Lầu Năm Góc đưa AI vào phòng thủ 'bầy đàn' UAV

Trước mối đe dọa từ các 'bầy đàn' UAV ngày càng tinh vi, Lầu Năm Góc tích hợp AI vào hệ thống phòng thủ, mở ra kỷ nguyên chống UAV bằng công nghệ hiện đại. Liệu AI có đủ sức đánh bại chiến thuật áp đảo của UAV?

Bản vẽ ý tưởng từ Phòng nghiên cứu Không quân Mỹ mô tả một đàn UAV mà lực lượng này có thể triển khai trong tương lai: Ảnh: Air Force Research Lab (afrl.af.mil)

Bản vẽ ý tưởng từ Phòng nghiên cứu Không quân Mỹ mô tả một đàn UAV mà lực lượng này có thể triển khai trong tương lai: Ảnh: Air Force Research Lab (afrl.af.mil)

Trong bối cảnh các cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái (UAV) ngày càng trở nên tinh vi và khó lường, Lầu Năm Góc đang đẩy mạnh việc tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào hệ thống phòng thủ để đối phó với mối đe dọa từ các "bầy đàn" (tấn công đồng loạt hoặc liên tục với số lượng lớn) UAV.

Theo Kris Osborn, Chủ tịch của Warrior Maven (warriormaven.com) – Trung tâm Hiện đại hóa Quân sự Mỹ, người từng phục vụ tại Lầu Năm Góc với tư cách là chuyên gia cấp cao tại Văn phòng Trợ lý Bộ trưởng Lục quân, các cuộc tấn công bầy đàn UAV được thiết kế để áp đảo hệ thống phòng thủ truyền thống, khiến chúng gần như không thể ngăn chặn.

Ông Osborn giải thích rằng các cuộc tấn công bầy đàn UAV sử dụng số lượng lớn để áp đảo radar đối phương, bao phủ các khu vực bằng chất nổ và tận dụng khả năng dự phòng đơn giản để vượt qua nhiều lớp phòng thủ tích hợp. Mối đe dọa này đang gia tăng với tốc độ chóng mặt khi các bên tham chiến liên tục tích hợp các cấp độ tự chủ, chỉ dẫn và vũ khí mới vào các nhóm UAV tấn công lớn, di chuyển nhanh và ngày càng phối hợp nhịp nhàng hơn.

Những bài học từ cuộc chiến ở Ukraine, nơi các UAV nhỏ đã chứng minh tác động đáng kể của chúng, đã thúc đẩy Bộ Quốc phòng Mỹ tăng cường nỗ lực chống lại mối đe dọa này. Lầu Năm Góc đang tích cực hợp tác với các trường đại học, đối tác trong ngành và các nhà đổi mới quân sự để xác định, đẩy nhanh và triển khai các phương pháp tiên tiến nhằm bảo vệ các địa điểm cố định, căn cứ hoạt động tiền phương và thậm chí cả các đội hình thiết giáp đang di chuyển.

Công nghệ tiên tiến nhất trong lĩnh vực chống UAV (C-UAV) ngày càng dựa vào AI để tăng tốc độ, hiệu quả và khả năng đối phó với sức mạnh của các bầy đàn UAV. Về cơ bản, bằng cách xử lý dữ liệu cảm biến từ một cơ sở dữ liệu khổng lồ, thực hiện phân tích và sắp xếp các tập dữ liệu phức tạp, một hệ thống hỗ trợ AI có thể nhanh chóng theo dõi, hợp lý hóa và tối ưu hóa các hoạt động C-UAV.

Các hệ thống hỗ trợ AI có khả năng đẩy nhanh đáng kể chức năng của các biện pháp đối phó "phi động lực" như tác chiến điện tử (EW) hoặc sử dụng vi sóng công suất cao. Đồng thời, bằng cách đưa ra nhận định và thực hiện phân tích trong vài mili giây, AI cũng có thể xác minh mối đe dọa và đề xuất một thiết bị đánh chặn động lực phù hợp để đối phó hiệu quả nhất với một đàn UAV trong một tình huống cụ thể.

Chiến lược C-UAV của Lầu Năm Góc

Sự cần thiết của việc tận dụng AI đã được nhấn mạnh trong Chiến lược của Bộ Quốc phòng Mỹ về C-UAV, được công bố vào ngày 24/12 năm ngoái. Văn bản chiến lược chỉ rõ: "Được thúc đẩy bởi sự đổi mới thương mại ngày càng tăng và sự tinh vi ngày càng tăng của trí tuệ nhân tạo (AI), các UAV đang thay đổi cơ bản cách thức giao chiến ở mọi quy mô. Bộ sẽ cung cấp các hệ thống C-UAV mạnh mẽ với tốc độ và quy mô lớn, bao gồm tận dụng các phương pháp tiếp cận mua sắm nhanh chóng; ưu tiên các giải pháp tích hợp,...".

Một trong những vấn đề cốt lõi liên quan đến phòng thủ bầy đàn UAV là câu hỏi về "kích thước băng đạn" – liệu một hệ thống đối phó có đủ đạn dược, tia laser hoặc xung điện từ để đánh bại một số lượng lớn UAV cùng một lúc hay không. Chuẩn Đô đốc Javon Hakimsadeh, Chỉ huy của Nhóm tác chiến tàu sân bay số 2, người đã có kinh nghiệm trực tiếp về vấn đề này khi chỉ huy lực lượng Hải quân Mỹ ở Biển Đỏ vào năm 2025, chia sẻ rằng những chiến thuật và ứng dụng vũ khí mới đã được rút ra từ những tình huống quan trọng khi tàu chiến Mỹ phòng thủ chống lại các cuộc tấn công bằng UAV của lực lượng Houthi. Ông nhấn mạnh việc đảm bảo đủ "đạn" là yếu tố then chốt để đối phó hiệu quả với số lượng lớn UAV tấn công.

Thách thức trên là một trong nhiều kịch bản đe dọa mà các nhà đổi mới trong ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ đang nỗ lực giải quyết, điển hình như Hệ thống C-UAV mới được Lockheed Martin công bố gần đây. Ứng dụng này kết hợp phần cứng và phần mềm được điều chỉnh tối ưu hóa để đối phó với nhiều lớp mối đe dọa từ UAV.

Hệ thống này "tích hợp" các cảm biến và "bộ phận hiệu ứng" thông qua AI, phần mềm tiên tiến cùng vũ khí nhằm mục đích "phát hiện" và "tiêu diệt" các bầy đàn UAV của đối phương. Hệ thống mới này vẫn chưa có tên chính thức, nhưng các nhà phát triển mô tả nó có dạng một hoặc hai hộp chứa di động "pelican", được thiết kế để kết nối nhanh chóng với các cảm biến, liên kết dữ liệu vô tuyến (RF), hệ thống radar và cả các biện pháp đối phó động học và phi động học.

Vào tháng 2/2025, Lockheed Martin đã tiến hành một "thử nghiệm" với hệ thống mới, nhằm bảo vệ một khu vực rộng hơn 10 km chống lại các mục tiêu là bầy đàn UAV. Tyler Griffin, Giám đốc C-UAV của Lockheed Martin, cho biết hệ thống đã chứng minh khả năng phát hiện, kiểm soát và tương tác cụ thể. Hiện tại, công ty đang đẩy nhanh quá trình phát triển các thành phần bổ sung và tích hợp với radar, hệ thống quang điện/hồng ngoại (EO/IR) và RF thụ động, đồng thời khám phá thêm các cơ chế đánh chặn khác như năng lượng định hướng và sử dụng UAV vô hiệu hóa UAV.

Ông Griffin giải thích rằng hệ thống mới này đặc biệt phù hợp để hỗ trợ các đơn vị bộ binh cơ động hoặc các đội hình cơ giới cần khả năng C-UAV trong khi di chuyển trong tác chiến. Với thiết kế nhỏ gọn và khả năng kết nối mạng với nhiều biện pháp đối phó được hỗ trợ bởi AI, hệ thống mới có thể cung cấp các tùy chọn C-UAV linh hoạt cho các chỉ huy để điều chỉnh chiến thuật đối phó với các mối đe dọa liên tục thay đổi.

Vũ Thanh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/quan-su/lau-nam-goc-dua-ai-vao-phong-thu-bay-dan-uav-20250331161424431.htm