Lập thanh tra cấp Tổng cục, Cục khi đang sắp xếp lại bộ máy là lãng phí

Nhiều đại biểu cho rằng, Chính phủ đang thực hiện sắp xếp lại bộ máy tổng cục, cục mà thành lập thanh tra cấp này sẽ dẫn đến lãng phí và triển khai khó khả thi.

Chiều 26/5, tại phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), nhiều đại biểu thảo luận về việc tổ chức thanh tra cấp huyện, cục, tổng cục.

Vai trò thanh tra huyện rất quan trọng

Tán thành với đề xuất của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng ý trong luật nên quy định tiêu chí, nguyên tắc và một số định hướng lớn, để trên cơ sở đó Chính phủ, bộ, ngành quyết định việc thành lập thanh tra các cấp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Minh Đạt

“Chúng ta kết hợp linh hoạt nhưng đảm bảo tính thống nhất của hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước”, Chủ tịch Quốc hội ví dụ Thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ, Thanh tra sở nào phải là đơn vị “cứng”.

Về thanh tra cấp huyện, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay, ban đầu đề án nghiên cứu muốn thiết kế mô hình cơ quan thanh tra theo hướng tập trung cho Trung ương, tỉnh, bỏ thanh tra cấp huyện. Vấn đề này cũng được nêu trong Chiến lược phát triển ngành Thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tuy nhiên, đó mới là những định hướng, chưa phải văn bản pháp luật.

“Qua phân tích, đánh giá, nhiều ý kiến trong các cơ quan của Quốc hội, đặc biệt là Thường vụ Quốc hội thì không những giữ thanh tra 3 cấp: Trung ương, tỉnh và huyện, mà còn phải tập trung tăng cường năng lực cho cấp huyện vì đây là cấp gần dân nhất, nhiều việc nhất, vì cấp phường, xã không có thanh tra”, ông Vương Đình Huệ nói.

Đại biểu Nguyễn Việt Thắng (Kiên Giang) cũng bày tỏ tán thành với việc tổ chức Thanh tra cấp huyện. Dù báo cáo tổng kết thi hành Luật Thanh tra có nêu số vụ việc thanh tra huyện thực hiện “rất ít”, biên chế “hạn chế” và còn “nhiều khó khăn”, nhưng vai trò thanh tra huyện rất quan trọng. Ngoài chức năng thanh tra, thanh tra huyện còn thực hiện các nhiệm vụ khác rất quan trọng, đặc biệt là tham mưu tích cực, hiệu quả công tác tiếp công dân; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Do đó, đại biểu Thắng cho rằng, chẳng những không giải thể mà cần phải duy trì và nâng cao năng lực cho lực lượng này để thực hiện nhiệm vụ tốt ở địa phương.

Nên hạn chế tối đa cơ quan thanh tra cục, tổng cục

Mặc dù đồng tình mô hình thanh tra 3 cấp, thanh tra cấp bộ, sở quy định như hiện nay là hợp lý nhưng đại biểu Tạ Đình Thi (Hà Nội) cũng đề nghị xem xét thành lập thanh tra cấp cục cho phù hợp với điều kiện thực tế. Bởi Chính phủ nhiệm kỳ này đang xem xét, tổ chức lại mô hình tổng cục và có thể thành lập một số cục, chức năng quản lý nhà nước cũng phân tán. Do vậy, việc lập thanh tra cục phải có quy định cụ thể, không sau này luật thông qua rồi quy trình tổ chức thực hiện lại khó khăn.

"Cần nghiên cứu để đảm bảo tính khả thi, chặt chẽ và phân định rõ giữa thanh tra bộ với thanh tra tổng cục, cục, tránh chồng chéo, lãng phí nguồn lực”, đại biểu Tạ Đình Thi lưu ý.

Đại biểu Trương Xuân Cừ (Hà Nội) cho rằng, không nhất thiết cái gì trung ương có địa phương cũng phải có. Dẫn chứng, nhiều tỉnh, thành không có Ban Kinh tế nhưng lâu nay kinh tế vẫn phát triển; trong 63 tỉnh, thành không nơi nào giống nơi nào, các huyện, thị cũng thế. Vì vậy ông bày tỏ băn khoăn: “Tại sao cứ nhất thiết phải đồng loạt có thanh tra huyện. Với huyện miền núi dân số rất ít, thu ngân sách rất thấp thì thanh tra cái gì”.

Đại biểu Trương Xuân Cừ. Ảnh: Quốc hội

Theo đại biểu Cừ, với thanh tra cấp huyện, nên tùy theo tình hình thực tiễn từng địa phương để quy định, nhưng với tỉnh thành lớn như Hà Nội đương nhiên phải có.

Với thanh tra cấp tổng cục, ông Cừ cũng đề nghị phải xem xét lại, bởi Chính phủ đang xem xét sắp xếp lại mô hình tổng cục thì việc thành lập thanh tra ở cấp này có cần thiết. Còn thanh tra cấp cục, đại biểu TP Hà Nội cũng cho rằng không nên quy định, vì hoạt động sẽ không hiệu quả.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy cũng cho rằng, với Thanh tra huyện, ngay trong Ủy ban Pháp luật vẫn còn đang có 2 luồng ý kiến khác nhau. Bà Thủy cho biết, trước đây cũng đã từng có đề xuất không tổ chức thanh tra huyện, nhưng rồi sau đó vẫn giữ lại. Tuy nhiên, mỗi cơ quan thanh tra huyện chỉ 5 – 6 biên chế, làm sao họ làm được cả thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Với thanh tra cấp tổng cục, cục, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật lưu ý, các cơ quan này đang thực hiện kiểm tra mang tính hành chính nhiều hơn chứ không phải thanh tra. Để tránh trùng lặp, tinh gọn bộ máy, bà Thủy đề nghị nên giới hạn lại đối tượng của hoạt động thanh tra, còn hiện tại đối tượng quá rộng, đến tận doanh nghiệp, người dân, quy định như vậy là quá rộng. Vì vậy, bà đề nghị nên hạn chế tối đa cơ quan thanh tra cục, tổng cục và nên giao cho thanh tra Bộ thực hiện.

Thu Hằng - Trần Thường

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/lap-thanh-tra-cap-tong-cuc-cuc-khi-dang-sap-xep-lai-bo-may-la-lang-phi-2023709.html