'Lập làng, xây thế vững lòng dân' nhìn từ đề án xây dựng điểm dân cư biên giới Tây Nam - Bài 2: 'Quả ngọt' bên những dòng sông

Đề án 811 sau gần 5 năm triển khai đã hình thành những điểm dân cư, khu dân cư kiểu mẫu nơi biên giới. Bên dòng sông Vàm Cỏ Đông, sông Măng, sông Đắk Huýt... hay nơi rừng già Vườn quốc gia Bù Gia Mập, rừng phòng hộ Đắk Mai xưa kia hẻo lánh, thưa thớt dân cư giờ như bừng lên sức sống mới, quân dân đoàn kết một lòng, bám biên, thực hiện đối ngoại nhân dân, bồi đắp mối quan hệ hòa bình, đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước Việt Nam-Campuchia.

Sức sống mới nhờ được định canh, định cư

Cơn dông chiều đầu mùa mưa làm vơi đi cái nắng oi ả nơi biên giới xã Ninh Điền (Châu Thành, Tây Ninh). Trong căn nhà cấp 4 ở điểm dân cư Bến Cừ, gia đình anh Nguyễn Văn Hưởng (sinh năm 1993) và chị Pin Sarol (sinh năm 1995) ăm ắp niềm vui, tiếng nói cười. Chị Pin Sarol vừa sinh con thứ hai được 5 tháng, là công dân mới của điểm dân cư này. Đây là lần thứ hai chúng tôi trở lại nơi này. Lần đầu vào tháng 7-2019, lúc Bộ tư lệnh Quân khu 7 bàn giao mỗi hộ dân một căn nhà 83m2 (kinh phí xây dựng 127 triệu đồng) trên diện tích đất ở 500m2 cùng 1ha đất sản xuất.

Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh bàn giao nhà ở điểm dân cư Long Phước, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. Ảnh: TUẤN ANH

Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh bàn giao nhà ở điểm dân cư Long Phước, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. Ảnh: TUẤN ANH

Thời điểm đó, 5 căn nhà mới trơ trọi giữa vùng đất hoang hóa, nhiều lau sậy, cách trung tâm xã khoảng 10km. Đường sá nhiều ổ voi, ổ gà, mùa khô bụi mù che khuất mặt, mùa mưa nhiều đoạn đọng nước, lầy lội. Mùa khô ở đây nắng gay gắt kéo dài, kênh mương cạn khô khốc, nguồn nước tưới tiêu không có nên rất ít người dân sinh sống, canh tác nông nghiệp. Sau khi bàn giao điểm dân cư Bến Cừ, Quân khu 7, UBND tỉnh Tây Ninh, UBND huyện Châu Thành tiếp tục đầu tư 2,27 tỷ đồng (nguồn vốn địa phương 1,82 tỷ đồng) xây dựng hệ thống điện, nước, đường giao thông.

Một con kênh thủy lợi dẫn nước từ sông Vàm Cỏ Đông được đầu tư chạy qua điểm dân cư Bến Cừ tưới tiêu ruộng đồng vùng biên, mở ra những cánh đồng sắn, lúa, mía... xanh ngút ngàn. Anh Huỳnh Thanh Long, Chốt trưởng Chốt dân quân biên giới Bến Cừ chia sẻ: "Vùng biên giới xã Ninh Điền giờ như một bức tranh quê trù phú với những mái nhà, vườn tược xanh um. Bộ đội Biên phòng, dân quân với các hộ dân như người một nhà, tối lửa tắt đèn có nhau. Dịp lễ, tết mọi người đều hòa chung niềm vui. Người dân đi làm đồng phát hiện đối tượng phạm pháp, buôn lậu sẽ kịp thời thông tin cho chốt dân quân và Đồn Biên phòng Ninh Điền (Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh) xử lý".

Gia đình anh Lê Mạnh Tường với niềm vui trong căn nhà mới ở khu dân cư Thanh Hòa, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước. Ảnh: BẢO MINH

Gia đình anh Lê Mạnh Tường với niềm vui trong căn nhà mới ở khu dân cư Thanh Hòa, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước. Ảnh: BẢO MINH

Được an cư lạc nghiệp, người dân ở các điểm dân cư luôn phấn khởi, quyết tâm bám trụ, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Ở điểm dân cư xã Mỹ Bình (Đức Huệ, Long An), 35 hộ dân thụ hưởng nhà, đất sản xuất đều tình nguyện lên biên giới, được địa phương tổ chức bình xét, lựa chọn đúng tiêu chuẩn từ những ngày đầu. Chị Nguyễn Thị Nhanh, sinh năm 1972, ngụ tại ấp 5, xã Mỹ Bình, giọng phấn khởi: "Trước đây, gia đình tôi sống trong căn nhà tạm bợ để giữ phần đất lúa tổ tiên để lại. Các con phải đi làm thuê ở địa phương khác. Được nhận căn nhà diện tích 90m2 và đất sản xuất, gia đình tôi dần ổn định cuộc sống, khấm khá nhờ chăn nuôi trâu, bò và trồng 2ha tràm. Chúng tôi quyết tâm bám trụ, ra sức cải tạo, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại giá trị cao ở vùng biên".

Dân quân thăm hỏi, chúc mừng gia đình anh Nguyễn Văn Hưởng ở điểm dân cư Bến Cừ, xã Ninh Điền (Châu Thành, Tây Ninh) vừa có thêm thành viên mới. Ảnh: BẢO MINH

Dân quân thăm hỏi, chúc mừng gia đình anh Nguyễn Văn Hưởng ở điểm dân cư Bến Cừ, xã Ninh Điền (Châu Thành, Tây Ninh) vừa có thêm thành viên mới. Ảnh: BẢO MINH

Vùng biên giới huyện Mộc Hóa (Long An) đất đai hoang hóa rộng lớn nên hộ dân ở điểm dân cư Bình Thạnh được cấp 2-8ha đất sản xuất. Người dân phát triển những vườn cây ăn trái như dừa, bơ, mít, bưởi, sầu riêng... phủ xanh vùng biên, cho thu nhập 300-400 triệu đồng/năm. Ông Nguyễn Ngọc Minh, sinh năm 1966, ở điểm dân cư Bình Thạnh đã trở thành nông dân điển hình sản xuất giỏi nhờ mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi. Ban đầu, ông Minh nuôi bò, lợn nhỏ lẻ rồi gây đàn 30 con bò, 50 con lợn lấy thịt. Tích lũy vốn, ông phát triển mô hình nuôi thỏ lấy thịt, bán con giống tạo thu nhập 3-4 triệu đồng/tháng, trồng bưởi da xanh ruột hồng, sầu riêng cho năng suất, thu nhập cao.

Văn hóa nghĩa tình, quân - dân một lòng giữ bình yên vùng biên

Dòng sông Măng, sông Đắk Huýt bao đời nay chảy dọc theo tuyến biên giới huyện Bù Đốp và Bù Gia Mập (Bình Phước), trở thành dải phân định biên giới Việt Nam - Campuchia. Sông Măng, sông Đắk Huýt mùa mưa nước tràn bờ, mùa khô cạn trơ đáy. Tội phạm tùy theo con nước lợi dụng xâm nhập vào nội địa hoặc tuồn hàng lậu, hàng gian qua biên giới. Các đồn biên phòng và chốt dân quân mỏng, khó trải dài trên biên giới nên công tác tuần tra, đấu tranh với tội phạm, bảo vệ an ninh biên giới vô cùng vất vả, khó khăn.

Dân quân thăm hỏi gia đình anh Trần Khánh Tường ở điểm dân cư Bến Cừ, xã Ninh Điền (Châu Thành, Tây Ninh). Ảnh: BẢO MINH

Dân quân thăm hỏi gia đình anh Trần Khánh Tường ở điểm dân cư Bến Cừ, xã Ninh Điền (Châu Thành, Tây Ninh). Ảnh: BẢO MINH

Anh Vũ Viết Quý, Chốt trưởng Chốt dân quân xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp chia sẻ, từ ngày điểm dân cư Thanh Hòa được phát triển mở rộng, vùng biên giới Thanh Hòa trở nên bình yên, các vụ trộm cắp xe máy, xuất nhập cảnh trái phép, buôn lậu... giảm hẳn. Nhờ dân, chốt dân quân và Đồn Biên phòng Thanh Hòa (Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước) nắm chắc tình hình biên giới, đấu tranh, ngăn chặn các loại tội phạm hiệu quả.

Cựu chiến binh Dương Danh Sơn, quê ở huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) sinh sống ở khu dân cư Thanh Hòa từ tháng 9-2019. Trong nhà, ông Sơn treo ảnh Bác Hồ ở vị trí trang trọng, trước cổng treo cờ Tổ quốc và mở tiệm tạp hóa nhỏ cho vợ buôn bán.

Người đàn ông có khuôn mặt khắc khổ, da sạm đen dãi dầm mưa nắng, dáng người nhỏ thó, qua bao thăng trầm phấn khởi cho biết: "Nhiều năm trước, tôi lập gia đình và sinh sống ở vùng biên giới Bù Đốp, làm nghề cạo mủ cao su. Cuộc sống vất vả mãi vẫn chưa làm được căn nhà cho vợ con. Được cấp nhà, đất sản xuất, tôi còn được tặng các vật dụng thiết yếu và 6 triệu đồng để mua dê giống gây đàn tăng thu nhập. Gia đình tôi và các hộ dân luôn gắn bó tình làng, nghĩa xóm, đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi với Bộ đội Biên phòng, dân quân. Tôi tham gia tổ an ninh tự quản, tích cực tố giác tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự, giữ đường biên, cột mốc".

Dân quân cùng gia đình anh Trần Khánh Tường treo cờ Tổ quốc trước cổng nhà ở điểm dân cư Bến Cừ, xã Ninh Điền (Châu Thành, Tây Ninh). Ảnh: BẢO MINH

Dân quân cùng gia đình anh Trần Khánh Tường treo cờ Tổ quốc trước cổng nhà ở điểm dân cư Bến Cừ, xã Ninh Điền (Châu Thành, Tây Ninh). Ảnh: BẢO MINH

Đại tá Hoàng Văn Thành, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước cho biết, điểm dân cư gắn bó mật thiết với các đồn biên phòng, chốt dân quân, hình thành thế vững gồm 3 lực lượng: Bộ đội Biên phòng - dân quân - nhân dân. Người dân yên tâm bám biên, tích cực hỗ trợ Bộ đội Biên phòng, dân quân đấu tranh phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép, cung cấp thông tin về tội phạm, vi phạm quy định pháp luật liên quan đến biên giới.

“Các điểm dân cư đã hình thành những nét văn hóa, tình đoàn kết quân - dân bền chặt rất đặc trưng nơi biên giới. Địa phương và các đơn vị LLVT có nhiều thuận lợi trong triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, tội phạm; bảo đảm an ninh, trật tự, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cơ sở đảng, tổ dân cư, hoạt động văn hóa - văn nghệ, thăm hỏi, tặng quà dịp lễ, tết... Qua đó vun đắp tình đoàn kết quân-dân, hình thành "thế trận lòng dân" vững chắc”, Thượng tá Đỗ Huy Hạnh, Trưởng phòng Dân vận, Cục Chính trị, Quân khu 7, chia sẻ về hiệu quả từ những mái nhà, tình dân nơi biên giới.

ĐẶNG TRUNG KIÊN

(Còn nữa)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/quoc-phong-toan-dan/lap-lang-xay-the-vung-long-dan-nhin-tu-de-an-xay-dung-diem-dan-cu-bien-gioi-tay-nam-bai-2-qua-ngot-ben-nhung-dong-song-788907