Vỉa hè, tuyến phố ở Hải Dương ngổn ngang, nhiều cây xanh bị đốn hạ
Hàng trăm cây xanh trên tuyến phố Trần Phú, thị trấn Nam Sách, tỉnh Hải Dương bị chặt hạ loại bỏ để cải tạo chỉnh trang vỉa hè khiến hai bên tuyến phố như hoang mạc giữa mùa hè đổ lửa.

Theo người dân trước khi dự án thực hiện những cây xanh chủ yếu là bàng, sấu... đều đang phát triển tốt, có tán cao không hề ảnh hưởng đến giao thông.

Theo các cư dân, việc chính quyền chỉnh trang vỉa hè cải tạo cảnh quan đô thị luôn được người dân đồng hành. Tuy nhiên, việc dự án chặt hạ hàng trăm cây xanh mà người dân không được tham gia ý kiến, trong khi cây xanh hai bên tuyến phố chủ yếu do người dân trồng từ 30 - 40 năm vẫn đang sinh trưởng tốt, không sâu mọt đang có tác dụng che nắng, bụi tốt thì rất lãng phí.

Một người dân sinh sống trên phố Trần Phú cho biết, vài năm trước đây tuyến đường mở rộng cắt xén vỉa hè khiến cho cây xanh trước cửa do gia đình trồng sát với mép đường. Tuy nhiên, cây phát triển thân thẳng đang trong thời kỳ đâm tán rộng tỏa bóng mát và không ảnh hưởng đến giao thông. Thế nhưng gia đình có việc đi vắng vài hôm trở về đã thấy cây bị chặt hạ mà trước đó không được hỏi ý kiến khiến họ vô cùng bức xúc.

Đây là hình ảnh người dân cung cấp, một cây bàng trước khi bị cắt tỉa cành sinh trưởng tốt.

Và hiện trạng cây bàng may mắn còn sót lại chưa bị chặt hạ do đang đỡ đường dây điện đi qua.

Đây là hình ảnh ngã tư Trần Phú - Nguyễn Đức Sáu trước khi thực hiện công tác cải tạo vỉa hè hai bên tuyến phố Trần Phú.

Còn đây là hình ảnh hiện trạng của ngã tư này trong quá trình cải tạo chỉnh trang vỉa hè.

Ghi nhận của phóng viên, vỉa hè hai bên tuyến phố đang được thi công.

Có đoạn đã hoàn thành lát xong nhưng có đoạn mới đang bóc đi lớp gạch cũ. Theo người dân vỉa hè gạch cũ vẫn đang sử dụng tốt không có dấu hiệu bong tróc hay sụt lún.

Đơn vị thi công đang sử dụng phương tiện loại bỏ một cây xanh thân gốc có đường kính khá to.

Gốc cây lâu năm rễ bám sâu phải sử dụng phương tiện để phá gốc.

Thi công trên đường không đặt biển cảnh báo cho các phương tiện, gây nguy hiểm cho người đi đường.

Công nhân đang thi công lát vỉa hè.

Theo người dân, một vài điểm rãnh thoát nước đã hoàn thành không đạt yêu cầu, cụ thể đoạn từ số nhà 309 đến 315 Trần Phú nước mưa đọng lại không thể tiêu thoát. "Chúng tôi đã có kiến nghị với đơn vị thi công từ mấy hôm rồi nhưng không biết anh em có làm không".

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hào - Trưởng Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Nam Sách - thông tin, đường này là tuyến đường phố cũ của thị trấn có một số loại cây bàng, hoa sữa và một vài cây sấu... Năm 2018-2019 mở rộng mặt đường nên các cây này nằm sát lề đường. Vừa qua cơn bão số 3, cây đổ và xiêu vẹo, gây mất mỹ quan; ảnh hưởng đến người dân sinh sống và cũng như phương tiện đi lại.

"Chúng tôi đi khảo sát và xin ý kiến của UBND, đầu tư cải tạo nâng cấp vỉa hè và trồng lại hết hệ thống cây xanh"- vị này cho biết.

Theo đó, chặt hạ 130 cây xanh và trồng mới 159 cây long não. "Trồng lại hệ thống cây xanh ở điểm vỉa hè đảm bảo khoảng 1,5m. Chúng tôi sẽ thay thế bằng các hệ thống cây long não và có độ thoát thân khoảng 3m. Cũng giữ lại một số cây phượng hoàng lửa. Không phải chúng tôi không trồng lại"- ông Hào nói.

Đối với hệ thống cống, năm 2018-2019 đã đầu tư hệ thống cống dọc tuyến phố Trần Phú. Đợt này sẽ đầu tư lại bởi vì là các cửa thu bị xuống cấp. Để đảm bảo cho việc thu nước chúng tôi đã khảo sát và lên phương án xây dựng lại toàn bộ các rãnh cửa thu nước cũng như các vị trí hố ga; bổ sung một vài vị trí hố ga để đảm bảo khả năng tiêu thoát nước, tránh ngập úng trên tuyến phố.

Theo tìm hiểu của phóng viên, đây là công trình được HĐND huyện Nam Sách tán thành thông qua Nghị quyết bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2025. Công trình cải tạo nâng cấp vỉa hè, thoát nước cây xanh và các hạng mục liên quan khác đường Trần Phú, thị trấn Nam Sách (đoạn từ cầu Mạc Thị Bưởi đến nút giao quốc lộ 37 với đường Nguyễn Đăng Lành, thị trấn Nam Sách).

Hiện trạng dọc tuyến phố không còn bóng cây xanh

Dù vỉa hè đã lát xong nhưng nhiều nhà dân vẫn phải đóng cửa. "Cả khu phố giờ nắng chang chang, nắng nóng hắt vào nhà, không đóng cửa chịu sao nổi. Người ta chặt hết cây xanh bóng mát đi trồng cây mới thì biết bao năm nữa mới có bóng mát, rất là tốn kém và lãng phí".