Lầu Năm Góc công bố thực trạng lực lượng tại Syria: Bí mật điều động quân gấp đôi

Trong một diễn biến bất ngờ, Lầu Năm Góc đã xác nhận rằng Mỹ hiện có khoảng 2.000 binh sĩ hoạt động tại Syria, cao gấp đôi con số 900 binh sĩ được công khai trước đây.

Theo CNN, sự tiết lộ này đã gây xôn xao dư luận và làm dấy lên nhiều câu hỏi về chiến lược quân sự và chính trị của Mỹ tại khu vực.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc (Bộ Quốc phòng Mỹ), Thiếu tướng Patrick Ryder, trong buổi họp báo hôm 19.12, cho biết con số này bao gồm cả các lực lượng được triển khai dài hạn và luân phiên tạm thời. Ông Ryder khẳng định rằng toàn bộ các lực lượng này đang tập trung vào nhiệm vụ chống lại tổ chức khủng bố ISIS.

Binh lính Mỹ tại Syria - Ảnh: AFP

Binh lính Mỹ tại Syria - Ảnh: AFP

“Những lực lượng bổ sung này đã có mặt tại Syria một thời gian, nhằm đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ thay đổi”, ông Ryder giải thích, đồng thời nhấn mạnh rằng sự gia tăng về số lượng binh sĩ không phản ánh một sự che giấu, mà xuất phát từ các cân nhắc về an ninh và ngoại giao.

Cùng ngày, các nguồn tin từ chính quyền Biden tiết lộ rằng một phái đoàn cấp cao sẽ được cử đến Damascus, bao gồm cựu đại sứ Daniel Rubinstein, trợ lý Ngoại trưởng Barbara Leaf, và đặc phái viên Roger Carstens. Chuyến đi này đánh dấu lần đầu tiên trong nhiều năm Mỹ tiếp xúc trực tiếp với chính quyền mới tại Syria, kể từ sau sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.

Phái đoàn sẽ tập trung vào các vấn đề trọng yếu như nhân quyền, chống khủng bố, và phá hủy vũ khí hóa học, đồng thời họ sẽ đàm phán để tìm cách giải cứu nhà báo Mỹ Austin Tice, người đã bị mất tích tại Syria từ hơn 12 năm qua.

Mỹ đã hiện diện quân sự tại Syria từ năm 2014, khi bắt đầu hợp tác với Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo để đánh bại ISIS. Tuy nhiên, vai trò của SDF lại gây mâu thuẫn với Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh NATO, khi Ankara coi nhóm này là mối đe dọa an ninh quốc gia. Thêm vào đó, xung đột nội bộ tại Syria đã dẫn đến một khoảng trống quyền lực, tạo điều kiện cho các lực lượng đối lập và nhóm khủng bố như Hayat Tahrir al-Sham (HTS) trỗi dậy.

Mỹ hiện vẫn coi HTS là một tổ chức khủng bố, nhưng đang tiếp xúc với chính quyền Damascus do nhóm này lãnh đạo để thúc đẩy các mục tiêu chiến lược.

Sự tiết lộ về số lượng binh sĩ tại Syria không chỉ có ý nghĩa về mặt quân sự mà còn tác động đến mối quan hệ ngoại giao và chính trị trong khu vực. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Ryder giải thích rằng số binh sĩ tăng lên không phải là do triển khai mới, mà là kết quả của việc rà soát các dữ liệu hoạt động trước đó.

“Khi nhóm của chúng tôi kiểm tra kỹ lưỡng, chúng tôi nhận ra rằng con số trước đây chưa phản ánh đầy đủ tình hình thực tế”, ông Ryder nói. Mặc dù vậy, ông cũng từ chối cung cấp thêm chi tiết về các cân nhắc ngoại giao và không tiết lộ liệu Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã biết rõ con số này hay chưa.

Dù ISIS đã mất lãnh thổ tại Syria từ năm 2019, nhưng tổ chức này vẫn là mối đe dọa lớn đối với an ninh khu vực. Gần đây, Mỹ đã tiến hành hàng chục cuộc không kích vào các mục tiêu ISIS nhằm ngăn chặn sự hồi sinh của nhóm khủng bố này. Tuy nhiên, tình hình phức tạp tại Syria khiến Washington phải cân nhắc vai trò tương lai của mình. Các lực lượng được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đã gia tăng áp lực lên SDF, trong khi các cuộc tấn công quân sự tại miền tây Syria đang khiến căng thẳng gia tăng.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trước đó đã đưa ra một loạt yêu cầu đối với chính quyền mới tại Syria, bao gồm việc đảm bảo các quyền thiểu số, cung cấp viện trợ nhân đạo, và phá hủy vũ khí hóa học. Ông Blinken khẳng định: “Quá trình chuyển đổi chính trị tại Syria phải minh bạch và duy trì cam kết rõ ràng đối với các nguyên tắc quốc tế”.

Dù vậy, tương lai của sự hiện diện quân sự Mỹ tại Syria vẫn còn nhiều ẩn số. Ông Ryder cho biết hiện chưa có kế hoạch thay đổi nhiệm vụ chống ISIS, nhưng Washington đang đối mặt với áp lực từ trong nước lẫn các đồng minh quốc tế.

Hoàng Vũ

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/lau-nam-goc-cong-bo-thuc-trang-luc-luong-tai-syria-bi-mat-dieu-dong-quan-gap-doi-227324.html