'Lấp' lỗ hổng trong quản lý cơ sở thẩm mỹ

Mới đây, cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện ra các cơ sở thẩm mỹ hoạt động 'chui' với tình trạng lao công hoặc người chỉ mới tốt nghiệp cấp 3 thực hiện những thủ thuật, phẫu thuật cho khách.

Ảnh minh họa: Uyên Vũ

Ảnh minh họa: Uyên Vũ

Cụ thể, cuối tháng 10/2023 CA quận Thanh Khê, Đà Nẵng kiểm tra cơ sở dịch vụ thẩm mỹ ID Korea (265-267 đường Hùng Vương), bắt quả tang nhân viên chỉ có bằng cấp 3 nhưng xưng bác sĩ, thực hiện thủ thuật nâng ngực cho khách.

Trước đó, hồi tháng 8/2023, cũng ở TP này, CA đã bắt quả tang nhân viên lao công căng da mặt cho khách ở cơ sở thẩm mỹ Kangzin cũng tại quận Thanh Khê...

Đây quả là những thông tin giật gân, gây sốc. Tuy nhiên, nó lại không hề mới bởi trước đó đã có rất nhiều ca tai biến, thậm chí tử vong do các “bác sĩ” giả phẫu thuật thẩm mỹ cho khách hàng.

Sau vụ việc nhân viên mới tốt nghiệp cấp 3 mạo danh bác sĩ tại ID Korea, đại diện Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, hiện cơ sở y tế được cấp phép khám chữa bệnh, thực hiện danh mục kỹ thuật có phạm vi thẩm mỹ tại Đà Nẵng chỉ có 30 cơ sở. Trong khi đó, loại hình chiếm phần đông hiện nay rất khó kiểm soát là dịch vụ thẩm mỹ, không yêu cầu cán bộ y tế cấp phép mà được thực hiện bộ hồ sơ tự công bố các dịch vụ thẩm mỹ có tới… 92 cơ sở.

Chế tài về quản lý vi phạm trong lĩnh vực làm đẹp, thẩm mỹ còn quá nhẹ nhàng, thực tế là hầu như chỉ khi các sự việc gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sinh mạng của người dân thì các chủ cơ sở hoặc “bác sĩ” thực hiện mới bị xử lý hình sự. Còn lại chỉ dừng ở việc xử phạt hành chính. Trong khi nguồn lợi nhuận từ lĩnh vực này mang lại quá lớn khiến cho nhiều DN bất chấp để “vượt rào”, ngang nhiên vi phạm. Bị xử lý, nộp phạt một ít rồi đổi tên, đổi biển hoặc tái phạm theo nhiều hình thức khác nhau…

Suy cho cùng, để tình trạng những lao công, người mới tốt nghiệp cấp 3 nghiễm nhiên trở thành “bác sĩ” đụng dao kéo, phẫu thuật cho người dân là tình trạng phổ biến thì rõ ràng lỗi là do công tác quản lý. Không thể vì lý do này, lý do kia mà không chịu thừa nhận rằng, hiện công tác quản lý ở lĩnh vực này còn rất lỏng lẻo.

Thiết nghĩ, phải "lấp" ngay lổ hổng quản lý này, không phải chờ đến khi dấu hiệu tội phạm rõ ràng, hậu quả xảy ra, công an vào cuộc thì mới kiểm tra, xử phạt...

Thế khác nào “mất bò mới lo làm chuồng”!

Minh Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/lap-lo-hong-trong-quan-ly-co-so-tham-my-358488.html