Daichi Fujii - nhà thiên văn học Nhật Bản và là người phụ trách Bảo tàng thành phố Hiratsuka, đã chụp được khoảnh khắc một vật thể vũ trụ mới đâm sầm vào Mặt trăng của Trái đất nhờ máy ảnh chuyên dụng. Máy ảnh này được lắp đặt để quan sát Mặt trăng.
Khoảnh khắc đặc biệt trên xảy ra vào lúc 20h14 ngày 23/2. Vật thể vũ trụ đâm vào Mặt trăng của Trái đất khi ấy là một thiên thạch khá lớn. Nó dường như va vào khu vực gần miệng hố va chạm Ideler L, chếch về phía Tây Bác của miệng hố va chạm Pitiscus.
Các thiên thạch di chuyển với vận tốc trung bình khoảng 48.280 km/giờ. Vụ va chạm sẽ tạo ra nhiệt độ cao và các miệng hố va chạm đồng thời tạo ra một tia sáng rực rỡ.
Tác động của thiên thạch lên Mặt trăng có thể quan sát được từ Trái đất nếu chúng đủ lớn và vụ va chạm xảy ra ở một khu vực đang chìm trong bóng tối của chu kỳ Mặt trăng.
Theo tính toán của nhà thiên văn Fujii, miệng hố va chạm mới được tạo ra có thể có đường kính khoảng hơn 10m và có thể được chụp bởi Tàu quỹ đạo Trinh sát Mặt trăng của NASA hay tàu thăm dò Mặt trăng Chandrayaan 2 của Ấn Độ.
Các thiên thạch vẫn thường xuyên tấn công Trái đất nhưng phần lớn trong số chúng sẽ bốc cháy hoàn toàn khi tiếp xúc với bầu khí quyển dày.
Thế nhưng, Mặt trăng có bầu khí quyển rất mỏng. Vậy nên, các thiên thạch có thể tác động lên Mặt Trăng trong các vụ va chạm và để lại các miệng hố trên bề mặt. Đôi khi, thiên thạch tấn công Mặt trăng rồi bị vỡ ra thành các hạt mịn hoặc đất.
Các nhà khoa học tin rằng, việc nghiên cứu tác động của các thiên thạch khi chúng đâm sầm vào Mặt trăng sẽ giúp ích rất nhiều trong các kế hoạch đổ bộ lên Mặt trăng trong tương lai.
Mời độc giả xem video: Elon Musk khoe tên lửa có thể đi đến mặt trăng, sao hỏa. Nguồn: VTV24.
Tâm Anh (theo Space)