Lấp lánh dưới đáy vực sâu: Một cách riêng để diễn đạt về nỗi đau của cây bút 9x
Tác phẩm văn học đầu tay của cây bút Ngọc Quý với tựa đề 'Lấp lánh dưới đáy vực sâu' là một cách riêng để diễn đạt về nỗi đau, nhưng không phải để bi lụy, mà để nói về tình yêu thương, sự thấu hiểu, về cách để tự chữa lành…
Người bình thường, văn đời thường, dung dị
Ngọc Quý tên thật là Phan Thị Ngọc Quý, sinh năm 1993 trong một gia đình thuần nông ở một làng quê thuộc trung du xứ Nghệ. Cái nghèo của quê hương, làng xóm và gia đình đã tạo nên một hoàn cảnh xuất thân rất đặc trưng và định hình nên hành trình đi lên cho rất nhiều người đồng hương với cô. Ấy là một tuổi thơ vất vả, sớm phải phụ giúp gia đình lao động để lo miếng cơm manh áo, là khi phải biết đồng áng thuần thục trước khi biết đánh vần cho tròn vành rõ chữ.
Rất nhiều người trong chúng ta đã từng như vậy, khi phải vượt thoát lên tất cả những khó khăn, thiếu thốn về vật chất, nuôi dưỡng ước mơ và khát vọng học để vượt nghèo, học để thoát khổ…
Cây bút 9x Ngọc Quý
Trong cái bình thường, dung dị của đời sống, Ngọc Quý có một tâm hồn nhạy cảm, rung động và tinh tế trước hiện thực. Những hiện thực ấy, đôi khi một người ít cảm xúc sẽ không để tâm đến, sẽ để mặc cho nó tự trôi chảy theo dòng thời gian, lùi xa vào quá vãng không tên. Còn với Ngọc Quý, những điều bình thường giản dị ấn chứa trong đó nhiều cảm xúc đẹp đẽ về đời sống, về những người sống bên cạnh cuộc đời mình.
Truyện dài "Lấp lánh dưới đáy vực sâu" của Ngọc Quý bắt đầu từ những chuyện hồn nhiên trong ánh mắt trong veo của một đứa trẻ lớn lên ở nông thôn, với một thế giới gần gũi với thiên nhiên, với ruộng đồng đồi núi, với cuộc sống sinh hoạt và lao động của một miền thôn dã. Đọc từng trang viết hồn nhiên và giàu xúc cảm, ta như được trở về với tuổi thơ, sống lại những ngày ta đã đi qua...
Ai cũng có nỗi đau
Truyện của Ngọc Quý mới đọc qua tưởng như chỉ là những kỷ niệm về tuổi thơ, như một tấm vé đưa người đọc phiêu du về miền ký ức. Thế nhưng càng đọc, càng chiêm nghiệm và khám phá thì càng mới đi sâu được vào câu chuyện, hiểu được hết những chiêm cảm và gửi gắm của tác giả trong từng câu chữ.
"Lấp lánh dưới đáy vực sâu" có nhiều nhân vật được gọi tên: Cái Hà, anh Hoàn ọt, cái Đông ki… nhưng trung tâm của câu truyện là 3 nhân vật chính: Quý, ba và mẹ của Quý. Trục quan hệ chính của câu truyện chính là mối quan hệ giữa 3 nhân vật chính trong câu chuyện này.
Nhân vật ba của Quý là một người nông dân tên Đàn, ông gặp và nên duyên với bà Lan, bằng một tình yêu đầy trở ngại nhưng được chiến thắng bằng sức mạnh phi thường của con tim.
Ông Đàn không sinh được con trai như những người hàng xóm. Thế nên ông bị cạnh khóe, chê bai, coi thường. Cũng bởi vậy, ông Đàn đã có lúc cay nghiệt với vợ con, đôi lúc trút tất cả những uẩn ức trong lòng xuống gia đình mình. Điều đó đã ảnh hưởng đến tuổi thơ của Quý, khiến cho cô trở thành một đứa trẻ nhiều suy tư, nhiều xúc cảm và nhạy cảm với hiện thực đời sống.
Nhân vật người mẹ, xuất hiện ít hơn, không có nhiều lời nói, việc làm mang cá tính mạnh mẽ hay nổi bật, nhưng lại là một hình tượng nghệ thuật sâu sắc trong tác phẩm. Chính người mẹ mới là người mang nặng nỗi đau "sinh toàn con gái", đến mức phải vượt cạn một mình.
Nhân vật Quý - tác giả của câu truyện là người mang nỗi đau thân phận làm con gái, mang sự sợ hãi khi phải đối diện với những biến cố dữ dội của cuộc đời. Những nỗi đau như là chất xúc tác tạo nên phản ứng cảm xúc của tâm hồn Quý, giúp tuôn trào những trang văn chật vật nỗi niềm, chan chứa những rung động, những cảm xúc yêu thương. Trải qua những nỗi đau và biến cố, Quý không bị biến dạng tâm hồn, không bị méo mó nhân cách, mà ngược lại đã trưởng thành, lớn khôn một cách trong trẻo, mạnh mẽ, tràn đầy năng lượng nội sinh.
Tự chữa lành bằng hiểu và thương
Diễn đạt về nỗi đau một cách chân thật, phơi bày hết cảm xúc của mình, nhưng tác phẩm "Lấp lánh dưới đáy vực sâu" không phải dùng để đào cho cái hố uất hận, khổ đau thêm sâu, thêm ngăn cách con người với nhau. Mà ngược lại, tác phẩm chính là một bài tự học, một thể nghiệm của tác giả về việc sử dụng tình yêu thương để hàn gắn trái tim, tự chữa lành nỗi đau cho mình và cho mọi người.
Ngọc Quý cùng bố mẹ trong buổi ra mắt sách
Hành trình của nhân vật người cha là hành trình của người cư sĩ, sử dụng ánh sáng Phật pháp để tu sửa bản thân, để tự hoàn thiện mình, từng bước tốt dần lên. Nhân vật Quý trong câu chuyện cũng tự chữa lành bằng thứ tha, thấu hiểu cho nỗi đau của những người sống bên cạnh mình, thậm chí là những người gây ra oan nghiệt cho bản thân mình. Vượt qua tất cả những biến cố của tình yêu và hôn nhân, người mẹ của Quý vẫn lặng lẽ không tuyên ngôn điều gì, không làm việc gì to tát, bà chỉ cười hiền hậu bao dung. Sự thứ tha, sự thấu hiểu và sự hy sinh của người mẹ tưởng như chuyện ngày thường, thế mà thật vĩ đại.
Cách diễn đạt về nỗi khổ đau và sự thể nghiệm cách chữa lành nỗi đau của Ngọc Quý, của tác phẩm "Lấp lánh dưới đáy vực sâu" thật sự là một sự khai mở tâm hồn và trái tim.
Đến cùng thì thông điệp xuyên suốt và sâu sắc nhất của tác phẩm này, của hành trình tự chữa lành mà tác giả đã trải qua chính là lời yêu thương và biết ơn sâu sắc, chân thành từ con tim. Lời yêu thương và biết ơn ấy trước hết là để gửi đến cha, đến mẹ, đến gia đình ruột thịt thân thương. Biết thấu hiểu nỗi đau của người khác, biết yêu thương, thứ tha chính là cách để chúng ta trưởng thành một người lương thiện và tử tế.