Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng: Phải hoàn thành gia tải cao tốc Cần Thơ - Cà Mau vào cuối năm

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các đơn vị bằng mọi giải pháp phải hoàn tất việc gia tải cao tốc Cần Thơ - Cà Mau trước ngày 31/12/2024.

Ngày 18/11, tại TP. HCM, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm đã có buổi làm việc với Ban QLDA Mỹ Thuận và các nhà thầu về tình hình triển khai thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và một số dự án khác trong vùng.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng tại buổi làm việc

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng tại buổi làm việc

Chồng chất khó khăn về nguồn vật liệu

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chia sẻ cùng các đơn vị đang thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau khi đây là dự án khó khăn nhất trong các dự án thi công cao tốc Bắc - Nam.

"Thời gian qua, các đơn vị đã sát cánh với nhau, cùng tháo gỡ từng khó khăn để sớm hoàn thiện dự án. Đến nay, tiến độ dự án đã cải thiện, nhưng chúng ta chỉ còn hơn 1 năm để thi công, trong khi đó khu vực ĐBSCL phải mất 10 - 12 tháng để hoàn thiện công tác gia tải. Do đó, quá trình thi công sắp tới, nhà thầu phải quyết liệt hơn, áp dụng các biện pháp khác nhau, những hạng mục nào cần làm trước phải đẩy nhanh để kịp tiến độ”, Bộ trưởng nói.

Dự án gặp nhiều khó khăn về nguồn vật liệu cát đắp

Dự án gặp nhiều khó khăn về nguồn vật liệu cát đắp

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, sản lượng thi công của cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đến nay đạt gần 51%, tuy nhiên vẫn chậm so với kế hoạch. Kể từ sau cuộc họp ngày 20/7/2024 với Bộ trưởng, các nhà thầu đã tập trung huy động tài chính, vật liệu để tập trung thi công, công tác thi công xử lý nền đất yếu đã có chuyển biến.

Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận báo cáo về tình hình triển khai các dự án

Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận báo cáo về tình hình triển khai các dự án

Cụ thể, đắp cát được thêm 4,74 triệu m3, cắm bấc thấm thêm được 42,1 km, đắp gia tải được thêm 22,4 km, giá trị sản lượng đạt 2.817 tỷ đồng (tương đương 15% giá trị hợp đồng).

Với tình hình khai thác cát sông hiện nay bị hạn chế do một số mỏ bị tạm ngưng khai thác tại An Giang, cũng như công tác khai thác cát biển trong thời gian tới thì sẽ có một số đoạn (khoảng 8 km) không kịp hoàn thành gia tải trong năm 2024.

Để đáp ứng tiến độ chung, Ban QLDA Mỹ Thuận yêu cầu các nhà thầu phải hoàn thành toàn bộ phần cầu tuyến chính trước ngày 31/12/2024. Điều kiện tiên quyết để hoàn thành dự án trong năm 2025 là công tác đắp gia tải phải hoàn thành trong năm 2024. Với khối lượng còn lại từ nay đến cuối năm là rất lớn (4 triệu m3), Ban QLDA Mỹ Thuận đã và đang triển khai các giải pháp như sau:

Yêu cầu các nhà thầu khai thác tối đa công suất của các mỏ với khối lượng đến hết năm 2024 khoảng 1,61 triệu m3 để tập trung thi công các đoạn đang đắp gia tải. Đối với khối lượng còn thiếu huy động tối nguồn cát biển để thi công, dự kiến đến cuối năm đưa về được 0,4 triệu m3. Khối lượng còn lại tiếp tục huy động cấp phối đá dăm, vật liệu dạng hạt, đất đắp bao thương phẩm về để gia tải thay cát (dự kiến tập kết 1,1 triệu m3 vật liệu các loại để gia tải bổ sung) và nguồn cát Campuchia (khoảng 0,5 triệu m3).

Đối với các đoạn không kịp hoàn thành gia tải trong năm 2024 (8 km), yêu cầu nhà thầu áp dụng giải pháp hút chân không và thực hiện tăng tải một số đoạn để đảm bảo tiến độ dỡ tải và hoàn thành toàn bộ dự án như kế hoạch.

Quyết liệt thi công, cương quyết xử lý

Bộ trưởng khẳng định, đối với tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Chính phủ, Quốc hội và người dân cực kỳ quan tâm. Nhưng hiện nay chúng ta triển khai cùng một lúc nhiều dự án tại khu vực ĐBSCL, việc cấp phép khai thác cát có nhiều bất cập, do đó nhiều địa phương còn lúng túng trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, nhà thầu phải chủ động mọi biện pháp vì chưa có dự án nào được các cấp quan tâm như dự án này.

Báo cáo với Bộ trưởng, đại diện các nhà thầu đều thể hiện quyết tâm sẽ hoàn thành các mốc tiến độ như đã cam kết.

Nhà thầu VNCN E&C cam kết tăng công suất khai thác cát biển để phục vụ cho dự án

Nhà thầu VNCN E&C cam kết tăng công suất khai thác cát biển để phục vụ cho dự án

Ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty VINACONEX E&C cho biết, hiện nay đơn vị đã tăng công suất khai thác cát biển hơn 20.000 m3 và nếu các đơn vị có nhu cầu thì nhà thầu sẽ tăng công suất lên 25.000 m3 trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc tiếp nhận từ các nhà thầu hiện nay không đồng bộ, do đó nếu các nhà thầu khác cam kết sẽ lấy trữ lượng cát theo tiến độ ổn định thì nhà thầu sẽ nâng công suất như cam kết để phục vụ cho dự án.

Đối với tình hình triển khai thi công, nhà thầu đã tập trung thiết bị, nhân sự đầy đủ trên công trường và chủ động các mỏ đá trong khu vực, xây dựng trạm nghiền, trạm trộn bê tông.

Ông Lê Xuân Long, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cũng chia sẻ, hiện nay bài toán về vật liệu cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau rất khó khăn, nếu không có sự chủ động từ các cấp thì sẽ khó có được nguồn cát về công trường. Tuy nhiên hiện nay, nhiều mỏ cát sông tại các tỉnh Đồng Tháp và An Giang đang tạm dừng, trong khi đây là giai đoạn nước rút cho công tác gia tải của dự án. Do đó, đơn vị kiến nghị Bộ GTVT có ý kiến với các địa phương để đánh giá lại trữ lượng hai mỏ cát tại tỉnh Đồng Tháp để nhà thầu có thể khai thác và đưa về công trường với khoảng 500.000 m3. Đồng thời, kiến nghị tỉnh Hậu Giang cho điều phối khối lượng từ dự án thành phần 3 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng về cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Ông Nguyễn Đăng Thuận, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty 36 cũng chia sẻ khó khăn về vật liệu cát khi hơn 1 tháng nay, các mỏ ở Đồng Tháp đã dừng thi công vì đã quá độ sâu và không thể khai thác thêm. Hiện nay, cao độ nền đường của nhà thầu đang thi công vượt lớp K95, do đó không thể sử dụng cát biển. Đơn vị cũng chủ động mở rộng các mỏ ở Vĩnh Long nhưng công suất cấp nhỏ giọt. Trong khi đó, thủ tục tại mỏ Bến Tre vẫn đang chờ xác nhận từ UBND tỉnh, do đó vẫn chưa thể khai thác.

“Theo kế hoạch, trong tháng 10 sẽ khai thác nhưng đến nay nhà thầu vẫn chưa được cấp phép từ các mỏ để đưa cát về công trường. Nếu đẩy nhanh thủ tục mỏ thì phần khó khăn của vật liệu sẽ được giải quyết. Đối với phương án mua vật liệu tại Campuchia, cự ly vận chuyển xa, giá thành cao, gây khó cho nhà thầu. Do đó, kiến nghị Ban QLDA Mỹ Thuận xem xét điều phối cát sông giữa các nhà thầu để sớm tháo gỡ”, ông Thuận nói.

Sau khi nghe các đơn vị báo cáo, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các đơn bằng mọi giải pháp phải hoàn tất việc gia tải trước ngày 31/12/2024.

“Ban QLDA Mỹ Thuận và các nhà thầu đã rất cố gắng trong việc triển khai dự án, giải quyết từng khó khăn từ mặt bằng đến vật liệu… và đạt được các kết quả. Tuy nhiên, vẫn còn khối lượng công việc khổng lồ, nhiều vấn đề khó khăn tồn tại chưa được giải quyết kịp thời. Nhiều nhà thầu thiếu chủ động, thiếu trách nhiệm trong thi công, cũng như tập kết vật liệu cát, đá. Tâm lý nhà thầu vẫn còn thờ ơ, do đó khi đến giai đoạn nước rút luôn rơi vào thế bị động. Đối với việc lựa chọn cát biển hay cát sông, phải tính toán các khó khăn, nhanh chóng phê duyệt dự toán, hạn chế việc mua cát thương mại từ Campuchia. Bộ GTVT không chấp nhận những lời hứa hẹn, nhà thầu nào không hoàn thành phải cắt và điều chuyển khối lượng ngay”, Bộ trưởng chỉ đạo

Bộ trưởng cũng yêu cầu Ban QLDA Mỹ Thuận từ nay đến hết năm 2025 là giai đoạn nước rút, do đó Ban phải nâng cao năng lực điều hành, chủ động xử lý các bất cập trong triển khai thi công; tích cực làm việc với các địa phương, sớm đưa vật liệu cấp phối đá dăm về công trường. Đây là một giải pháp có thể hỗ trợ việc gia tải khi vật liệu cát đang khan hiếm.

Đồng thời đôn đốc các đơn vị kiểm đếm thường xuyên, xử lý các nhà thầu thi công chậm trễ; xem xét tính khả thi từ các cam kết của các nhà thầu để đánh giá và có biện pháp xử lý và đưa ra thông báo vi phạm, chấm dứt hợp đồng trên tất cả các dự án của Bộ GTVT.

Tập trung sửa chữa hệ thống đường công vụ, bảo đảm điều kiện khai thác bình thường; gắn trách nhiệm của từng đơn vị trong việc sửa chữa, khắc phục, không để tái diễn tình trạng hư hỏng đường công vụ ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Yêu cầu các nhà thầu huy động đầy đủ máy móc thiết bị, nhân vật lực theo tiến độ được chấp thuận, tổ chức thi công "3 ca, 4 kíp" để bù lại tiến độ đã chậm trễ; khẩn trương hoàn thành trước ngày 30/11/2024 việc phê duyệt giá vật liệu cát theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng; đẩy nhanh công tác phê duyệt trượt giá các hợp đồng để quản lý chặt chẽ chi phí, tuân thủ quy định hợp đồng và pháp luật liên quan.

"Chỉ đạo tư vấn giám sát, các nhà thầu thường xuyên tổ chức quan trắc, theo dõi diễn biến lún theo đúng chỉ dẫn kỹ thuật, căn cứ kết quả quan trắc để quyết định các giai đoạn gia tải và thời điểm dỡ tải, bảo đảm điều kiện ổn định nền đường.

Đôn đốc các đơn vị trong công tác nghiệm thu thanh toán khối lượng hoàn thành, kịp thời giải ngân nhằm tháo gỡ tài chính; tăng cường hơn nữa công tác kiểm soát chất lượng công trình, đảm bảo ATGT, an toàn lao động, vệ sinh môi trường trong quá trình thi công”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Mỹ Lệ

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/bo-truong-nguyen-van-thang-phai-hoan-thanh-gia-tai-cao-toc-can-tho-ca-mau-vao-cuoi-nam-183241118123614278.htm