Lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên quyết lên án khủng bố
Tham tán Công sứ Lê Thị Minh Thoa khẳng định Việt Nam ủng hộ các biện pháp chống khủng bố phù hợp với các nguyên tắc của Hiến chương LHQ, các nghĩa vụ theo luật nhân quyền và nhân đạo quốc tế.
Ngày 2/10, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Hoa Kỳ), Ủy ban pháp lý (Ủy ban 6) của Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 78 đã khai mạc và tiến hành thảo luận các biện pháp để loại trừ khủng bố quốc tế với sự tham dự, phát biểu của hơn các nước thành viên Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế, khu vực.
Trong cuộc họp, đại diện đa số các nước đều cho rằng khủng bố vẫn là mối đe dọa hiện hữu đối với hòa bình, an ninh quốc tế, cũng như sự phát triển ổn định, bền vững ở nhiều quốc gia.
Ở một số khu vực, các nhóm khủng bố không ngừng tìm kiếm các phương thức hoạt động mới, đẩy mạnh việc lợi dụng các công nghệ thông tin, câu kết với tội phạm xuyên quốc gia để tiến hành các hoạt động khủng bố.
Các nước nhấn mạnh cần tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng chống khủng bố và đề cao các nỗ lực của Liên hợp quốc trong vấn đề này. Các biện pháp chống khủng bố cần đảm bảo nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia, không áp dụng tiêu kép và các biện pháp trừng phạt đơn phương trong vấn đề khủng bố.
Tham dự và phát biểu tại phiên thảo luận, Tham tán Công sứ Lê Thị Minh Thoa, Phó Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên quyết lên án khủng bố dưới bất kỳ hình thức và với động cơ nào.
Việt Nam ủng hộ các biện pháp chống khủng bố phù hợp với các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, các nghĩa vụ theo luật nhân quyền và nhân đạo quốc tế.
Với ý nghĩa đó, Việt Nam phản đối việc áp dụng tiêu chuẩn kép trong đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố.
Về các giải pháp nhằm đối phó hiệu quả với chủ nghĩa khủng bố, đại diện Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của khủng bố, cải thiện tình trạng bất bình đẳng về kinh tế, xã hội và chính trị, nâng cao sự tự cường của cộng đồng, đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc tế ở cả cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu, với sự tham gia của các bên liên quan.
Đề cập đến vụ tấn công khủng bố xảy ra tại xã Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk tháng 6/2023, đại diện Việt Nam cảm ơn các đối tác đã lên án vụ tấn công và nhân dịp này, đề nghị các quốc gia, tổ chức quốc tế có liên quan tiếp tục hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong điều tra, xét xử số đối tượng còn đang lẩn trốn.
Ủy ban Pháp lý (Ủy ban 6) là một trong 6 ủy ban chính của Đại Hội đồng Liên hợp quốc, gồm đại diện của tất cả 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, có chức năng xem xét các vấn đề pháp lý, luật pháp quốc tế.
Tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 78, Ủy ban 6 dự kiến thảo luận 27 đề mục, trong đó có đề mục "các biện pháp loại trừ khủng bố quốc tế"./.