Lập sàn giao dịch, người dân được mua bán vàng vật chất hay cả vàng tín chỉ và vàng tài khoản?
Chuyên gia cho rằng, có rất nhiều lợi ích khi lập sàn giao dịch vàng và sẽ tốt hơn khi sàn vàng nằm trong trung tâm tài chính quốc tế mới.
Giảm áp lực cung ứng vàng vật chất
Thủ tướng vừa yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu hình thành sàn giao dịch vàng để người dân tự do giao dịch, mua bán. Các chuyên gia cho rằng, việc thành lập sàn giao dịch vàng thời điểm này là phù hợp và hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích.
Chia sẻ với PV VietNamNet, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân - Đại học Kinh tế TPHCM, cho biết, trên thế giới có nhiều loại sàn giao dịch vàng khác nhau: sàn giao dịch vàng tài khoản hoặc vàng vật chất, có giao nhận vàng hoặc hybrid, tức là có thể chỉ kinh doanh chênh lệch giá hoặc muốn nhận vàng thực tế.
Theo ông Huân, mô hình sàn giao dịch vàng của Việt Nam nên là hybrid (mô hình lai), tức là vừa giao nhận vàng thực tế, vừa phục vụ cho nhu cầu kinh doanh chênh lệch giá. Việc lập sàn giao dịch vàng phải do Ngân hàng Nhà nước quản lý, kiểm soát thị trường, tránh tình trạng sàn vàng chui gây ra nhiều hệ lụy, gây khó cho việc quản lý chính sách tiền tệ và tỷ giá.
Vị chuyên gia đánh giá, sàn giao dịch vàng sẽ góp phần giảm chênh lệch giữa giá mua và bán. Mức chênh này rất lớn, khoảng 2-3 triệu đồng/lượng. Khi người mua, người bán giao dịch trực tiếp trên sàn giao dịch vàng, chênh lệch giá mua - bán sẽ thấp hơn.
Hơn nữa, nếu phát triển vàng tín chỉ và vàng tài khoản, nhu cầu sở hữu vàng vật chất trong dân sẽ giảm đáng kể.
Với mô hình hybrid giữa vàng vật chất, vàng tín chỉ và vàng tài khoản, nhu cầu nhận vàng thực tế sẽ không cao. Người dân sẽ chọn gửi vàng. Điều này giúp giảm áp lực cung ứng lượng vàng vật chất ra nền kinh tế.

Theo chuyên gia, khi có sàn giao dịch vàng, chi phí giao dịch của người dân trong việc đầu tư vàng sẽ giảm. Ảnh: Nguyễn Huế
Cùng với đó, khi có sàn giao dịch vàng, giá cả biến động sẽ minh bạch hơn, giảm tình trạng đầu cơ, trục lợi hoặc đẩy giá vàng lên. Từ đó, góp phần đẩy giá vàng trong nước về sát giá thế giới. Đồng thời, giải quyết được vấn đề nguồn cung vàng hiện nay.
Sàn giao dịch vàng tín chỉ cũng tương tự như giao dịch cổ phiếu. Mỗi tài khoản của người dân thể hiện họ sở hữu bao nhiêu vàng, giúp người dân không phải cất trữ vàng trong nhà. Người dân vẫn được phép rút vàng khi có nhu cầu.
Tuy nhiên, ông Huân cho rằng giao dịch vàng sẽ tốt hơn khi nằm trong trung tâm tài chính quốc tế mới.
“Trong trung tâm tài chính quốc tế sẽ có sàn giao dịch hàng hóa, vàng cũng là hàng hóa đặc biệt. Do đó, việc kết hợp, đặt sàn giao dịch vàng trong trung tâm tài chính quốc tế sẽ hợp lý hơn, độ mở và tính hấp dẫn sẽ tốt hơn. Ngân hàng Nhà nước có thể đóng vai trò vận hành ban đầu trước khi chuyển giao cho trung tâm”, ông Huân đề xuất.
Ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế - xã hội, cũng nhìn nhận, việc nghiên cứu lập sàn giao dịch vàng để đáp ứng nhu cầu của người dân là rất phù hợp và có thể là chiến lược để Việt Nam dịch chuyển một phần dự trữ ngoại hối sang một phần dự trữ vàng, bên cạnh dự trữ ngoại tệ.
Khi có sàn giao dịch vàng, chi phí giao dịch của người dân trong việc đầu tư vàng sẽ giảm. Thay vì phải trực tiếp mang theo vàng để mua bán, người dân chỉ cần giao dịch trên sàn, ghi trên sổ sách. Thị trường sẽ minh bạch hơn. Sàn giao dịch vàng cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội đầu tư, cho phép dễ dàng chuyển từ tài sản này sang tài sản khác.
"Thay vì vàng vật chất người dân cất giữ ở nhà, khi có sàn giao dịch, vàng sẽ được ghi nhận trong tài khoản và tài khoản đó có thể khai thác kinh doanh với nhiều hình thức khác nhau. Chẳng hạn, có thể thế chấp vàng trong tài khoản để vay vốn đầu tư”, ông Minh nói.
Lập sàn giao dịch vàng thế nào?
Theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, để có thể thành lập sàn giao dịch vàng buộc phải sửa đổi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Cùng với đó, phải có hành lang cơ sở pháp lý cho phép lập sàn giao dịch vàng. Cần định nghĩa rõ vàng tín chỉ là gì và cách thức giao dịch ra sao.
“Để xây dựng sàn giao dịch vàng cần có hệ thống giao dịch online, liên kết với các thành viên nên cần nghiên cứu xây dựng mô hình sàn sẽ theo cơ chế gì? Công nghệ cho sàn là công nghệ gì? Tôi đề xuất phải là công nghệ mới nhất như blockchain để đảm bảo tính an toàn, bảo mật, công khai, minh bạch cho thị trường và nhanh hơn”, ông Huân cho hay.
Trong khi đó, ông Đinh Tuấn Minh lại cho rằng, muốn lập sàn giao dịch vàng, nhà nước sẽ phải tính toán có kho dự trữ vàng. Đồng thời, cần chuẩn hóa vàng vật chất với vàng quốc tế. Cần có quy định liên thông giữa vàng trên sàn giao dịch với vàng vật chất.
Cùng với đó, cần có cơ sở pháp lý để thị trường vàng Việt Nam liên thông với thị trường vàng quốc tế.
“Cần có các quy định liên quan đến việc giao dịch vàng trên sàn, vàng tài khoản với vàng vật chất. Khi người dân có nhu cầu chuyển vàng tài khoản sang vàng vật chất, hay muốn chuyển vàng vật chất sang vàng tài khoản sẽ như thế nào? Các mức thuế giá trị gia tăng của việc rút vàng tài khoản ra vàng vật chất, hay khi chuyển vàng vật chất vào vàng tài khoản cụ thể là bao nhiêu?”, ông Minh lưu ý.
Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia này, trường hợp nhà nước vay vàng thì có thể trả một mức lãi suất cho người dân. Giải pháp này sẽ giúp huy động nguồn vàng vật chất khổng lồ trong dân để vận hành sàn giao dịch vàng mà không cần nhập khẩu.