Lập nhiều thành tích trong thi đua cao điểm phòng chống tội phạm
Chiều 30/3, Bộ Quốc phòng đã tổ chức Hội nghị tổng kết đợt cao điểm đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy; phòng, chống mua bán người; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ tích cực đổi mới phương thức hoạt động, xác lập đấu tranh nhiều chuyên án, triệt phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma túy có quy mô, số lượng lớn; điều tra, bắt giữ nhiều vụ buôn lậu xăng dầu, pháo, thuốc lá; ngăn chặn kịp thời hoạt động xuất nhập cảnh trái phép; giữ vững an ninh trật tự trên các tuyến biên giới, vùng biển.
Buôn lậu gia tăng, phương thức thủ đoạn tinh vi, phức tạp
Đồng thời với hoạt động kinh tế, tiêu dùng phục hồi sau dịch COVID-19, hàng lậu, hàng giả, sản xuất kinh doanh hàng hóa cuối năm 2022 tăng hơn so với các năm trước.
Đáng chú ý, năm 2022, hàng lậu, hàng giả lại chuyển hướng đi theo các cửa khẩu tại miền Trung, Tây Nam Bộ, thậm chí hàng giả còn vận chuyển ra phía Bắc.
Dịp cuối năm, lợi dụng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân tăng mạnh, các hoạt động tội phạm trên hướng biển, nhất là các vùng biển trọng điểm có dấu hiệu tăng mạnh, các mặt hàng tội phạm tập trung như xăng, dầu, than, quặng, gỗ quý, thuốc lá, pháo nổ, các mặt hàng gia dụng…
Theo Đại tá Nguyễn Viết Cử, Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) TP Đà Nẵng, hoạt động của tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa gia tăng trong dịp Tết Nguyên đán nhằm thu lợi bất chính khi nhu cầu người dân tăng cao. Tại khu vực cửa khẩu cảng Đà Nẵng, lợi dụng chính sách tạm nhập, tái xuất, quá cảnh và thủ tục phân luồng hải quan, các doanh nghiệp có chức năng xuất, nhập khẩu dùng thủ đoạn khai báo không đúng chủng loại hàng hóa, cất giấu hàng hóa cấm nhập trong các container, sau đó vận chuyển đi các tỉnh, thành trong nước tiêu thụ tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Trên địa bàn các phường khu vực biên giới biển phát hiện một số đối tượng sử dụng phương tiện vận tải đường bộ để vận chuyển trái phép rượu, thuốc lá, đường… có xuất xứ từ nước ngoài, chủ yếu từ các tỉnh Bắc miền Trung vào địa bàn Đà Nẵng và các địa phương khác để tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán.
Ở khu vực vùng biển giáp ranh với Malaysia và Indonesia, tình hình buôn lậu xăng, dầu diễn biến rất phức tạp. Các tàu thuyền Việt Nam khi giao nhận hàng tại Malaysia và Indonesia lợi dụng giá xăng, dầu rẻ để mua về, sau đó đem về Việt Nam tiêu thụ.
Các đối tượng thường vận chuyển và giao nhận xăng, dầu trái phép vào ban đêm, thậm chí sử dụng thiết bị công nghệ cao. Đáng chú ý, các đối tượng thường lợi dụng thời tiết xấu, neo đậu ở vùng biển giáp ranh đường phân định hoặc thời điểm không có hoạt động tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng. Đồng thời sử dụng các tàu cải hoán, núp bóng tàu đánh cá để nhận dầu tại các tọa độ hẹn trước rồi mang về bán lại cho tàu cá trong nước. Các đối tượng còn tinh vi thay đổi tên và số hiệu phương tiện, tuyến hành trình, tắt thiết bị định vị hay bơm nước vào tàu để đánh lừa về tải trọng nhưng khi đến điểm nhận hàng thì bơm nước ra để nhận xăng, dầu lậu.
Các loại tội phạm đã dùng nhiều phương thức thủ đoạn tinh vi, phức tạp, có sự cấu kết với tội phạm hình sự như lừa đảo, rửa tiền, vận chuyển mua bán ngoại tệ… để đối phó, thách thức lực lượng chức năng.
Phát hiện, bắt giữ hơn 1.500 vụ
Trước tình hình đó, ngành Điều tra hình sự quân đội nắm chắc và dự báo chính xác tình hình vi phạm, tội phạm, kịp thời tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và cấp ủy, chỉ huy các đơn vị triển khai phòng, chống vi phạm, tội phạm hiệu quả; tiến hành tiếp nhận, điều tra, xác minh, giải quyết các vụ việc theo đúng pháp luật.
Lực lượng BĐBP và Cảnh sát biển (CSB) có nhiều cố gắng, chủ trì và phối hợp kiểm tra, phát hiện, bắt giữ hơn 1.500 vụ phạm tội về ma túy, mua bán người, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…
Đại tá Trần Văn Lượng - Tư lệnh Vùng CSB 4 cho biết, trong đợt cao điểm vừa qua, Bộ Tư lệnh Vùng CSB 4 đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính 53 vụ/53 tàu, với tổng số tiền gần 1 tỷ đồng. Đã kiểm tra, tiếp nhận, xác minh, xử lý 13 vụ/13 tàu có hành vi mua bán, vận chuyển trái phép hàng hóa trên biển; ra quyết định xử phạt 12 vụ/12 tàu, với số tiền gần 800 triệu đồng, tịch thu hơn 766 ngàn lít dầu DO, hơn 31 tấn phế liệu; tổng số tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính và bán hàng hóa tịch thu hơn 14 tỷ đồng v.v...
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban Chỉ đạo 1389 Bộ Quốc phòng yêu cầu các đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính trị, pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ để nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho nhân dân ở khu vực biên giới, ngư dân hoạt động trên biển.
Đặc biệt, Bộ Tư lệnh BĐBP và CSB cần chú trọng nắm, dự báo sát đúng tình hình; tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới, vùng biển, đảo; triển khai đồng bộ các biện pháp đấu tranh, trấn áp tội phạm; tăng cường lực lượng, phương tiện và phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng, chính quyền địa phương để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật. Tiến hành rà soát, quản lý tốt tình hình chính trị nội bộ, kiên quyết xử lý cán bộ, chiến sĩ có hành vi, biểu hiện tiêu cực, bao che, tiếp tay, bảo kê hoặc tham gia hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả… Đồng thời cần làm tốt công tác thi đua, khen thưởng, đề nghị Bộ Quốc phòng khen thưởng kịp thời, hợp lý để động viên, khích lệ cán bộ, chiến sĩ tiếp tục cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ.