Lấp lỗ hổng cấp phép tàu rời bến thủy
Việc tổ chức quản lý cảng bến, phương tiện và hoạt động vận tải thủy mỗi nơi một kiểu. Có đơn vị không có chuyên môn vẫn thực hiện cấp phép.
Vụ chìm tàu cao tốc tuyến Cửa Đại - Cù Lao Chàm (Quảng Nam) khiến 17 người chết một lần nữa cho thấy công tác tổ chức quản lý của địa phương đối với các tuyến đường thủy quốc gia được ủy quyền bộc lộ quá nhiều bất cập.
Việc cấp phép vào, rời bến thủy nội địa nhiều nơi do đơn vị không có chuyên môn thực hiện.
Không chuyên môn vẫn cấp phép tàu rời, vào bến
Sau hai ngày bất ngờ tạm dừng cấp phép bến khiến nhiều người dân, du khách mắc kẹt ở đảo Cù Lao Chàm, tuyến đường thủy nội địa Cửa Đại - Cù Lao Chàm đã hoạt động trở lại từ ngày 16/3.
Cụ thể, Đội Quản lý bến thủy nội địa thuộc Thanh tra Sở GTVT Quảng Nam đã cấp phép cho phương tiện xuất bến tại cảng Cửa Đại ra Cù Lao Chàm. Ở chiều ngược lại từ Cù Lao Chàm vào Cửa Đại, Ban Quản lý bến thủy nội địa Cù Lao Chàm (thuộc UBND xã Tân Hiệp, TP Hội An) đã thực hiện cấp phép cho tàu xuất bến.
“
Hạn chế lâu nay là chưa tổ chức được bộ máy cảng vụ để quản lý đường thủy quốc gia ở miền Trung.
Hiện Cục Đường thủy nội địa VN có 4 Cảng vụ khu vực quản lý cảng, bến hệ thống đường thủy quốc gia phía Bắc, Nam.
Trường hợp chưa thành lập được thêm đơn vị cảng vụ, nên điều động bộ máy ở các khu vực trên để quản lý khu vực miền Trung để quản lý các địa bàn trọng điểm về vận tải thủy.
Ông Đặng Xuân Hy, Tổng thư ký Hội Vận tải thủy nội địa VN
”
Trước đó, UBND TP Hội An có văn bản gửi Sở GTVT Quảng Nam nêu việc kiểm tra, cấp giấy phép vào, rời bến thủy nội địa Cù Lao Chàm thuộc Thanh tra Sở.
Tuy nhiên, thời gian qua thanh tra chưa bố trí được lực lượng làm việc nên theo phân công tạm thời của lãnh đạo Sở, Ban quản lý bến thủy nội địa Cù Lao Chàm (thuộc UBND xã Tân Hiệp) tạm thời đảm nhận, thực hiện việc cấp giấy phép rời bến.
Căn cứ quy định pháp luật, ban quản lý này không có chức năng cấp giấy phép rời bến cho các phương tiện tàu thuyền. Vì thế, TP Hội An đề nghị Sở GTVT bố trí nhân lực quản lý, cấp phép rời bến Cù Lao Chàm theo đúng quy định.
Dựa trên đề xuất này, do TP Hội An và xã Tân Hiệp chấm dứt cấp phép tàu ra vào bến Cù Lao Chàm nên Thanh tra Sở GTVT Quảng Nam cũng thông báo tạm dừng cấp phép phương tiện thủy hoạt động trên tuyến Cửa Đại - Cù Lao Chàm tại bến Cửa Đại từ ngày 14/3.
Mục đích là để rà soát lại các thủ tục pháp lý và “chờ ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT”. Tuy nhiên, việc dừng đột ngột gây khó khăn cho người dân, du khách trên đảo.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam sau đó yêu cầu Sở GTVT, TP Hội An kiểm tra, có giải pháp cấp phép cho tàu rời bến tại bến thủy nội địa Cù Lao Chàm đảm bảo an toàn, theo đúng quy định.
Liên quan những bất cập này, Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN Lê Minh Đạo cho biết, tuyến đường thủy quốc gia Cửa Đại - Cù Lao Chàm đang được ủy quyền cho Sở GTVT Quảng Nam quản lý. Vì vậy, thẩm quyền giải quyết cũng như tổ chức quản lý vận tải, cảng, bến thuộc địa phương.
“Việc địa phương giao cho đơn vị không có chức năng, chuyên môn trực tiếp cấp phép phương tiện vào, rời cảng, bến rõ ràng là bất cập”, ông Đạo nhận định.
Tương tự tuyến Cửa Đại - Cù Lao Chàm, tìm hiểu của PV Báo Giao thông, hiện tuyến vận tải từ bờ ra đảo Lạch Hới - Đảo Mẹ (Thanh Hóa) cũng không do lực lượng cảng vụ đảm nhiệm mà là lực lượng Biên phòng.
Thậm chí có một số tuyến đến nay còn chưa có quản lý Nhà nước về cảng, bến. Đơn cử, tuyến Lan Châu - Hòn Ngư (Nghệ An) và Lạch Bạng - Hòn Mê (Thanh Hóa) hiện chưa có sự hiện diện của cơ quan quản lý Nhà nước.
Vì thế, không ai thực hiện cấp phép, kiểm tra điều kiện an toàn của phương tiện, thuyền viên và biện pháp đảm bảo an toàn cho hành khách khi phương tiện vào, rời cảng bến.
Mỗi nơi quản một kiểu
Theo thông tin của Báo Giao thông, hiện có 5 tuyến từ bờ ra đảo (thuộc phạm vi quản lý của Cục Đường thủy nội địa VN) được Bộ GTVT ủy quyền cho các địa phương quản lý gồm: Cái Rồng - Cô Tô (Quảng Ninh), Hải Phòng - Cát Bà (Hải Phòng), Cửa Đại - Cù lao Chàm, Lan Châu - Hòn Ngư, Lạch Bạng - Hòn Mê. Trong số này, chỉ tuyến Cái Rồng - Cô Tô và Hải Phòng - Cát Bà do Cảng vụ đường thủy địa phương trực tiếp quản lý.
Ngoài ra, còn có 29 tuyến từ bờ ra đảo khác do Cục Hàng hải VN quản lý. Một số tuyến còn lại thuộc phạm vi quản lý của các địa phương như tuyến Lạch Hới - Đảo Mẹ (Thanh Hóa).
Cùng với ủy quyền quản lý các tuyến từ bờ đảo, từ năm 2009, Bộ GTVT ủy quyền cho Sở GTVT các địa phương Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam quản lý Nhà nước các tuyến đường thủy quốc gia trên địa bàn.
Tuy vậy, theo Cục Đường thủy nội địa VN, đến nay việc tổ chức quản lý cảng bến, phương tiện và hoạt động vận tải thủy mỗi nơi một kiểu và không phù hợp với Luật Giao thông đường thủy nội địa.
Cả 7 địa phương nêu trên không có cảng vụ đường thủy để thực hiện công tác quản lý Nhà nước về cảng, bến thủy, làm thủ tục cấp phép phương tiện vào, rời bến.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ được ủy quyền, có Sở GTVT ủy quyền lại cho đơn vị trực thuộc hoặc đơn vị khác không có chuyên môn để thực hiện công tác quản lý. Thậm chí, các Sở GTVT Nghệ An, Thanh Hóa còn chưa tổ chức thực hiện quản lý Nhà nước tại cảng, bến thủy.
Khắc phục triệt để bất cập trên, Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, vừa đề xuất Bộ GTVT đôn đốc các địa phương được ủy quyền khẩn trương thành lập cảng vụ để thực hiện công tác quản lý Nhà nước về cảng, bến thủy nội địa. Trường hợp địa phương không thành lập được cảng vụ, đề xuất cho thành lập cảng vụ trực thuộc Cục.
Nhiều khu du lịch lòng hồ chưa được quản lý
Ghi nhận của PV, hiện một số khu vực hồ có hoạt động du lịch bằng phương tiện thủy như: Hồ Thác Bà (Yên Bái), Na Hang (Tuyên Quang), Ba Bể (Bắc Kạn), Núi Cốc (Thái Nguyên), Tam Chúc (Hà Nam)… cũng chưa có sự quản lý của lực lượng cảng vụ đường thủy. Cục Đường thủy nội địa VN hiện đang tổ chức kiểm tra, rà soát các khu vực này.
Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/lap-lo-hong-cap-phep-tau-roi-ben-thuy-d546095.html