Lát cắt về Anh hùng phá bom Nông Văn Nghi

Tháng 6 năm 1995, nghe tin về người Anh hùng phá bom oai hùng một thủa thời chống Mỹ hiện đang sống an nhiên ở miền biên ải xứ Lạng, tôi mau mắn chuẩn bị đồ nghề làm báo rồi ngược lên mạn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc.

Anh hùng Nông Văn Nghi

Anh hùng Nông Văn Nghi

Ông Nông Văn Nghi, sinh năm 1938, dân tộc Tày, quê gốc ở thôn Mạn Đê, xã Nam Trung, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Giữa năm 1945, do đói khổ ông cùng anh trai lưu lạc lên Lạng Sơn và được một gia đình họ Nông ở xóm Bản Kéo, xã Đào Viên, huyện Tràng Định nhận làm con nuôi. Sau này vị anh hùng nổi tiếng phá bom này có hơn ba thập kỷ cống hiến trong Quân đội nhân dân Việt Nam và được phục viên trở lại ngôi nhà thân yêu của mình ở khu Ga quốc tế đường sắt Đồng Đăng, thị trấn Đồng Đăng.

Ông Nông Văn Nghi đã đi qua ba cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc năm 1979. Buổi gặp mặt đầu tiên với ông cách đây chừng 30 năm, khi đó ông gần 60 tuổi, gương mặt rắn rỏi, cương nghị, tóc bạc trắng hết đầu. Với giọng nói trầm, chắc, ông Nghi kể lại: Năm 1953, tôi mới 16 tuổi, thân hình gầy còm được anh trai khi đó là chiến sĩ đơn vị Cảnh vệ 217 Lạng Sơn thương nên xin Ban Chỉ huy cho tôi được vào đơn vị. Vào đơn vị, tôi làm cấp dưỡng rồi chiến sĩ cảnh vệ đóng quân tại tỉnh Lạng Sơn. Đến năm 1960, tôi giữ chức Trung đội trưởng - Đại đội 217 - Tỉnh đội Lạng Sơn và được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam.

Tháng 7 năm 1965, giặc Mỹ ném bom bắn phá miền Bắc. Làng quê chìm trong khói lửa bom đạn, trong đó có nhiều quả bom không nổ, rất nguy hiểm. Nông Văn Nghi trao đổi với anh trai và tình nguyện xin đi Quân khu Việt Bắc học lớp công binh cấp tốc. Chỉ trong ba ngày, ông dồn hết tâm lực để học tập và nghiên cứu lý thuyết cũng như thực hành. Nhiều đêm, ông thức trắng để học cách tháo gỡ một số loại bom. Sau này về quê hương, ông tổ chức được 5 lớp bồi dưỡng về cách thức tháo gỡ bom, mìn cho hơn ba trăm lượt dân quân tự vệ…

“Bom mìn của giặc Mỹ trút xuống tàn phá, giết hại đồng bào ta, phá hủy đường giao thông đi lại, vậy nên nhiệm vụ phá gỡ bom mìn có ý nghĩa cấp bách để đảm bảo tuyến đường chi viện ra tiền tuyến. Tôi báo cáo với cấp trên về công việc và nhận được lệnh xuống ga Sông Hóa thuộc huyện Chi Lăng. Khu vực này có cầu sắt rất quan trọng, là cầu nối tiếp nhận, vận chuyển hàng hóa, vũ khí của các nước trong khối xã hội chủ nghĩa từ Trung Quốc qua để chi viện miền Nam đánh giặc. Đầu những năm 1964, ga Sông Hóa trở thành mục tiêu bị ném bom, bắn phá ngày đêm” - ông Nông Văn Nghi nhớ lại.

Nông Văn Nghi nắn nắn vào cánh tay, ở đó có một viên bom bi còn nằm trong da thịt. Ông tâm sự: Ngày đầu tiên xuống hiện trường gặp vô vàn khó khăn. Quả bom đầu tiên mà tôi tiếp cận nặng gần 1 tấn, trong khi loại bom mà tôi học tại lớp huấn luyện chỉ khoảng 3 tạ. Lúc đó, tôi rất lo lắng, dụng cụ mang theo lại không phù hợp, tôi suy nghĩ và tìm kiếm vật dụng xung quanh...

Ông đã có sáng kiến dùng giẻ cuốn lấy lò xo kim hỏa đầu bom, đồng thời sử dụng những vật có sẵn tại địa phương như đinh bù loong (ghim thanh ray đường tàu) và tre già làm dụng cụ tháo “thần chết”. Còn những quả bom bi, ông dùng gỗ cứng làm bảo hiểm rất an toàn, hiệu quả….Ngày 20 tháng 9 năm 1965, giặc Mỹ tiếp tục bắn phá ác liệt cầu Sông Hóa, chẳng kịp ăn cơm, Nông Văn Nghi từ đơn vị lao xuống hiện trường. Tại đây có 13 quả bom đủ loại chưa nổ nằm rải rác trên mặt đường và dưới lòng đất xung quanh cây cầu sắt gây ách tắc tuyến chi viện bằng tàu hỏa của nước bạn, đe dọa tính mạng nhân dân cùng hơn 300 công nông binh Trung Quốc đang sửa lại những chỗ cầu cống hư hỏng…Nhìn những trái bom to lù nằm chình ình trên mặt đất, ông suy nghĩ, phân vân vì có những loại bom chưa được học, chưa thấy mẫu bao giờ, nếu đặt thuốc nổ để phá bom thì sẽ làm hư hỏng mất cầu…Sau một hồi suy nghĩ, ông quyết định tháo bom. Lúc đầu, ông dùng sức nắm chặt lấy đầu bom vặn mạnh theo chiều ngược kim đồng hồ mà quả bom vẫn không hề nhúc nhích. Mọi người nín thở theo dõi. Bỗng nhiên, chợt nhớ ra điều gì, ông tìm hai cái đinh bù loong, một cái làm búa, một cái đặt vào ngạch đầu quả bom rồi nín lặng đập nhè nhẹ, xoay dần. Sau một hồi, ông đứng dậy, tay cầm đầu nổ quả bom reo lên “thành công rồi”. Mọi người ùa đến, vây quanh ông reo hò sung sướng…

Kỷ vật thiêng liêng

Phá và gỡ được nhiều bom mìn tại tỉnh Lạng Sơn, Nông Văn Nghi còn thường xuyên được cử đi thực hiện nhiệm vụ tại các tỉnh lân cận. Đây cũng là dịp để ông học hỏi kinh nghiệm nhiều hơn từ đồng đội và nhất là các chuyên gia của Bộ Quốc phòng. Theo thống kê, ghi chép của ông Nghi, trong cuộc đời mình, ông đã tháo thành công 44 quả bom loại đặc biệt 1.306kg/quả; 900 quả bom bi hình dưa, hình cầu; phá hủy hơn 50 quả bom các loại khác. Bên cạnh đó, ông Nghi cùng tổ công tác đã tiến hành mở 12 lớp hướng dẫn cho gần 6.200 người là thanh niên xung phong, dân quân tự vệ, cán bộ, đơn vị bộ đội về cách tháo, phá bom điện, bom nổ chậm…

“Đã là người lính trong Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ có thắng chứ không thua, không được chùn bước trước mọi kẻ thù. Nếu mình có hy sinh thì cũng xứng đáng, coi như mình đã trả một phần công lao nuôi dưỡng của Đảng, Nhân dân và quân đội....”

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nông Văn Nghi

Liên tiếp lập nhiều chiến công xuất sắc, ông được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn lập hồ sơ đề nghị cấp trên xét tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1966, nhưng thật không may, người cán bộ ở Bộ Quốc phòng lên Quân khu Việt Bắc lấy hồ sơ của ông về Hà Nội lại bị trúng bom Mỹ tại ga đường sắt Yên Viên và hồ sơ bị mất tích, sau phải làm lại. Tháng 8 năm 1970, Nông Văn Nghi chính thức được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Ông Nông Văn Nghi lặng lẽ vào nhà trong, lấy ra một kỷ vật quý mà ông để trong chiếc thùng gỗ dã chiến và đưa cho chúng tôi xem chiếc đồng hồ màu vàng óng, bảo rằng “Đây là chiếc đồng hồ của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng vào ngày 2/6/1966, khi đó, tôi là đại biểu dự Đại hội thi đua toàn Quân khu Việt Bắc. Mỗi lần nhìn thấy nó như là nhìn thấy Bác khiến bản thân lúc nào cũng nhắc nhở mình tiến về phía trước, lập nhiều chiến công to lớn hơn nữa”. Ông cũng kể cho chúng tôi nghe hai lần được gặp Bác vào năm 1962. Lần đầu, ông cùng Đoàn thanh niên tích cực miền Bắc về Thủ đô báo công với Bác. Lần thứ hai, khi Người về thăm quân và dân tỉnh Lạng Sơn.

Sau này, khi chiến tranh chống Mỹ kết thúc, ông Nghi vẫn tiếp tục tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc mãi cho đến khi về hưu vào năm 1986 với hàm Trung tá, Chủ nhiệm công binh Sư đoàn 347.

Giữ vững truyền thống

Trở về bên mái ấm gia đình, ông vẫn thường xuyên đến các lớp học ở địa phương để nói chuyện và tâm sự với thế hệ trẻ. Chính những câu chuyện của ông đã có tính lan tỏa, thôi thúc thế hệ trẻ sau này lớn lên đóng góp sức mình cho công cuộc tái thiết xây dựng đất nước. Với bản chất của người lính cụ Hồ, ông Nông Văn Nghi tích cực tham gia vào các công tác của địa phương với cương vị Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Đồng Đăng, tham gia Ban quản lý đền Mẫu Đồng Đăng, làm công tác thiện nguyện, an sinh xã hội…

Anh hùng phá bom Nông Văn Nghi có cuộc sống an nhiên bên người vợ tần tảo và 2 người con đều đã trưởng thành, con gái hiện là cán bộ của UBND thị trấn Đồng Đăng. Cuối tháng 10 năm 2016, do tuổi cao, sức yếu, ông Nghi đã tạ thế và yên nghỉ tại Nghĩa trang nhân dân thị trấn Đồng Đăng. Ông mất đi, nhưng hình ảnh của người chiến sỹ cộng sản kiên trung, gan dạ, anh hùng vẫn còn khắc ghi trong trang sử vàng truyền thống và tâm khảm người dân.

Ông Sái Vĩnh Chung, Chủ tịch UBND thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc nhận xét: “Ông Nghi là tấm gương sáng để chúng tôi và thế hệ trẻ ngày nay học tập. Khi về cư trú tại địa phương, gia đình ông luôn gương mẫu chấp hành các chính sách của Đảng và Nhà nước, bản thân ông khi tham gia cấp ủy, chính quyền tại địa phương, luôn là một cán bộ, đảng viên gương mẫu, nhiệt huyết và vẫn giữ được tác phong của người lính Cụ Hồ”.

Nguyễn Duy Chiến, Phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/lat-cat-ve-nguoi-anh-hung-pha-bom-5044722.html