Lầu Năm Góc: TQ muốn phục hưng bằng cách thay đổi trật tự thế giới
Báo cáo mới đây của Lầu Năm Góc nhận định Trung Quốc muốn phục hưng dân tộc bằng cách thay đổi trật tự quốc tế, xây dựng 'cộng đồng chung vận mệnh' và quân đội đẳng cấp thế giới.
Trong báo cáo thường niên về Trung Quốc do Bộ Quốc phòng Mỹ thực hiện và công bố đầu tháng 11, Trung Quốc được cho rằng đang thực hiện các chiến lược nhằm đạt được “sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa” vào năm 2049 để có thể sánh vai hoặc vượt qua ảnh hưởng và sức mạnh toàn cầu của Mỹ.
Theo báo cáo, Bắc Kinh tin rằng Mỹ “quyết tâm kiềm chế” Trung Quốc. Đồng thời, giới lãnh đạo Trung Quốc ngày càng sẵn sàng đối đầu với Mỹ và các nước khác ở những phương diện không đồng nhất lợi ích.
Trung Quốc muốn thay đổi trật tự thế giới
Mục tiêu thực hiện “sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa” - còn được Chủ tịch Tập Cận Bình gọi là “giấc mộng Trung Hoa” - là khát vọng đưa nước này trở lại vị thế mạnh mẽ, thịnh vượng và lãnh đạo trên trường quốc tế, theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Tuy nhiên, báo cáo cho rằng trong mắt đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP), các khía cạnh hiện hành của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ đang giới hạn tham vọng chiến lược của nước này và không tương thích với lợi ích về chủ quyền, an ninh và phát triển.
“Lãnh đạo Trung Quốc khẳng định sự phục hưng quốc gia đòi hỏi nước này 'chủ động tham gia dẫn dắt quá trình cải cách hệ thống quản trị toàn cầu', vì nhiều quy định và thông lệ đã được thiết lập mà không có sự tham vấn và góp ý từ Trung Quốc”, báo cáo viết.
Để đạt được sự phục hưng quốc gia, Chủ tịch Tập đưa ra kế hoạch với 2 mốc thời gian có ý nghĩa quan trọng: Năm 2021 (kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc) và năm 2049 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa).
Cụ thể, sau khi xây dựng "xã hội tương đối khá giả về mọi mặt" vào năm 2021, Trung Quốc dự định dùng thành quả ấy làm điểm tựa để thực hiện kế hoạch hai giai đoạn: Giai đoạn 1 (2021-2035) và giai đoạn 2 (2035-2049).
Báo cáo cho biết mục tiêu giai đoạn đầu là Trung Quốc “về cơ bản” đạt các tiêu chí của một “nước xã hội chủ nghĩa hiện đại vĩ đại”. Trong giai đoạn này, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển kinh tế, đồng thời tìm cách giải quyết tình trạng bất bình đẳng, thay vì tập trung tăng trưởng nhanh chóng.
Trong giai đoạn hai, Trung Quốc đặt mục tiêu hoàn tất quá trình phát triển và đạt được sự phục hưng quốc gia. Đây cũng là lúc Trung Quốc xây dựng được lực lượng quân đội “đẳng cấp thế giới”, và có vị thế dẫn đầu trong trật tự quốc tế đã được điều chỉnh cho phù hợp với mục tiêu đối ngoại tổng thể của Bắc Kinh.
Xây dựng "cộng đồng chung vận mệnh"
Báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ chỉ ra rằng mục tiêu tổng thể trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc là xây dựng một “cộng đồng chung vận mệnh”, vì điều này là cần thiết để tạo điều kiện ngoại cảnh cho sự phục hưng quốc gia.
Nội hàm “cộng đồng chung vận mệnh” vẫn đang được bàn luận. Nadège Rolland, viện sĩ cấp cao thuộc viện chính sách Cục Nghiên cứu châu Á Quốc gia (Mỹ), nhận định trong một bài viết năm 2018 rằng khái niệm này được cho là phản ánh sự không hài lòng trước trật tự quốc tế hiện hành do Mỹ dẫn dắt.
Về bản chất, “cộng đồng chung vận mệnh” là quan điểm về cách xây dựng mô hình quản trị toàn cầu “công bằng và thỏa đáng” so với mô hình “chịu sự thống trị của phương Tây”, vốn đã trở nên “không bền vững”, bà Rolland viết.
Theo đài CGTN của Trung Quốc, cụm từ “cộng đồng chung vận mệnh” dùng để chỉ mọi quốc gia đều liên kết với nhau bằng những thách thức chung như biến đổi khí hậu, nhu cầu phát triển bền vững và cuộc chiến chống khủng bố.
Trong đại dịch, khái niệm “cộng đồng chung vận mệnh” một lần nữa được lặp lại, theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhắc tới việc cần thiết thúc đẩy “cộng đồng chung vận mệnh” để tăng cường công tác ngăn ngừa và ứng phó dịch bệnh toàn cầu.
Chẳng hạn, chủ đề chương cuối cùng trong sách trắng chống Covid-19 của Trung Quốc được đặt tên là “Xây dựng cộng đồng y tế toàn cầu cho tất cả”.
Báo cáo của Lầu Năm Góc còn chỉ ra rằng trong chính sách đối ngoại, Trung Quốc đặt ra các mục tiêu và mối quan hệ khác nhau dựa vào việc đối phương là nước lớn, nước láng giềng, hay nước đang phát triển.
Với nước lớn, Bắc Kinh khẳng định cần có một khung quan hệ mới để hình thành “sự phát triển ổn định và cân bằng” giữa các cường quốc. “Về cơ bản, đây là hệ thống đa cực”, báo cáo nhận định.
Đối với các nước lân cận, Trung Quốc mong muốn tăng cường quan hệ để tạo ra môi trường có lợi hơn ở dọc biên giới trên biển và đất liền, phù hợp với quan điểm của Bắc Kinh về công bằng và lợi ích.
Tìm kiếm căn cứ quân sự để tăng tầm ảnh hưởng
Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ, chiến lược phục hưng quốc gia của Trung Quốc còn bao gồm việc tăng cường và thích ứng lực lượng vũ trang trước các xu hướng dài hạn trên thế giới.
Bắc Kinh cho rằng nhu cầu trên hết là xây dựng đội quân “đẳng cấp thế giới”, có thể “chiến đấu và chiến thắng”, đồng thời “kiên quyết bảo vệ” chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển, theo báo cáo.
Với khoảng 2 triệu quân chính quy, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang tìm cách hiện đại hóa và tăng cường năng lực ở mọi phương diện. Năm 2021, Trung Quốc tiếp tục chuỗi hơn 20 năm liên tiếp tăng chi quốc phòng với mức tăng 6,8%.
Chi quốc phòng của Trung Quốc đứng thứ hai sau Mỹ, nhưng “ngân sách quân sự được công khai bỏ qua một số hạng mục chi tiêu lớn, và mức chi thực tế của Trung Quốc cao hơn mức được tuyên bố trong ngân sách chính thức”, báo cáo nhận định.
Đặc biệt, báo cáo cho biết Hải quân Trung Quốc có số lượng tàu lớn nhất thế giới với khoảng 355 tàu mặt nước và tàu ngầm. Con số này chưa bao gồm 85 tàu tuần tra có thể mang theo tên lửa hành trình diệt hạm. Lực lượng Hải quân Trung Quốc dự kiến tăng tới 420 tàu vào năm 2025 và 460 tàu vào năm 2030.
Hải cảnh Trung Quốc cũng đang sở hữu số tàu nhiều nhất thế giới, với 130 tàu tuần tra cỡ lớn (trên 1.000 tấn). Những con tàu kiểu mới lớn hơn tàu cũ và đa số được trang bị cơ sở hỗ trợ trực thăng, vòi rồng hiệu suất cao và súng bắn đạn cỡ 30-76 mm.
Báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ thừa nhận Không quân Trung Quốc đang nhanh chóng bắt kịp phương Tây. “Xu hướng này đang làm mất dần đi những lợi thế kỹ thuật quân sự trên không của Mỹ trước Trung Quốc”, báo cáo nhận định.
Lúc này, Trung Quốc đang tìm kiếm thêm các căn cứ quân sự ở nước ngoài để phóng chiếu sức mạnh khắp thế giới, theo đánh giá của Lầu Năm Góc.
“Trung Quốc đang tìm cách thiết lập các cơ sở đồn trú và hậu cần mạnh mẽ hơn ở nước ngoài, để cho phép PLA bảo vệ và duy trì sức mạnh quân sự ở khoảng cách xa hơn”, báo cáo cho biết.
Trung Quốc nhiều khả năng đã cân nhắc Seychelles, Angola… là những nơi có tiềm năng trở thành căn cứ quân sự cho nước này, bên cạnh Djibouti.
Trước đó, báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ vào năm 2020 từng cho biết Trung Quốc xác định quân đội nước này nên đóng vai trò chủ động hơn trong việc thúc đẩy mục tiêu của đường lối đối ngoại.