Ukraine đề nghị Mỹ cấp phép sản xuất Patriot

Chính phủ Ukraine đang tích cực tìm kiếm sự chấp thuận từ Mỹ để có thể sản xuất hệ thống phòng không MIM-104 Patriot nội địa.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã chia sẻ điều này trong một cuộc phỏng vấn với Le Parisien, khẳng định đây là bước đi cần thiết để bảo vệ đất nước trong bối cảnh các cuộc tấn công bằng tên lửa từ Nga vẫn diễn ra liên tục.

Tên lửa phòng không Patriot PAC-3 MSE.

Tên lửa phòng không Patriot PAC-3 MSE.

Ông Zelenskyy bày tỏ sự thất vọng trước sự chậm trễ từ phía các đồng minh trong việc cung cấp các hệ thống phòng không cần thiết. Ông nhấn mạnh, mặc dù Ukraine đã nhiều lần đề nghị Mỹ cấp giấy phép sản xuất Patriot, nhưng đến nay vẫn chưa có động thái cụ thể nào. Hiện nay, phía Mỹ chưa từ chối yêu cầu, nhưng cũng không đưa ra quyết định rõ ràng.

Theo Tổng thống Ukraine, sự chậm trễ trong việc chuyển giao các hệ thống phòng không hiện tại khiến các thành phố và khu vực chiến lược của Ukraine đối mặt với nguy cơ lớn từ các đợt tấn công tên lửa của Nga.

Để giải quyết vấn đề này, ông đã đề xuất rằng Ukraine có thể sử dụng nguồn tài sản của Nga đang bị đóng băng để tài trợ cho việc sản xuất vũ khí, bao gồm cả các hệ thống phòng không. Tuy nhiên, cho đến nay, lời đề nghị này vẫn chưa được hiện thực hóa.

Sản xuất các hệ thống Patriot là một quá trình phức tạp và mất nhiều thời gian. Một ví dụ cụ thể là hợp đồng mà Đức ký hồi tháng 3 để mua 4 khẩu đội Patriot mới. Theo kế hoạch, lô đầu tiên sẽ chỉ được giao vào năm 2027 và toàn bộ quá trình giao hàng dự kiến kéo dài đến năm 2029. Điều này cho thấy năng lực sản xuất hiện tại của các công ty quốc phòng vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu cao trên toàn cầu.

Ngoài ra, không chỉ riêng hệ thống phòng không, mà cả việc sản xuất các loại tên lửa đánh chặn cũng gặp nhiều khó khăn.

Lockheed Martin, nhà sản xuất tên lửa PAC-3 MSE, cho biết, họ chỉ có thể sản xuất khoảng 500 tên lửa mỗi năm và đặt mục tiêu nâng con số này lên 650 vào năm 2027. Trong khi đó, Raytheon, công ty chịu trách nhiệm sản xuất tên lửa phòng không tầm xa GEM-T, chỉ có khả năng sản xuất 240 tên lửa mỗi năm.

Cần nhấn mạnh rằng việc sản xuất Patriot không chỉ liên quan đến một nhà thầu duy nhất. Đây là kết quả hợp tác của nhiều công ty, trong đó Raytheon đóng vai trò nhà thầu chính. Đáng chú ý, cho đến nay, Mỹ chưa từng cấp phép chuyển giao công nghệ để sản xuất hệ thống phòng không Patriot cho bất kỳ quốc gia đối tác nào.

Song, một số tiến triển đã được ghi nhận trong việc sản xuất các bộ phận của hệ thống Patriot theo giấy phép. Trong năm nay, tập đoàn quốc phòng MBDA của châu Âu đã bắt đầu xây dựng một cơ sở tại Đức để sản xuất tên lửa GEM-T theo giấy phép từ Raytheon.

Xuân Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ukraine-de-nghi-my-cap-phep-san-xuat-patriot-169241220153238225.htm