Lầu Năm Góc cho rằng Trung Quốc đang là thách thức ngày càng lớn khi đạt được bước tiến đáng kể trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân, tên lửa siêu thanh, hay mức độ hiện đại hóa của các lực lượng vũ trang thông thường.
Đặc biệt, báo cáo của Lầu Năm Góc còn chỉ ra một viễn cảnh đáng lo ngại khi nói đến sự khác biệt về quy mô cũng sức mạnh của Hải quân Trung Quốc so với Hải quân Mỹ trong thời gian tới.
Vấn đề đầu tiên cần nói đến chính là Trung Quốc đã vượt xa Mỹ về năng lực đóng tàu chiến, Bắc Kinh mở rộng công suất các nhà máy trong khi Washington cho thấy điều ngược lại.
Thông tin được giải mật gần đây do Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ cung cấp gây bất ngờ khi ước tính Trung Quốc có năng lực đóng tàu cao gấp 232 lần so với Mỹ.
Lầu Năm Góc tiết lộ rằng chỉ riêng trong năm ngoái, Hải quân Trung Quốc đã tăng quy mô hạm đội thêm 30 tàu. Trong khi đó đối với Hải quân Mỹ, số tàu chiến mới đưa vào biên chế chỉ vỏn vẹn có 2 chiếc.
Hiện tại số lượng tàu chiến của Trung Quốc ước tính lên tới 370 chiếc, đây rõ ràng là lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, trong khi Mỹ duy trì hạm đội sẵn sàng chiến đấu chỉ ở mức 291 tàu.
Mặc dù 30 tàu chiến mới của Trung Quốc gồm nhiều chiếc có lượng giãn nước nhỏ và trung bình, nhưng trong danh sách vẫn có 15 chiếc cỡ lớn bao gồm tàu khu trục Type 055, Type 052D và tàu sân bay Type 002.
Ngoài ra Lầu Năm Góc cho rằng Hải quân Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng đáng kể quy mô hạm đội từ con số 395 tàu vào năm 2025 lên tới 435 tàu vào năm 2030.
Trong khi Hải quân Trung Quốc dự kiến sẽ tăng quy mô lên gần 20% chỉ trong nửa thập kỷ, kế hoạch đóng tàu trong năm tài chính 2024 của Mỹ lại khá eo hẹp, dẫn tới việc hạm đội sẽ ngày càng bị thu nhỏ hơn.
Hạm đội của Hải quân Mỹ sẽ giảm xuống còn 285 tàu vào năm 2025 và vẫn nhỏ hơn quy mô hiện nay đó là 290 tàu vào năm 2030, nguyên nhân là bởi vì số lượng tàu cũ bị loại biên luôn cao hơn đóng mới.
Vấn đề khiến Mỹ lo ngại nữa là Trung Quốc tiếp tục thực hiện hợp nhất quân sự - dân sự , làm mờ hoặc loại bỏ các rào cản giữa chính phủ và khu vực tư nhân để nhanh chóng xây dựng một quân đội có năng lực hơn.
Lầu Năm Góc nhấn mạnh trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tập trung trang bị cho các tàu dân sự với đường dốc được sửa đổi, để cho phép chúng trở thành tàu đổ bộ khi cần thiết.
Diễn biến này theo nhận xét tỏ ra phù hợp với cách tiếp cận thăm dò của Trung Quốc.
Ngoài Hải quân, Thủy quân lục chiến Mỹ cũng không được đảm bảo đủ kinh phí cho các tàu chiến đổ bộ của mình. Điều này buộc Quốc hội Mỹ phải can thiệp vào đầu năm 2023 để tăng cường tài trợ cho một tàu vận tải đổ bộ mới.
Ngoài hạm đội tàu mặt nước hiện diện khắp nơi, Trung Quốc có thể còn đang tiến hành các cuộc tuần tra răn đe trên biển gần như liên tục với lực lượng gồm 6 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và 48 tàu ngầm diesel.
Mặc dù nhiều tàu cũ đang chờ bị loại biên, hạm đội tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc dự kiến sẽ tăng lên 80 chiếc vào năm 2035 do năng lực chế tạo được mở rộng.
Xu hướng của Bắc Kinh luôn đi ngược lại với Washington, khi hạm đội tàu ngầm Mỹ dự kiến chỉ còn lại có 57 chiếc vào năm thời điểm năm 2030.
Mặc dù hạm đội tàu ngầm của Hải quân Mỹ tiên tiến và có năng lực hơn hạm đội hỗn hợp của Trung Quốc khi toàn bộ đều là tàu ngầm hạt nhân, nhưng vấn đề kỹ thuật đang khiến gần 40% phương tiện không sẵn sàng hoạt động.
Nếu xu hướng này không thay đổi, tức là Hải quân Mỹ suy yếu, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ trở nên nóng bỏng hơn khi Trung Quốc sẽ có được vị thế thuận lợi hơn rất nhiều trong việc thực hiện những toan tính của họ.
Ngoài ra cần nhấn mạnh thực tế là Washington có xu hướng đánh giá quá cao khả năng của quân đội mình, trong khi thường xuyên xem nhẹ việc Bắc Kinh gia tăng "quyền lực cứng".
Theo thời gian, Hải quân Mỹ vẫn phải đối diện tình trạng ngân sách ngày càng bị thu hẹp và không chắc chắn, khiến họ khó lòng bảo vệ hay duy trì cam kết an ninh cho các đồng minh trước sức mạnh ngày càng lớn hơn của Hải quân Trung Quốc.