Lập nghiệp trên núi cao
Năm 2008, muốn vào làng thanh niên lập nghiệp Trường Xuân (xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), phải qua nhiều dốc dựng đứng bùn lầy, vượt qua nhiều ngầm lạnh tím chân với nước chảy xiết. Đến nay, khung cảnh nghèo khó đã không còn, nhiều thanh niên tại đây đã có thu nhập đủ để mua ô tô.
Bước đi táo bạo
Anh Đặng Đại Bàng, Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Bình, kể: “Làng thanh niên lập nghiệp Trường Xuân được Trung ương Đoàn đầu tư 28 tỷ đồng, biến hơn 1.300ha đất trống đồi núi trọc giữa rừng Trường Sơn thành nơi phồn vinh, thịnh vượng. Hồi năm 2008, cứ sợ vùng sỏi đá heo hút giữa biên viễn này không thể trụ lại được, vậy mà nay cây cối lên xanh tươi”.
Những năm ấy, Tỉnh đoàn Quảng Bình muốn tìm kiếm một vùng đất xa, chưa khai hoang nhằm đưa các đoàn viên lên lập thân, lập nghiệp. Chọn nhiều nơi, cuối cùng địa bàn vùng núi Lùng Năm, Lùng Hoa, xã Trường Xuân được Trung ương Đoàn phê duyệt. Theo Bí thư Đặng Đại Bàng: “Kinh phí được hỗ trợ, điện được kéo vào, đường được đầu tư trên núi cao với hơn 12km là một bước đi rất táo bạo để các cặp vợ chồng đoàn viên của các vùng lên sinh cơ lập nghiệp, vừa giữ đất vừa đảm bảo an ninh vùng cao”.
Gặp chúng tôi giữa núi rừng mây giăng, anh Dương Vĩnh Phú, Phó đội TNXP Trường Xuân, tiếp lời: “Trước đây, tìm kiếm các đoàn viên lên đây rất khó vì đất vừa khai hoang, chưa biết trồng cây gì, nuôi con gì. Nhiều đoàn viên lên khảo sát xong rồi đi miền Nam làm ăn. Nhưng cuối cùng cũng đủ đầy 42 hộ dân cả vợ, lẫn chồng lên lập nghiệp mà có làng trù phú như hôm nay”.
Một trong những công dân đầu tiên của làng, anh Nguyễn Văn Hiệp (SN 1982, trú xã Xuân Ninh) kể: “Quê em là miền xuôi, kiếm đủ ăn là ổn, nhưng nếu làm giàu thì khó. Biết làng Trường Xuân mở ra, mỗi hộ có 4000m2 đất ở, hơn 2ha đất trồng rừng, em đăng ký lên, xa gia đình, xa quê hương, dù núi cao, nước lạnh cũng quyết ở lại bám trụ. Nay cơ ngơi tốt hơn trước rất nhiều”.
Thu tiền triệu sắm ô tô
Địa thế làng Trường Xuân chạy giữa 2 rặng núi đá vôi với bề ngang khoảng 300m, có nơi hẹp còn vài chục mét. Một bên có suối nhỏ uốn lượn với nhiều ngầm nước, ở giữa là khu vực đất xây dựng làng. Đây là khu vực đất thịt pha đá, có nơi pha sỏi, còn xung quanh là núi đá vôi. Làng được chọn để xây dựng từ thế đất không thuận lợi, nhưng 42 hộ gia đình lên đây đã dựng làng thành công cho đến nay là 14 năm.
Một trong những thành viên đầu tiên của làng, anh Nguyễn Văn Hiệp kể: “Ngày mới lên cũng nhiều khi muốn về dưới xuôi, nhưng tinh thần đoàn viên là phải dấn thân nên đến nay vợ chồng em đã dựng được trang trại gà, mỗi lứa hơn 4000 con gà thịt, mỗi năm được 3 lứa, nuôi thêm trang trại heo, cho thu nhập khá”. Dương Vĩnh Phú, Phó đội TNXP Trường Xuân nói thêm: “Cái khá ở đây là mua được xe ô tô bán tải cả tỷ đồng để vừa giúp cho công việc trôi chảy, vừa có phương tiện đi lại, làng Trường Xuân bây giờ có gần chục chiếc ô tô rồi”.
Đất đai nơi đây sau hơn chục năm trời qua bàn tay của 42 hộ dân đoàn viên, sỏi đá được lần dỡ tạo đất nên mùa nào thức nấy đều cho thu nhập thường xuyên. Đoàn viên Lê Thị Quỳnh Trang (SN 1994) từ Đồng Hới lên lập nghiệp kể: “Các hộ dân ở đây có đặc sản cây sả cho thu nhập quanh năm. Sả vừa làm gia vị nhập chợ đầu mối Đồng Hới, vừa làm dược liệu xông hơi nên bán chạy, có khi không kịp thu hoạch để bán vì vị sả ở làng Trường Xuân rất riêng và được ưa chuộng”. “Mỗi héc ta sả cho thu nhập quanh năm gần 100 triệu đồng, ngoài ra hàng trăm héc ta cao su đã cho thu hoạch, các hộ dân tự cạo rồi bán, cứ 10 ngày bỏ túi 8 triệu khi vụ mủ đến. Như vậy là thành công ở vùng đất lập nghiệp này”, anh Phú nói thêm.
Đi giữa làng, anh Dương Vĩnh Phú còn kể: “Làng bây giờ khá thành công nên cả đoàn viên ở Hà Tĩnh cũng đến lập nghiệp. Hiện ở làng có 3 người quê Hà Tĩnh được tạo điều kiện hết sức và đã trở nên ổn định, khấm khá”. Sở dĩ làng Trường Xuân có đoàn viên từ Hà Tĩnh vào lập nghiệp là vì họ theo vợ, hoặc chồng ở Quảng Bình nên bén duyên với núi cao rừng sâu để làm giàu.
Anh Nguyễn Việt Đức (SN 1994, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) là một người như thế: “Em vào Quảng Bình lấy vợ, hai vợ chồng từng đi xuất khẩu lao động ở Malaysia, khi về nước, vào chơi, thấy thích vùng đất này nên tiết kiệm, vay mượn chút vốn xin lên lập nghiệp. Được tạo điều kiện, chúng em đã có trang trại gà, lợn, trồng rừng. Từ cần cù nên đến nay có thu nhập ổn định. Nếu ở miền xuôi hiện tại rất khó có việc làm”, Đức tâm sự.
Làng Trường Xuân sau 14 năm được Trung ương Đoàn đầu tư đã cho thấy sự đúng đắn khi trao cho thanh niên một ngọn đuốc chỉ đường. Số vốn 28 tỷ đồng đã tạo cho 42 hộ dân trở nên khấm khá và tương lai giàu có trên núi cao là một hướng đi lập làng bề thế cho hàng trăm năm sau giữa biên ải núi rừng Trường Sơn.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//lap-nghiep-tren-nui-cao-807039.html