Lấy cái đẹp dẹp cái xấu để nâng tầm văn hóa
Tháng 2/1943, Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo đã được thông qua. Đây là một sự kiện chính trị quan trọng.
Tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương tổ chức tháng 2/1943, Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo đã được thông qua.
Đây là một sự kiện chính trị quan trọng, tạo nền tảng cho sự nghiệp xây dựng một nền văn hóa mới.
Trao đổi với Báo Giao thông, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, sau 80 năm, những tư tưởng của Đề cương văn hóa vẫn còn nguyên giá trị.
Văn hóa là sức mạnh của dân tộc
Đề cương về văn hóa Việt Nam được coi là Tuyên ngôn của Đảng về một nền văn hóa dân tộc, khoa học, đại chúng. Những tư tưởng của Đề cương này có ý nghĩa thế nào đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thưa ông?
Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 ra đời trong bối cảnh đất nước chưa giành được độc lập, chính vì vậy, một trong những mục tiêu căn bản của việc ban hành Đề cương là biến văn hóa trở thành sức mạnh của dân tộc.
Nguyên tắc dân tộc hóa dựa trên thực tế là, văn hóa đã tạo nên sức mạnh thực sự cho dân tộc ta để tạo nên sự thống nhất trong nhận thức về lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết. Vũ khí lớn nhất của chúng ta không phải là khí tài quân sự hiện đại mà chính là lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết.
Khoa học hóa cũng là một trong những nguyên tắc quan trọng đối với sự phát triển văn hóa. Văn hóa, ở một phương diện nào đó, chính là thói quen của con người, từ đó hình thành nên phong tục tập quán, truyền thống của một dân tộc.
Tư tưởng căn bản của Đề cương là mong muốn thay đổi phong hóa của dân tộc, hướng đến những giá trị văn minh, từng bước loại bỏ yếu tố lạc hậu trong văn hóa, góp phần hình thành một nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa.
Nguyên tắc đại chúng hóa trong phát triển văn hóa có lẽ là một trong những điểm nhấn quan trọng. Đại chúng ở đây được hiểu là văn hóa được hình thành bởi đa số nhân dân, dành cho đa số nhân dân, vì lợi ích đa số nhân dân để có thể đoàn kết, tạo ra sức mạnh từ nhân dân, văn hóa là yếu tố then chốt.
Văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực
Tính thời sự và giá trị của 3 nguyên tắc của Đề cương cần được nhìn nhận như thế nào, thưa ông?
Ngay từ những năm đầu tiên, trước khi dẫn dắt dân tộc giành được độc lập, Đảng đã nhận ra tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển của dân tộc, Đề cương ra đời đã minh chứng cho tầm nhìn chiến lược đó.
“
Cần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần hình thành và củng cố các giá trị tốt đẹp. Khi đó, văn hóa sẽ trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển chung của xã hội, đạo đức, nhân cách cho mỗi cá nhân. Từ đó, những hành vi đẹp, hành động tốt dễ đơm hoa, kết trái, đồng thời tạo ra sức đề kháng để những hành vi xấu, cái ác bị lên án, không thể tồn tại.
PGS.TS. Bùi Hoài Sơn
”
Trải qua thời gian, 3 nguyên tắc phát triển văn hóa trong Đề cương đã chứng minh được tính đúng đắn, đồng thời định hướng cho sự phát triển văn hóa. Ý nghĩa quan trọng của Đề cương là đặt văn hóa ở vị trí hàng đầu, “văn hóa soi đường quốc dân đi”.
Trong bối cảnh hiện nay, khi đạo đức xã hội gặp nhiều vấn đề, nhiều hiện tượng văn hóa phiền phức, mê tín dị đoan phát triển trở lại, những tư tưởng sáng suốt của Đề cương một lần nữa cho thấy tính đúng đắn trong chủ trương của Đảng. Từ 3 nguyên tắc dân tộc hóa - khoa học hóa - đại chúng hóa, giờ đây, văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực và là hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Từ Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943, Đảng đã cụ thể hóa 3 nguyên tắc trên thế nào trong công cuộc xây dựng, phát triển văn hóa thời kỳ mới, thưa ông?
Kể từ sau năm 1943, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận nhằm phát triển văn hóa, đáng lưu ý nhất là Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm (Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII), Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 (Ban Chấp hành Trung ương khóa XI), Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Các văn kiện này đã cụ thể hóa 3 nguyên tắc phát triển văn hóa Việt Nam của Đề cương.
Qua các lần bổ sung ấy, những nội dung mới như nguyên tắc dân tộc hóa đã được bổ sung những giá trị của thế giới để trở thành nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Ở đó, cùng với việc giữ gìn và phát triển những di sản vǎn hóa quý báu của dân tộc, tiếp thu những tinh hoa vǎn hóa thế giới, sáng tạo, vun đắp nên những giá trị mới.
Đối với nguyên tắc khoa học hóa, chúng ta hướng các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học vào việc xây dựng con người có thế giới quan khoa học, hướng tới chân - thiện - mỹ; nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức cho con người Việt Nam.
Bên cạnh đó, quan điểm xây dựng và phát triển vǎn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, trong đó đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng là sự bổ sung cho nguyên tắc đại chúng hóa trong phát triển văn hóa của Đảng.
Lấy cái tốt - đẹp dẹp cái xấu - ác
Quá trình hội nhập quốc tế tạo ra rất nhiều thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội, song đồng thời cũng có không ít hệ lụy. Theo ông, chúng ta nên nhận diện vấn đề này thế nào và văn hóa có vai trò ra sao?
Rõ ràng chúng ta đang gặp phải những vấn đề nhất định trong quá trình hội nhập, đặc biệt là việc tiếp thu văn hóa nghệ thuật nước ngoài quá nhiều, chưa thực sự chọn lọc.
Trong khi đó, việc giới thiệu văn hóa nghệ thuật của Việt Nam ra thế giới còn hết sức hạn chế.
Lĩnh vực văn hóa vẫn còn nhiều bất cập. Môi trường văn hóa bị “vẩn đục” bởi nhiều hiện tượng tiêu cực, nhảm nhí, trong đó có cả hành vi từ những người nổi tiếng trong xã hội.
Những hiện tượng văn hóa lệch chuẩn, lai căng, không phù hợp tác động tiêu cực đến nhận thức, hành vi và lối sống của không ít người, trong đó có thế hệ trẻ, dẫn đến nguy cơ bị xâm lăng văn hóa mà quên đi những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.
Đây cũng chính là một trong những lý do quan trọng để chúng ta có thêm quyết tâm xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa.
Vậy theo ông, giải pháp là gì?
Đầu tiên là tuyên truyền nâng cao nhận thức để định hướng hành vi của con người, trong đó có giữ gìn và phát huy các hệ giá trị. Việc tuyên truyền phải coi trọng nguyên tắc lấy cái tốt - đẹp dẹp cái xấu - ác để tạo môi trường lành mạnh cho sự phát triển hành vi của con người.
Thứ hai, cụ thể hóa các giá trị bằng những nội hàm mới phù hợp với bối cảnh thời đại.
Thứ ba, hoàn thiện thể chế, chính sách để các hệ giá trị có thể thấm sâu vào toàn bộ xã hội.
Thứ tư, làm gương là một giải pháp quan trọng. Do tầng lớp lãnh đạo, quản lý xã hội và đội ngũ văn nghệ sĩ là những người được nhân dân quan tâm, chú ý nên việc làm gương của họ có ý nghĩa rất lớn trong việc định hình và thực hành các hệ giá trị.
Thứ năm, các hệ giá trị tồn tại rất cụ thể trong những không gian nhất định như gia đình, nhà trường và xã hội.
Nếu trong gia đình, việc giáo dục, thực hành các hệ giá trị qua các bài học làm gương, thì trường học lại là những bài học mô phạm, sinh hoạt có tổ chức, còn xã hội thì thông qua luật pháp, các sự kiện và tuyên truyền khác để xây dựng văn hóa.
Cảm ơn ông!
Hiện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang gấp rút chuẩn bị tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Cội nguồn và động lực phát triển”, dự kiến diễn ra vào ngày 28/2.
Hội thảo là diễn đàn để các nhà quản lý, nhà khoa học, giới thực hành văn hóa nghệ thuật, các tầng lớp nhân dân cùng nhìn lại, hiểu biết sâu sắc hơn về ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại, những giá trị to lớn và tầm ảnh hưởng của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong 80 năm qua.