Lầu Năm Góc hội đàm với quân đội Trung Quốc lần đầu dưới thời Tổng thống Biden
Một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc đã hội đàm với quân đội Trung Quốc lần đầu tiên kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức vào tháng 1 để tập trung vào việc kiểm soát rủi ro giữa hai nước.
Một quan chức Mỹ tiết lộ thông tin này với Reuters hôm 27.8.
Mỹ xem Trung Quốc là đối trọng trong chính sách an ninh quốc gia của mình nhiều năm và chính quyền Biden đã mô tả sự cạnh tranh với cường quốc châu Á là "phép thử địa chính trị lớn nhất" thế kỷ này.
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng trở nên căng thẳng khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới xung đột về mọi thứ, từ Đài Loan và hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc cho đến hoạt động quân sự của họ ở Biển Đông.
Bất chấp những căng thẳng và lời lẽ gay gắt, các quan chức quân đội Mỹ từ lâu đã tìm cách liên lạc cởi mở với các đối tác Trung Quốc để có thể giảm thiểu các đợt bùng phát tiềm ẩn hoặc đối phó với bất kỳ sự cố nào.
Michael Chase - Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã nói chuyện với Thiếu tướng Trung Quốc - Huang Xueping, Phó Giám đốc Văn phòng Hợp tác Quân sự Quốc tế của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
"Họ đã sử dụng liên kết điện thoại Quốc phòng Mỹ-CHND Trung Hoa ngày hôm nay để tiến hành một hội nghị video an toàn", quan chức Mỹ giấu tên nói với Reuters.
Michael Chase tập trung vào "kiểm soát khủng hoảng và rủi ro", quan chức này tiết lộ thêm.
Các quan chức cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Lloyd Austin vẫn chưa nói chuyện với người đồng cấp Trung Quốc, một phần vì có cuộc tranh luận về việc quan chức Trung Quốc nào là người đồng cấp với ông.
Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ vừa hội đàm với Phó Giám đốc Văn phòng Hợp tác Quân sự Quốc tế của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc
Trong chuyến công du Đông Nam Á vừa qua, Phó tổng thống Mỹ - Kamala Harris cho biết hôm 26.8 rằng Mỹ hoan nghênh cạnh tranh và không tìm kiếm xung đột với Trung Quốc, nhưng sẽ lên tiếng về các vấn đề như tranh chấp hàng hải ở Biển Đông.
Đánh giá Đông Nam Á là nơi có vị trí địa chính trị quan trọng, nằm ở trung tâm của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, ông Biden đã cử nhiều quan chức chủ chốt khác trong chính quyền như Phó tổng thống Kamala Harris, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman đến thăm khu vực trong những tháng gần đây. Theo Washington Post, những chuyến thăm này cho thấy Mỹ nhận ra họ có nhiều công việc phải làm.
Tổng thống Biden đã tăng cường các biện pháp trừng phạt với Trung Quốc vì các cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và Hồng Kông.
Trong sự thay đổi so với người tiền nhiệm là Donald Trump, ông Biden đã tìm cách tập hợp các đồng minh và đối tác để giúp chống lại những gì Nhà Trắng nói là các chính sách kinh tế và đối ngoại ngày càng ép buộc của Trung Quốc.