Lật tẩy chiêu trò chống phá Quốc hội
Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của cử tri cả nước, xem xét và quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước. Thế nên, không ngạc nhiên khi các thế lực thù địch, phản động trong chiến lược diễn biến hóa bình đã dùng mọi âm mưu, thủ đoạn để chống phá Quốc hội nước ta.
Đủ chiêu trò chống phá
Quốc hội kể từ khi ra đời sau cuộc tổng tuyển cử ngày 6-1-1946 tới nay đã thực sự là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của cử tri cả nước. Trải qua 75 năm với 14 khóa Quốc hội tính tới nay, Quốc hội đã xem xét, bàn thảo và quyết định những vấn đề hệ trọng trong việc dựng xây và bảo vệ đất nước.
Thế nhưng, từ ngày đầu của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ cho tới nay, Quốc hội luôn là một mục tiêu mà các thế lực thù địch, phản động tập trung chống phá. Bởi chống phá Quốc hội chính là chống phá cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của cử tri cả nước, chống phá cơ quan lập pháp, đồng thời xem xét và quyết định các vấn đề hệ trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Không khó để nhận ra những âm mưu, thủ đoạn nhằm chống phá cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước và nhân dân ta. Cho dù dưới bất cứ chiêu bài hay núp dưới cái bóng gì, những thế lực thù địch, phản động, bất mãn, cơ hội chính trị trong và ngoài nước đều không thể giấu được những “khuôn mặt đen” xấu xa cùng đủ loại chiêu trò suy diễn, xuyên tạc tinh vi, thâm hiểm cho tới dựng đứng, bịa đặt, vu khống trắng trợn.
Dễ thấy và phổ biến nhất là chúng ra sức xuyên tạc vị trí, vai trò, chức năng của Quốc hội; xuyên tạc, vu khống Quốc hội hoạt động không hiệu quả, thậm chí họ xem các kỳ họp Quốc hội là không cần thiết vì “Đảng quyết định rồi, Quốc hội chỉ hợp thức hóa”, cố tình xóa bỏ những kết quả quan trọng trong hoạt động của cơ quan dân cử. Cùng với đó, chúng tìm mọi cách phủ nhận, xuyên tạc mối quan hệ giữa Đảng với Quốc hội, đòi hỏi Quốc hội phải là tổ chức độc lập. Chúng tìm cách đặt Đảng đối lập với Quốc hội, rêu rao rằng Đảng hoạt động ngoài Hiến pháp và pháp luật… rồi đòi xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp nước ta.
Chiêu trò cũng thường được các thế lực thù địch, chống phá giở ra là hạ thấp uy tín, xúc phạm, bôi nhọ danh dự, phủ nhận những đóng góp của các đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu Quốc hội giữ các vị trí chủ chốt trong bộ máy Nhà nước. Chúng xuyên tạc rằng, đại biểu Quốc hội chỉ là “nghị gật”, không dám nói lên tiếng nói của cử tri và nhân dân…
Chúng lợi dụng các phiên chất vấn, trả lời chất vấn trực tiếp tại Quốc hội được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm, theo dõi để tung ra những thông tin, luận điệu xuyên tạc hòng làm méo mó, biến dạng các vấn đề nóng bỏng, bức xúc đượt đặt ra và giải quyết tại nghị trường nhằm kích động dư luận, người dân theo các mưu đồ xấu xa. Chúng tìm mọi cách khoét sâu vào những khó khăn, bất cập, yếu kém để vu khống, “đổi trắng thay đen”, lập lờ đánh lận hiện tượng thành bản chất để công kích, nói xấu, chống phá Quốc hội, Đảng và Nhà nước.
Các thế lực thù địch, chống phá đã triệt để lợi dụng các trang mạng xã hội xuyên biên giới như: YouTube, Facebook, Blog… có hàng chục triệu người dùng ở nước ta để phát tán các bài viết, hình ảnh, video chứa đựng những thông tin sai lệch, trái chiều, bị xuyên tạc, thậm chí là bịa đặt để giở các chiêu trò chống phá. Không ít các phương tiện truyền thông phương Tây đã cổ xúy, “tiếp sóng” để những chiêu trò chống phá cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước ta được lan tỏa rộng rãi hơn.
Đóng góp to lớn của Quốc hội trong 75 năm qua
Thế nhưng, cũng như các chiêu trò, âm mưu thâm hiểm trong chiến lược diễn biến hòa bình, các chiêu trò chống phá Quốc hội nước ta. Bởi có dùng tới thủ đoạn tinh vi thế nào, âm mưu thẩm hiểm ra sao cũng không thể phủ nhận được vị trí, vai trò, đóng góp hết sức quan trọng của Quốc hội trong suốt 75 năm qua.
Kể từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 đến nay, trải qua 14 nhiệm kỳ hoạt động, Quốc hội không ngừng trưởng thành, đạt được những thành tựu quan trọng trong hoạt động lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần to lớn vào thành tựu chung của công cuộc đổi mới, nâng cao vai trò, vị thế của nước Việt Nam trên trường quốc tế.
Từ Quốc hội khóa I đến nay, Quốc hội đã ban hành 5 bản Hiến pháp (chưa kể các bản Hiến pháp sửa đổi, bổ sung): Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992 và Hiến pháp 2013, qua đó kế thừa và hoàn thiện Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong từng giai đoạn lịch sử.
Cùng với sự phát triển lớn mạnh của đất nước, trong 75 năm qua, nhiều đạo luật quan trọng đã được Quốc hội ban hành góp phần thể chế hóa quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện quản lý xã hội theo hiến pháp và pháp luật. Đặc biệt, bước vào công cuộc đổi mới, việc chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, nay là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi hệ thống luật pháp phải đổi mới nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế.
Nếu như với 7 khóa Quốc hội đầu tiên (từ năm 1946 đến đầu 1987), trong hơn 40 năm, Quốc hội ban hành được 29 đạo luật thì Quốc hội Khóa VIII (1987-1992), khóa đầu tiên bước vào công cuộc đổi mới, Quốc hội đã ban hành tới 31 đạo luật trong 5 năm; Khóa IX là 41 luật và bộ luật, Khóa X là 35 đạo luật; Khóa XI là 84 luật; khóa XII xây dựng được 67 luật; Khóa XIII là 89 luật. Khóa XIV hiện nay, từ 2016 đến cuối 2020, Quốc hội đã thông qua được khoảng 80 đạo luật.
Các đạo luật được xây dựng trong công cuộc đổi mới, về nội dung khác đến 90-95% so với thời kỳ thực thi nền kinh tế kế hoạch hóa chỉ huy. Nhìn chung, tốc độ xây dựng luật của Quốc hội trong công cuộc đổi mới tăng nhanh; chất lượng, nội dung được bảo đảm, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, góp phần đắc lực vào việc thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Trong quá trình phát triển, Quốc hội đã có nhiều quyết sách quan trọng, đúng đắn về tổ chức và nhân sự cấp cao của Nhà nước; xem xét, thông qua các nghị quyết về nhiệm vụ, các kế hoạch kinh tế-xã hội hàng năm và 5 năm; Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm; phê chuẩn các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập. Quốc hội tăng cường giám sát chuyên đề, tập trung vào các vấn đề bức xúc của cuộc sống mà cử tri quan tâm; nâng cao hiệu quả chất vấn và trả lời chất vấn, tạo không khí cởi mở, dân chủ trong hoạt động của Quốc hội.
Thực tiễn sống động đã minh chứng, Quốc hội nước ta thực sự là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân cả nước, thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, đóng góp to lớn và quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì thế, mọi chiêu trò chống phá Quốc hội đều đã, đang và sẽ thất bại thảm hại.
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/lat-tay-chieu-tro-chong-pha-quoc-hoi-post454892.antd