Lấp lánh sắc hoa 'Sao Vương'

BẮC GIANG - Làm vợ, làm mẹ từ khi còn trẻ, năm 21 tuổi đã xa chồng, con đi lao động ở xứ người, dù trải bao vất vả nhưng chị Nguyễn Thị Sao (SN 1986), thôn Chãng, xã Bảo Đài (Lục Nam) vẫn dành tình yêu với hoa. Sau nhiều năm bươn trải, trở về địa phương, niềm yêu hoa ấy như sợi tơ hồng se duyên chị với nghề trồng hoa. Qua nhiều năm vun xới, đến nay, sản phẩm hoa và giống hoa của gia đình chị gắn với tên gọi “Sao Vương” đã trở nên nổi tiếng, hút khách gần xa.

Tiếng thơm bay tới... trời Âu

Đã hẹn trước nhưng tôi vẫn phải đợi chị Sao khá lâu, bởi vợ chồng chị đang tất bật giao củ giống hoa lay ơn cho khách kịp trồng phục vụ dịp Tết Nguyên đán tới. Trong số khách hàng có bà Lưu Thị Hoàn, thôn Tiên Phú, xã Văn Phú, TP Yên Bái (tỉnh Yên Bái). Sau phút làm quen, bà Hoàn bộc bạch: “Được giới thiệu nên vụ Tết năm ngoái tôi mua gần 1 tấn củ giống hoa lay ơn của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp sản xuất, cung ứng hoa tươi, cây cảnh Sao Vương (gọi tắt là HTX Sao Vương) do chị Sao làm Giám đốc. Tôi chăm sóc theo đúng kỹ thuật do vợ chồng chị hướng dẫn nên cây mọc đều, thân cao, bông to, bán được giá cao. Dù cách mấy trăm km nhưng vụ này tôi vẫn trực tiếp xuống đây mua giống, vì muốn học hỏi thêm kinh nghiệm trồng hoa trái vụ của chị”.

Chị Nguyễn Thị Sao chia sẻ kinh nghiệm trồng hoa huệ với thành viên Ban Thường vụ Hội Sinh vật cảnh tỉnh Bắc Giang.

Chị Nguyễn Thị Sao chia sẻ kinh nghiệm trồng hoa huệ với thành viên Ban Thường vụ Hội Sinh vật cảnh tỉnh Bắc Giang.

Tranh thủ lúc vắng khách chị Sao mới tiếp chuyện tôi. Uống vội ngụm nước, gạt những lọn tóc đẫm mồ hôi, chị Sao chia sẻ, mấy năm gần đây, chị chuyển sang nhập các loại giống hoa lay ơn từ Hà Lan về trồng và bán. Từ đầu năm đến nay đã nhập và bán hết 3 công ten nơ, với gần 4 triệu củ giống (tương ứng hơn 240 ha hoa), tổng trị giá hơn 15 tỷ đồng.

Thời điểm này, mỗi ngày có cả chục khách hàng, nhiều người ở Đà Lạt cũng đặt mua giống hoa lay ơn nhập nội của chị. Vợ chồng chị phải dậy từ sáng sớm để trực bán hàng, tư vấn kỹ thuật hoặc vận chuyển giống hoa cho những nhà vườn mua với số lượng lớn. Đồng thời sắp đặt công việc cho gần chục nhân công, bảo đảm chăm sóc tốt nhất gần 2 ha lay ơn trái vụ và hoa huệ ta; thu rơm, làm đất, xuống giống khoảng 5 ha lay ơn các loại, phục vụ dịp Tết.

Cùng với cung ứng giống, mỗi năm gia đình chị trồng khoảng 10 ha hoa các loại, chủ yếu là lay ơn và huệ ta, cung ứng cho thị trường, trong đó có cả TP Đà Lạt, “vương quốc” của những loài hoa. Doanh thu từ sản xuất hoa và bán giống hoa đạt hàng chục tỷ đồng/năm... Hiện HTX Sao Vương là đơn vị cung ứng giống hoa lay ơn lớn nhất tại Bắc Giang. Chị Sao không giấu niềm vui: “Mong muốn hợp tác lâu dài nên cuối tháng 8 vừa qua, đại diện đơn vị xuất khẩu giống hoa cho HTX tại Hà Lan đã sang thăm vùng trồng hoa của HTX và mời vợ chồng tôi sang tham quan một số mô hình sản xuất hoa của Hà Lan vào năm 2024”.

Thành công từ gian khó

Chị Sao đưa tôi tham quan khu nhà bảo quản giống, phân loại và đóng gói hoa thương phẩm trước khi xuất bán. Khu này rộng khoảng 300 m2 với 6 kho lạnh, thể tích từ 60-200 m3 (trị giá hàng tỷ đồng), hoạt động suốt ngày đêm. Các kho lạnh vừa để bảo quản củ giống, vừa bảo quản hoa tươi khi vào mùa thu hoạch rộ. Cạnh đó là khu nhà màng, diện tích 3 nghìn m2 của HTX, được huyện Lục Nam hỗ trợ xây dựng năm 2019. Trong nhà màng chỉ trồng các loại hoa cao cấp như: Ly ly, cát tường, đồng tiền, cây phát lộc,… Cách khu nhà màng không xa là cánh đồng hoa dơn, hoa huệ, xen lẫn những thửa ruộng đang được chị Sao cho máy cày vun luống thẳng tắp, chuẩn bị trồng hoa vụ Tết.

 Chị Nguyễn Thị Sao kiểm tra chất lượng giống hoa lay ơn.

Chị Nguyễn Thị Sao kiểm tra chất lượng giống hoa lay ơn.

Đưa tay vuốt nhẹ những cánh hoa huệ trắng tinh, thơm dịu, chị Sao trải lòng. Để có thành quả như hôm nay, vợ chồng chị đã làm việc bằng 200% sức lực hơn 10 năm qua. Vợ chồng chị cưới nhau năm 2004. Khi đó, gia đình chồng có hơn 2 ha đất nông nghiệp nhưng ngoài trồng lúa chỉ trồng hành và một số loại cây rau màu khác nên giá trị kinh tế thấp. Để có thu nhập cao hơn, năm 2007 (khi đó con trai đầu lòng của chị mới được 3 tuổi), chị sang Hàn Quốc làm công nhân. Vì thương nhớ chồng con nên năm 2012 chị quyết định về nước, cùng anh lập nghiệp.

Yêu thích hoa từ nhỏ nên cuối năm 2012 chị sang Quảng Ninh học cắm hoa và làm vòng hoa. Với khiếu thẩm mỹ sẵn có, chỉ sau thời gian ngắn học hỏi, chị đã thành nghề, lên chợ Thanh Xuân, thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam) mở quầy hàng nhỏ buôn bán hoa. Hằng ngày, chị phải dậy từ 4 giờ sáng để lấy hoa lên chợ bán, 19 giờ mới về đến nhà nên rất vất vả. Bù lại, thời gian buôn bán hoa đã cho chị cơ hội tiếp cận nhiều nhà vườn và tích cóp kinh nghiệm trồng hoa.

Năm 2013, vợ chồng chị chuyển sang trồng các loại hoa và cây cảnh mi ni. Những năm đầu, chị trồng huệ ta, ly ly, cúc và một số cây cảnh. Sau khi tích lũy được kinh nghiệm, từ năm 2015 đến nay, chị tập trung trồng các loại lay ơn vì nhu cầu thị trường lớn, tiêu thụ quanh năm. “Có lẽ ông trời thương vợ chồng tôi vất vả nên từ khi chuyển nghề trồng hoa đến nay, mọi việc rất thuận lợi. Chỉ duy nhất vụ hoa lay ơn Tết Tân Sửu (2021) không có lãi. Nguyên nhân do mưa lớn nên 5 sào lay ơn đỏ vuông Ý bị đổ, cành hoa bị cong, phải bán giá thấp bằng nửa giá thị trường mới tiêu thụ được”, chị Sao kể.

Thu hoạch hoa lay ơn.

Thu hoạch hoa lay ơn.

Cùng năm đó, vợ chồng chị vào Đà Lạt tham quan, thấy nhiều nhà vườn tại đây lo ngại dịch Covid-19 bùng phát, hoa khó tiêu thụ, không dám xuống giống, anh chị đã “liều” mở rộng diện tích lay ơn thêm khoảng 3 ha. Quả nhiên Tết năm đó hoa khan hiếm, giá tăng cao, gia đình chị trúng đậm. Để liên kết, mở rộng sản xuất, tháng 9/2019, chị cùng 8 thành viên khác thành lập HTX Sao Vương. Hiện HTX thuê, mượn thêm hơn 10 ha ruộng của nông dân trong xã để thâm canh hoa.

Xây dựng thương hiệu “Giống hoa lay ơn Sao Vương”

Chị Sao nhìn nhận: “Xã hội phát triển, đời sống ngày một nâng cao kéo theo nhu cầu mua sắm, làm đẹp không gian sống của mỗi gia đình, trong đó có các loài hoa. Vì vậy nghề sản xuất hoa sẽ ngày một phát triển”.

Xã hội phát triển, đời sống ngày một nâng cao kéo theo nhu cầu mua sắm, làm đẹp không gian sống của mỗi gia đình, trong đó có các loài hoa. Vì vậy nghề trồng hoa sẽ ngày một phát triển”.

Chị Nguyễn Thị Sao.

Sau nhiều năm trồng, chị nhận thấy giống hoa rất quan trọng, không phải giống hoa nào cũng hợp thổ nhưỡng, khí hậu miền Bắc, đặc biệt các giống hoa lay ơn trái vụ.

Tuy nhiên, hiện thị trường giống hoa này vẫn còn nhiều loại kém chất lượng được bán trà trộn, làm nông dân thất thu.

Đây là lý do để thời gian tới chị chỉ sản xuất các loại hoa khó trồng và độc, lạ như các loại lay ơn xanh, tím, trắng, vàng. Còn lại, tập trung sản xuất, cung ứng giống, xây dựng thương hiệu “Giống hoa lay ơn Sao Vương” và bao tiêu sản phẩm cho bà con.

Anh Dương Quốc Vương chăm sóc hoa lay ơn.

Anh Dương Quốc Vương chăm sóc hoa lay ơn.

Tranh thủ thăm đồng xong, anh Dương Quốc Vương (SN 1982, chồng chị Sao) cùng người làm tới đón chúng tôi về nhà. Anh Vương chia sẻ: “Các loại hoa, nhất là lay ơn là cây trồng khó tính nhưng giá trị kinh tế cao. Do vậy, chỉ sơ suất để cây thiếu nước, táp lá hoặc nhiễm sâu bệnh là mất cả trăm triệu đồng/ha. Muốn đạt hiệu quả, cùng với nguồn giống, kỹ thuật chăm sóc, người trồng phải liên tục cập nhật thông tin, phân tích thị trường tiêu thụ để có kế hoạch xuống giống phù hợp”.

Mặt trời đã đứng bóng nhưng chị Sao vẫn lội ruộng hái một bó bông huệ lớn. Chị nói, vẻ bí mật: “Hôm nay mời anh ở lại xơi cơm cùng gia đình. Vợ chồng em sẽ chiêu đãi anh một món ăn đặc biệt được chế biến từ hoa”. Câu nói của chị khiến tôi tò mò, không thể từ chối. Bữa cơm trưa giản dị được dọn ra bên hiên nhà sàn. Bữa cơm có đông đủ cả gia đình chị, với 3 cậu con trai kháu khỉnh, cùng bố mẹ chồng và gần chục người làm công. Tôi không khỏi bất ngờ bởi món đặc sản mà chị Sao thết đãi lại là hoa huệ xào thịt bò.

Món này có hương hoa huệ xen vị cải ngọt, nếu ai đã từng thưởng thức sẽ nhớ mãi. Vừa gắp cho mọi người nếm thử, chị Sao vừa nói: “Người xưa có câu: Thợ may ăn vải, thợ vẽ ăn hồ. Mình trồng hoa thì ăn hoa vậy!”. Nghe câu nói ấy, mọi người phá lên cười. Là câu nói vui của chị, nhưng tôi lại nhận ra một triết lý, đó là làm nghề gì cũng phải say cháy, tâm huyết, bởi nó mang lại cuộc sống cho mình…

Lúc này tôi mới có dịp quan sát, thấy trên tường nhà treo Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Lục Nam và một số ngành trong tỉnh tặng gia đình chị Sao và HTX Sao Vương, vì thành tích sản xuất kinh doanh của gia đình, HTX trong nhiều năm qua và những đóng góp cho quê hương trong xây dựng nông thôn mới. Trong những thành tích ấy, tôi thấy lấp lánh những sắc hoa.

Bài, ảnh: Thế Đại

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/phong-su/414344/lap-lanh-sac-hoa-sao-vuong-.html