viện tuyến cuối, từ áp lực thêm công việc cho đội ngũ bác sĩ đến khả năng đáp ứng của cơ sở vật chất bệnh viện vốn đang quá tải. Nhưng nếu nhìn ở góc độ tích cực, khi người bệnh tiêu tiền sử dụng các dịch vụ tại nơi khác, đồng nghĩa sẽ đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của nơi đó. Ở chiều ngược lại, tỉnh Bình Phước đã mất đi một khoản có thể thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương, chưa kể còn một số mất mát vô hình không nhìn thấy được.
Với lộ trình bắt đầu từ quý 4/2024 triển khai và đi vào hoạt động phòng khám chuyên khoa sản - nhi thuộc Trung tâm Y tế thành phố Đồng Xoài và từ tháng 12-2025 đến quý 1/2026 thành lập bệnh viện sản - nhi hạng 3 có sự cam kết hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực từ hai bệnh viện đầu ngành về sản, nhi thì hẳn nhiều người không phải di chuyển hàng trăm kilômet mới được thăm khám. Về phía đội ngũ y, bác sĩ địa phương, là cơ hội tốt để tranh thủ tự học hỏi, rèn tay nghề cho bản thân từ sự hợp tác với các bệnh viện hàng đầu để nâng cấp chính mình.
Kinh tế càng phát triển, xã hội càng văn minh, nhu cầu được chăm sóc sức khỏe bởi đội ngũ chuyên gia càng được chú trọng. Không phải “phú quý sinh lễ nghĩa”, mà là con người hiện đại nhận thấy rõ hơn về chính mình, đặc biệt quan tâm đến sức khỏe để tận hưởng cuộc sống hạnh phúc hơn. Có thêm nhiều dự án kiến tạo giá trị sống - đó không chỉ là mong mỏi mà còn là đòi hỏi các cấp chính quyền phải đáp ứng, vì mục tiêu cải thiện chỉ số phát triển con người (HDI) và sự phát triển toàn diện của quốc gia.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/155343/lap-khoang-trong-chuyen-khoa