Lầu Năm Góc nêu mối đe dọa đối với các căn cứ ở Bắc Cực
Trong khi Nga cảnh báo về hoạt động quân sự ngày càng tăng của phương Tây ở Bắc Cực có thể châm ngòi cho các cuộc xung đột, Lầu Năm Góc cũng lo ngại về mối đe dọa khác trong khu vực, đó là biến đổi khí hậu.
Tổng thanh tra Lầu Năm Góc cho biết, các căn cứ quân sự của Mỹ ở Bắc Cực và cận Bắc Cực đã bị thiệt hại do thời tiết thay đổi, bao gồm đường băng nứt nẻ và lũ lụt gia tăng.
Các căn cứ quân sự không được chuẩn bị để thích nghi với tác động lâu dài của biến đổi khí hậu. Mối đe dọa này đã bị bỏ qua dù Lầu Năm Góc từng cảnh báo vào năm 2019 trước Quốc hội, nói rằng biến đổi khí hậu là một vấn đề an ninh quốc gia với những tác động tiềm tàng đối với các nhiệm vụ và căn cứ quân sự của Mỹ.
Tổng thanh tra cho rằng những vấn đề trên là do Bộ Quốc phòng thiếu chú trọng trong việc đảm bảo “khả năng chống chịu với khí hậu” của các căn cứ Mỹ.
“Các nhà lãnh đạo lắp đặt căn cứ quân sự nên tập trung vào các thách thức về thời tiết và năng lượng hơn là phân tích cơ sở hạ tầng và khả năng thực hiện nhiệm vụ”, quan chức Mỹ cho biết.
Mỹ, Nga và các quốc gia khác đã tìm cách tăng cường sự hiện diện quân sự ở Bắc Cực, một phần là do trữ lượng dầu mỏ và khoáng sản khổng lồ của khu vực này. Nhiệt độ ấm lên cũng đã mở ra các tuyến vận chuyện mới ở Bắc Cực, tăng khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Quan chức Lầu Năm Góc cho biết, biến đổi khí hậu diễn ra nghiêm trọng hơn ở Bắc Cực so với hầu hết các khu vực khác trên thế giới, khiến các vấn đề như đường băng, nhà chứa máy bay, đường bộ và hàng rào đá bị hư hại do băng tan.
Lầu Năm Góc coi Bắc Cực là khu vực trọng yếu đối với an ninh quốc gia của Mỹ. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của Nga hôm 17/4 đã cảnh báo về mối lo ngại tiềm tàng lớn hơn ở Bắc Cực.
“Việc quốc tế hóa những hoạt động quân sự cấp độ cao của NATO, trong đó có cả các quốc gia NATO không thuộc Bắc Cực, đang tạo ra những mối lo ngại. Chúng làm tăng nguy cơ xảy ra các sự cố không chủ ý. Bên cạnh rủi ro về an ninh, chúng còn có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho hệ sinh thái mong manh ở Bắc Cực”, đại diện cấp cao của Nga tại Hội đồng Bắc Cực Nikolay Korchunov cho biết./.