'Lấp' khoảng trống pháp lý trong xử lý nợ xấu
Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm cơ chế xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã hết hiệu lực thi hành từ 1.1.2024. Với khoảng trống pháp lý hiện nay, tiến trình xử lý nợ xấu chậm hơn và tốn kém hơn. Để hoàn thiện hành lang pháp lý xử lý nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), trong đó luật hóa một số nội dung của Nghị quyết 42.
Khách hàng chây ì khi quyền thu giữ tài sản của ngân hàng hết hiệu lực
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm cơ chế xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết 42) và ban hành Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 - trong đó luật hóa một số quy định về nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm, đã giúp việc xử lý nợ xấu diễn ra nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Cụ thể, lũy kế từ ngày 15.8.2017 đến ngày 31.12.2023, trung bình mỗi tháng các tổ chức tín dụng xử lý được 5,8 nghìn tỷ đồng nợ xấu, cao hơn 2,28 nghìn tỷ đồng so với trước khi có Nghị quyết 42. Đặc biệt, tỷ lệ khách hàng tự trả nợ và hình thức xử lý nợ thông qua bán, phát mại tài sản bảo đảm đều tăng cao, lần lượt chiếm 36,35% và 20,85%, tương đương 161,3 nghìn tỷ đồng và 92,5 nghìn tỷ đồng trong tổng số 443,8 nghìn tỷ đồng nợ xấu theo Nghị quyết 42.
Tuy nhiên, Nghị quyết 42 đã hết hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2024. Bên cạnh đó, vì còn nhiều ý kiến khác nhau, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 chưa luật hóa về quyền thu giữ tài sản bảo đảm (trừ một số trường hợp được áp dụng quy định chuyển tiếp); về kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án; về hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự. Điều này gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc thực thi quyền thu giữ tài sản bảo đảm, gián tiếp ảnh hưởng đến khả năng xoay vòng vốn cũng như tiếp cận tín dụng với chi phí hợp lý của người dân và doanh nghiệp, nhất là khi Nghị quyết 42 đã hết hiệu lực thi hành.

ĐBQH biểu quyết thông qua dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội Khóa XV. Ảnh: QHV
Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, với khoảng trống pháp lý hiện nay, các tổ chức tín dụng chỉ có thể áp dụng cơ chế khởi kiện tại tòa án, dẫn đến tình trạng chậm trễ, tốn kém và gia tăng chi phí xử lý tài sản bảo đảm. Bên cạnh đó, thực tế cho thấy, nhiều khách hàng nhận thức được rằng quyền thu giữ tài sản của các tổ chức tín dụng đã hết hiệu lực nên cố tình chây ì và không hợp tác trong việc xử lý tài sản bảo đảm. Quá trình thu hồi tài sản do vậy càng khó khăn hơn và kéo dài, làm tăng chi phí của các ngân hàng.
Hiện tại, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng chưa được Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm nay, song Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu NHNN khẩn trương xây dựng hồ sơ dự luật để trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5.2025.
Luật hóa một số nội dung của Nghị quyết 42
Thực hiện yêu cầu của Thủ tướng, NHNN đã xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng nhằm luật hóa một số nội dung của Nghị quyết 42.
Một là, luật hóa quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm. Dự thảo Luật quy định rõ tổ chức tín dụng, tổ chức mua bán, xử lý nợ được quyền thu giữ tài sản bảo đảm trong trường hợp tại hợp đồng bảo đảm đã có thỏa thuận về việc này. Đồng thời, việc thu giữ tài sản bảo đảm phải tuân thủ các điều kiện, trình tự, thủ tục theo quy định. Trong quá trình thu giữ, các tổ chức tín dụng không được áp dụng các biện pháp vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội.
Hai là, luật hóa quy định về kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án. Theo đó, tài sản bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ tại tổ chức tín dụng sẽ không bị kê biên để thực hiện nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự; trừ trường hợp thi hành bản án, quyết định về cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hoặc trường hợp có sự đồng ý của tổ chức tín dụng.
Ba là, luật hóa quy định về hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự và bổ sung quy định về hoàn trả tài sản bảo đảm là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Theo đó, sau khi hoàn tất thủ tục xác định chứng cứ và xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án, cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm hoàn trả vật chứng trong vụ án hình sự là tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo đề nghị của bên nhận bảo đảm là tổ chức tín dụng.
Góp ý vào các chính sách này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng, đề xuất quyền thu giữ tài sản bảo đảm cần đánh giá thêm ở hai khía cạnh: tính bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh và bảo vệ quyền lợi của người vay. Theo VCCI, hoạt động cho vay có tài sản bảo đảm giữa tổ chức tín dụng và người vay là một giao dịch dân sự. Trên thực tế, có nhiều giao dịch dân sự tương tự giữa các cá nhân, tổ chức khác. Việc không thu giữ và xử lý được tài sản bảo đảm có thể dẫn đến nợ xấu, ảnh hưởng đến dòng vốn và năng lực tài chính của các chủ thể kinh tế. Do đó, cần làm rõ cơ sở pháp lý để tổ chức tín dụng được áp dụng cơ chế riêng này, trong khi các chủ thể khác không có quyền tương tự.
Bên cạnh đó, theo đề xuất, tổ chức tín dụng, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu sẽ trực tiếp thu giữ tài sản bảo đảm, chỉ cần thông báo với UBND cấp xã và cơ quan công an nơi có tài sản bảo đảm song chưa làm rõ vai trò của các cơ quan này trong quá trình thu giữ. VCCI cho rằng, cần có cơ chế kiểm soát phù hợp để bảo đảm tổ chức tín dụng thực hiện đúng quy định và không xâm phạm quyền lợi hợp pháp của người vay, đặc biệt khi hoạt động này tác động trực tiếp đến quyền sở hữu tài sản của cá nhân, tổ chức mà không thông qua cơ quan nhà nước có thẩm quyền.