Lấp lánh những ngôi sao thời bình
Thời chiến, họ đã anh dũng, hiên ngang 'chắc tay súng' bảo vệ Tổ quốc. Đất nước hòa bình, những người lính ấy lại tiếp tục cống hiến sức mình để bảo vệ quê hương. Dù cơ thể không còn nguyên vẹn, nhưng họ vẫn luôn lạc quan tin tưởng, vượt khó, chung tay lao động, sản xuất. Họ được ví như những ngôi sao lấp lánh thời bình.
“Xông pha” trên mặt trận kinh tế
Nằm lọt thỏm giữa những vườn bưởi bạt ngàn tại thôn Soi Hà, xã Xuân Vân (Yên Sơn), căn nhà của gia đình CCB Bế Văn Thông, thương binh hạng 4/4 khá yên tĩnh. Tay vừa cắt tỉa những cành bưởi không hiệu quả, CCB Bế Văn Thông vừa kể cho tôi nghe về đời mình. Năm 1981, khi ấy ông vừa tròn 18 tuổi, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông xung phong ra trận. Hơn 5 năm chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, ông được xuất ngũ. Trở về với đôi chân bị thương do trúng pháo, ông phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, bố mẹ già yếu, cái đói cái nghèo, cơm ăn không no, áo không đủ mặc.
Không nao núng trước cái nghèo, ông lê từng bước chân lên đồi, xuống ruộng trồng ngô cấy lúa, chăn nuôi lợn, gà tăng gia. Chỉ 1, 2 năm sau, gia đình ông đã thoát được cái đói, mâm cơm đã có thịt, có cá, thay vì phải ăn cơm độn sắn. Xóa được đói rồi, ông lại vắt tay lên trán nghĩ cách xóa nghèo, làm giàu.
Thương binh Vũ Văn Minh (thứ 4 từ trái sang) trao Bằng khen, Giấy khen cho các CCB, thương binh
tích cực tham gia hoạt động ban tình nguyện. (Ảnh chụp trước 27-4).
Ông Thông bảo, trồng ngô, trồng lúa mãi cũng chỉ đủ ăn, không khá được. Đêm ông không ngủ được, cứ trằn trọc suy nghĩ, trồng cây gì, nuôi con gì để làm giàu. Sau nhiều đêm suy nghĩ, ông quyết tâm đưa cây bưởi vào trồng. Sau 20 năm bám đất, bám đồi, đến nay, ông có trên 400 cây bưởi gồm bưởi Diễn, bưởi đường Soi Hà, bưởi da xanh... cho thu hoạch quả. Những năm được mùa, được giá, gia đình ông thu từ 300-400 triệu đồng tiền bưởi. Ngoài trồng bưởi, gia đình ông còn nuôi hơn trăm con lợn thịt, bình quân mỗi năm thu hằng trăm triệu đồng. Từ một hộ đói, hộ nghèo, giờ đây gia đình ông đã trở thành một trong những hộ khá ở Soi Hà.
Nếu như ông Thông là đại diện cho những thương, bệnh binh biết phát huy tiềm năng thế mạnh làm kinh tế giỏi thì ông Hoàng Văn Nhượng, thương binh hạng 2/4, thôn Kho 9, xã Hồng Lạc (Sơn Dương) lại là tấm gương tiêu biểu cho ý chí nỗ lực vượt lên hoàn cảnh. Trở về cuộc sống với một chân bị cụt, ông Nhượng gặp không ít khó khăn trong sinh hoạt đời thường, gánh nặng kinh tế gia đình tăng lên. Vượt qua những khó khăn, nhọc nhằn, người thương binh đặc biệt ấy đã cố gắng học nghề sửa chữa đài và công tác tại Sư đoàn Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Thái trước đây.
19 năm trong quân ngũ, trở về quê với 1 chân cụt, bố mẹ già, là anh cả của 10 anh chị em. Vượt qua nỗi đau thể xác, ông Nhượng tiếp tục cùng vợ con leo rừng phát nương, khai hoang đất trồng ngô, trồng mía, chăn nuôi gà, lợn, trâu sinh sản. Giờ đây, 2 ha đất rừng khai phá, đã được ông phủ kín bằng cây keo, bạch đàn. Từ hộ nghèo nhất nhì xóm, đến nay, gia đình ông đã có nhà xây kiên cố, gia đình có của ăn của để, trở thành hộ có thu nhập khá ở địa phương.
Ông Nhượng chia sẻ: “Còn sức thì còn làm việc cô ạ. Để thấy mình là người có ích cho gia đình, xã hội. Dù lương thương binh Nhà nước trả tôi đủ ăn đấy, nhưng tôi vẫn làm. Làm để vượt cái khó, cái nghèo. Và còn làm nhiều hơn nữa”. Đây cũng là suy nghĩ, hành động của nhiều thương binh, bệnh binh khi rời chiến trường, trở về quê hương.
Tích cực tham gia công tác xã hội
Với suy nghĩ “còn sức còn cống hiến”, khi trở về địa phương, những thương binh, bệnh binh không chỉ nỗ lực vượt lên hoàn cảnh, phát triển kinh tế, chiến thắng cái nghèo, họ còn tham gia tích cực công tác xã hội ở địa phương.
Trong số họ có CCB Đào Dần, thương binh hạng 2/4, thôn Phố Lang Quán, thị trấn Yên Sơn (Yên Sơn). 6 năm trong quân ngũ, tham gia bảo vệ nhiều tuyến đường phía Tây Trường Sơn, ông Đào Dần đã để một phần máu thịt của mình ở lại chiến trường. Sau khi bị thương, ông chuyển ngành về công tác tại UBND tỉnh, Tỉnh ủy Hà Tuyên (nay là tỉnh Tuyên Quang) rồi nghỉ hưu.
Ở tuổi 72 ông vẫn cần mẫn công tác với vai trò Bí thư Chi bộ, Chi hội trưởng CCB, lý do đơn giản vì đảng viên và nhân dân còn cần ông. 25 năm qua, bà con thôn Phố Lang Quán quen thuộc hình ảnh người thương binh già cụt một chân, mất một mắt đi chiếc xe máy cũ xuống thôn vận động nhân dân làm kinh tế, bảo vệ môi trường, giữ gìn đô thị văn minh. Sự cần mẫn, mẫu mực, ông đã đưa Chi bộ thôn Phố Lang Quán nhiều năm liên tục đạt trong sạch vững mạnh, các tổ chức chính trị - xã hội đều hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Thôn Phố Lang Quán nhiều năm không có vụ việc phức tạp xảy ra, nhân dân đoàn kết, thi đua phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư.
Còn CCB Vũ Văn Minh, thương binh hạng 4/4, tổ 8, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) sau khi nghỉ chế độ, ông tiếp tục tham gia Ban liên lạc CCB Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Lào tỉnh Tuyên Quang với vai trò Trưởng ban. Hiện ban có gần 400 hội viên, hằng năm, các Ban liên lạc cấp cơ sở đều tổ chức gặp mặt hội viên nhân ngày truyền thống. Đồng thời, làm tốt công tác nghĩa tình đồng đội, thăm hỏi, động viên hội viên nỗ lực vượt qua hoàn cảnh, cùng nhau góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp.
Mỗi thương binh, bệnh binh có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng điểm chung ở họ là sự can trường, bất khuất, lạc quan, nỗ lực vượt khó. Thân thể đầy thương tích, mỗi khi “trái gió trở trời” toàn thân đau nhức tưởng chừng như không chịu đựng nổi, nhưng bằng ý chí, nghị lực, họ đã vượt qua khó khăn, thử thách, nêu gương trên các mặt trận, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”.