'Lật chiêu' giả mạo xuất xứ hàng Việt để né thuế
Theo ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), khi căng thẳng thương mại với Hoa Kỳ tăng, các nhà xuất khẩu Trung Quốc sẽ cố gắng chuyển các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc bị áp thuế khi xuất trực tiếp tới Mỹ sang 'khoác áo' các nước thành viên ASEAN. Khi đó, hàng Việt Nam sẽ bị 'vạ lây', bị áp thuế cao nếu xác minh có gốc xuất xứ từ Trung Quốc.
Trước đó ngày 10/5, Mỹ đã tăng mức thuế từ 10 đến 25% đối với khoảng 200 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc, Tổng thống Donald Trump cũng ra lệnh lập kế hoạch tăng thuế đối với tất cả hàng nhập khẩu còn lại của Mỹ từ Trung Quốc, trị giá hơn 300 tỷ USD.
Không ít các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp lo ngại: Việc kiểm soát thiếu hiệu quả khiến hàng hóa từ Trung Quốc không chỉ tràn vào Việt Nam để tiêu thụ với giá rẻ mà còn tìm cách "núp bóng" xuất xứ Việt để xuất khẩu sang Mỹ và các thị trường khác. Một số mặt hàng như thép, gỗ… của Việt Nam từng bị “vạ lây” từ hàng Trung Quốc tràn vào "núp bóng" xuất xứ hàng Việt để né thuế.
Theo Ban chỉ đạo (BCĐ) 389 Quốc gia, gần đây, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ nhiều loại hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ từ nước ngoài nhưng gắn nhãn mác của Việt Nam, lấy xuất xứ của Việt Nam.
“Các đối tượng đặt hàng hóa giả mạo các thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm của Việt Nam ở nước ngoài, dán sẵn tem nhãn tại nước ngoài, sau đó thông qua các hình thức để thẩm lậu vào nội địa để phân phối. Tinh vi hơn, những đối tượng này còn để nguyên nhãn mác nước ngoài, sau đó về Việt Nam tẩy xóa và dán tem nhãn của Việt Nam để bán ra thị trường, lừa dối người tiêu dùng”, đại diện BCĐ 389 Quốc gia nói.
Lực lượng chức năng BCĐ 389 Quốc gia cũng chỉ ra các “chiêu trò” gian lận xuất xứ, ví dụ các đối tượng đặt các linh kiện, phụ tùng đầy đủ của một sản phẩm tại nước ngoài, sau đó nhập về Việt Nam khai báo chỉ là các loại linh kiện, phụ tùng. Khi các linh kiện này về đến Việt Nam thì chỉ tiến hành lắp ráp đơn giản, không đảm bảo tiêu chí xuất xứ đã được quy định tại Nghị định 31/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018, nhưng vẫn dán tem nhãn xuất xứ Việt Nam hoặc “made in Việt Nam” để tiêu thụ trong nước hoặc xuất sang nước thứ 3.
Các mặt hàng chủ yếu bị các đối tượng giả mạo xuất xứ Việt Nam là các mặt hàng tiêu dùng, thời trang như: Điện tử, điện lạnh, đồ gia dụng, may mặc. Hầu hết các mặt hàng của các thương hiệu, nhãn hiệu Việt có uy tín hoặc các mặt hàng mà Việt Nam được nước thứ 3 ưu đãi thuế hoặc không đánh thuế tự vệ đã bị kẻ xấu lợi dụng. Những hành vi này đã gây thiệt hại lớn đến thương hiệu Việt Nam, doanh nghiệp Việt, quyền lợi người tiêu dùng; đồng thời dẫn đến nguy cơ một số ngành hàng Việt bị một số nước áp dụng biện pháp tự vệ, ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu và nền kinh tế.
Theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia thương mại, hàng Việt ngày càng được nâng cao về chất lượng, người tiêu dùng ngày càng lựa chọn nhiều hơn so với một số mặt hàng của các nước khác. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động ngày càng có hiệu quả; Việt Nam tham gia nhiều các hiệp định thương mại FTA đồng nghĩa với việc nhiều mặt hàng được các nước ưu đãi thế. Chi phí sản xuất một số mặt hàng, đặc biệt là Trung Quốc giá rẻ nên khi gắn mác Việt Nam để bán thì lợi nhuận rất cao.
Mới đây, UBND Thành phố (TP) Hồ Chí Minh cũng đã chỉ đạo các sở, ngành là thành viên BCĐ 389/thành phố tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về giả mạo nhãn mác “Made in Vietnam” trên địa bàn. Theo đó, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng cần tăng cường tuần tra, kịp thời xử lý các hành vi buôn lậu, chứa trữ và vận chuyển hàng hóa tiêu dùng, thời trang... giả mạo xuất xứ, nhãn mác ở khu vực cảng biển, cửa sông, bến bãi, tàu thuyền.
UBND thành phố giao Cục hải quan TP.Hồ Chí Minh tăng cường kiểm soát tại cửa khẩu và các khu vực; tổ chức đấu tranh phát hiện, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ, hàng giả... trong quá trình nhập khẩu hàng hóa.
Công an TP.Hồ Chí Minh có nhiệm vụ tăng cường trinh sát, làm rõ phương thức, thủ đoạn, chủ động lập chuyên án để triệt phá các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm vận chuyển, buôn bán hàng hóa tiêu dùng, thời trang... giả mạo xuất xứ, nhãn mác; kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm như: nhập lậu, phân phối, lưu thông trong thị trường nội địa các mặt hàng sản xuất ở nước ngoài nhưng gắn nhãn mác “Made in Vietnam”.
Cục Quản lý thị trường được yêu cầu tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm như: nhập lậu, phân phối, lưu thông trong thị trường nội địa các mặt hàng sản xuất ở nước ngoài nhưng lại gắn nhãn mác “Made in Vietnam” để đánh lừa người tiêu dùng trong nước; kịp thời ngăn chặn hàng hóa tiêu dùng, thời trang giả mạo xuất xứ, nhãn mác.
Tăng nặng hình thức phạt và răn đe
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội mới đây tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Phạm Bình Minh đã đưa ra giải pháp thời gian tới: Tăng cường kiểm soát chặt chẽ các khu vực cửa khẩu, biên giới, không để hàng hóa nước ngoài gắn mác Việt Nam thẩm lậu, tăng cường điều tra cơ bản, kiểm tra các kho, bến bãi, địa điểm kinh doanh và tăng cường xử lý nghiêm các hành vi nhập lậu, kinh doanh hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền nhân dân, doanh nghiệp không bao che, tiếp tay chủ động tố giác hành vi vi phạm đến thương hiệu Việt Nam.
Chính phủ đã giao Bộ Công thương xây dựng đề án chống gian lận xuất xứ để có đánh giá toàn diện và đề xuất Chính phủ các phương án; Xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 185 năm 2013 và Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 185, trong đó có việc xử lý các hành vi vi phạm xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu theo hướng tăng nặng hình thức phạt và răn đe để đảm bảo ngăn chặn hàng hóa lấy danh nghĩa hàng hóa Việt Nam xuất vào thị trường khác.