Lập liên minh tái chế bao bì: Cái bắt tay cùng hướng đến kinh tế tuần hoàn

Vừa qua 9 công ty sản xuất hàng tiêu dùng và bao bì đã ký kết thành lập Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam). Đây là bước đi đầu tiên cho mục tiêu thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, góp phần giải quyết vấn nạn rác thải.

 Quang cảnh lễ ký kết thỏa thuận thành lập “Liên minh tái chế bao bì Việt Nam”.Ảnh: Ngọc Linh

Quang cảnh lễ ký kết thỏa thuận thành lập “Liên minh tái chế bao bì Việt Nam”.Ảnh: Ngọc Linh

Các thành viên sáng lập của PRO Vietnam, gồm Coca - Cola Việt Nam, Friesland Campina, La Vie, Nestlé Việt Nam, Nutifood, Suntory PepsiCo Việt Nam, Tetra Pak Việt Nam, TH Group và URC Việt Nam. Lãnh đạo các doanh nghiệp đã đề cử ông Phạm Phú Ngọc Trai làm Chủ tịch của PRO Vietnam.

Thách thức rác thải

Tại lễ ra mắt liên minh, ông Phạm Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội dẫn số liệu của nhiều tổ chức quốc tế cho thấy, rác thải nhựa đang là thách thức với Việt Nam. Theo đó, các nước châu Á, trong đó có Việt Nam, là tác nhân xả thải làm ô nhiễm đại dương lớn nhất thế giới. Lượng rác thải rắn tại Việt Nam đang tăng từ 16 đến 18% mỗi năm. Rác thải bao bì sử dụng một lần như chai nhựa, ống hút, vỏ hộp sữa... tăng nhanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân, môi trường sống và sự phát triển bền vững của quốc gia khi không được xử lý.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai cho biết Việt Nam hiện đứng thứ tư thế giới, sau Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia và Philippines, về lượng rác thải nhựa đổ ra đại dương, tương đương 280.000 tấn mỗi năm. Tổng lượng rác thải của năm nước kể trên bằng các nước còn lại trên thế giới. Đây là thách thức vô cùng lớn, đặt ra yêu cầu phải có sự phối hợp một cách quyết liệt, đồng bộ giữa nhà nước và tư nhân trong việc tạo ra một hệ sinh thái thu gom, tái chế để tăng tỷ lệ tái chế, giảm thiểu rác thải ra môi trường.

Tại Việt Nam, công tác phân loại, thu gom rác thải nhựa, bao bì để phục vụ tái chế còn rất hạn chế do ý thức người dân, doanh nghiệp vẫn là một câu chuyện dài và cơ sở hạ tầng đi kèm chưa đồng bộ. Do vậy, tại các nhà máy xử lý công nhân vẫn phải dùng tay để phân loại rác.

Doanh nghiệp bắt tay hành động

Theo ông Phạm Phú Ngọc Trai, đây là lần đầu tiên các doanh nghiệp có mối quan hệ cạnh tranh gạt bỏ sự khác biệt để cùng hợp tác vì mục tiêu chung, đó là bảo vệ môi trường. Các thành viên sáng lập đã cùng đóng góp những ý tưởng và nguồn lực tài chính để vận hành PRO Vietnam. Tổ chức này cũng mời gọi tất cả các doanh nghiệp khác tham gia.

PRO Vietnam hoạt động theo nguyên tắc dung hòa các lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường; cân bằng giữa việc tạo ra những sản phẩm tiện ích với việc bảo vệ môi trường... Các hoạt động chính sẽ hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về tái chế, phân loại rác; làm vững mạnh hệ sinh thái thu gom bao bì sẵn có, hỗ trợ các chương trình tái chế của nhà máy xử lý và các nhà máy sản xuất nguyên liệu tái chế. Các thành viên sáng lập có mục tiêu tham vọng, đến năm 2030, tất cả các bao bì của các thành viên tham gia đưa ra thị trường sẽ được thu gom và tái chế.

Ông Ganesan Ampalavanar, Tổng giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam chia sẻ, để đạt được sự cân bằng về tái chế như mục tiêu đề ra thì cần có nhiều nỗ lực của các bên và là một chặng đường dài. Sự đóng góp của chín công ty là sự bước khởi đầu cho chặng đường dài này.

Ông Hiroshi Kanazawa, Tổng giám đốc Coca-Cola khẳng định, để chương trình có thể thành công, cần có sự hợp tác công tư toàn diện giữa Chính phủ, doanh nghiệp, người dân nhằm tạo ra một hệ sinh thái hiệu quả. Bước đầu tuy chỉ có chín doanh nghiệp nhưng tương lai sẽ có nhiều công ty gia nhập liên minh để cùng hướng đến một mục tiêu chung.

Chín doanh nghiệp sáng lập PRO Vietnam hiện có hàng ngàn nhân viên, hàng triệu người tiêu dùng và hàng tỉ sản phẩm sẽ là một nền tảng tốt để chương trình tiếp cận với đông đảo người dân, tuyên truyền để gia tăng nhận thức về việc thu gom và tái chế bao bì.

Theo ông Jeff Fielkow, Tổng giám đốc Tetra Pak Việt Nam, PRO Vietnam có chương trình hành động với việc áp dụng các phương pháp khác nhau để tìm ra giải pháp tối ưu nhất cũng như thực hiện hợp tác với các cơ sở tái chế. Trước mắt, chương trình thu gom sẽ được thực hiện thí điểm tại TPHCM, nơi có lượng rác thải rắn xả ra môi trường rất lớn.

Tâm An

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/290562/lap-lien-minh-tai-che-bao-bi-cai-bat-tay-cung-huong-den-kinh-te-tuan-hoan-.html