Lát đá vỉa hè ồ ạt, gây hệ lụy lâu dài

Thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong 6 năm (2016 – 2022), Hà Nội đã lát đá tự nhiên cho vỉa hè của hơn 250 tuyến phố. Sau khi báo chí phản ánh tình trạng vỉa hè lát đá hư hỏng, vỡ nát khi đưa vào sử dụng, Chủ tịch UBND thành phố đã yêu cầu rà soát, tạm dừng việc lát đá các tuyến phố còn lại. Tuy nhiên, với những tuyến phố đã lát đá vỉa hè, hậu quả còn kéo dài nhiều năm.

Tháng 3/2019, thành phố Hà Nội ban hành Quyết định 1303 về việc thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo quyết định này, sẽ có các tiêu chuẩn cụ thể liên quan đến việc lát đá vỉa hè để các đơn vị thực hiện. Nhưng theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, nhiều tuyến vỉa hè lát đá tự nhiên trên địa bàn thành phố thực hiện không đáp ứng các tiêu chuẩn.

Đơn cử như tuyến đường Trịnh Văn Bô (Nam Từ Liêm), vỉa hè lát đá nằm ngay cạnh nhiều công trường, công trình xây dựng lớn. Nhiều đoạn vỉa hè bị bong tróc, hư hỏng nặng. Có đoạn, các viên đá lát vỉa hè đã biến mất. Có đoạn dài cả vài trăm mét, vì tiếp giáp với nền đất yếu của ruộng rau muống, vườn tạp bên cạnh nên bị nghiêng, lún, nứt nghiêm trọng. Tuyến đường Chu Văn An (hay còn gọi là đường Nguyễn Xiển - Xa La), cũng ở tình trạng tương tự.

Một số chuyên gia cũng chỉ ra, để duy tu, bảo dưỡng các vỉa hè lát đá, chi phí sẽ gấp nhiều lần so với các vỉa hè được làm bằng các vật liệu khác như gạch block tự chèn, gạch giả đá…Với hàng trăm tuyến phố đã lát đá vỉa hè trên địa bàn toàn thành phố, nếu phải sửa chữa, duy trì hàng năm, số tiền phải bỏ ra là rất lớn.

Hệ quả lâu dài

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, đại diện Ban Quản lý dự án (QLDA) một quận trên địa bàn thành phố Hà Nội cho biết, một trong số các lý do khiến đá lát vỉa hè hư hỏng, xuống cấp nhanh chóng là do phương tiện đi lại, dừng đỗ trên vỉa hè. Trong đó, cũng có một phần lý do các đơn vị thi công cải tạo, sửa chữa vỉa hè không hoàn trả theo đúng quy định.

“Ngoài ra do không kịp thời duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, liên tục nên có khi một viên đá vỡ hay bị cập kênh, sẽ lan ra cả một khoảng lớn”, vị này nói. Đáng chú ý, theo vị này, nhiều tuyến đường chưa phù hợp để lát đá vỉa hè vẫn được lát đá, dẫn đến các hư hỏng nghiêm trọng. Ví dụ, tuyến đường Nguyễn Trãi, do là trục giao thông chính, đông phương tiện, nhiều khi ô tô, xe máy đi lên vỉa hè, ảnh hưởng đến tuổi thọ công trình. Một vấn đề nữa, công tác xử lý các hành vi xâm phạm, làm hư hỏng vỉa hè của các công trình, hàng quán ở vỉa hè cũng chưa thật nghiêm, dẫn đến khó quản lý. “Nhiều nhà hàng thậm chí cho xe tải trọng nặng dừng đỗ trên vỉa hè, bình ga, bom bia ném thẳng xuống vỉa hè”, vị này nói.

Vỉa hè lát đá xuống cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội

Vỉa hè lát đá xuống cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội

Mới đây, trả lời câu hỏi của phóng viên Tiền Phong liên quan việc thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố về việc rà soát, đánh giá chủ trương lát đá vỉa hè, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh cho biết, Sở đã rà soát các tài liệu, quy định liên quan lát đá vỉa hè, đồng thời tham khảo ý kiến các chuyên gia, nghiên cứu phương án giải quyết, xử lý để báo cáo lên UBND thành phố.

“Ngày 20/2, chúng tôi đã có văn bản gửi các quận, huyện, các khu vực, đơn vị có dự án lát đá vỉa hè để tổng hợp ý kiến, đánh giá tình trạng, nguyên nhân gây hư hỏng, hiệu quả của lát đá vỉa hè. Theo văn bản, ngày 16/3 các đơn vị phải gửi báo cáo về Sở”, ông Minh nói.

Theo ông Minh, dựa trên các ý kiến của các quận, huyện, đóng góp của các chuyên gia, Sở Xây dựng sẽ có văn bản tham mưu cho UBND thành phố về các giải pháp cụ thể, thiết thực. Đồng thời, Sở Xây dựng cũng chỉ đạo thanh tra, kiểm tra các dự án.

Trường Phong

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/lat-da-via-he-o-at-gay-he-luy-lau-dai-post1517899.tpo