Lấy chồng đi biển, hồn treo cột buồm

Với những phụ nữ lấy chồng đi biển, ngoài nỗi lo toan khi chồng ra khơi còn có gánh nặng trên vai khi người chồng chẳng may không trở về.

Cuối tháng 6-2024, báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” tại tỉnh Quảng Ngãi.

Tại đây, chương trình có dịp được lắng nghe những câu chuyện xúc động về cuộc đời của những người phụ nữ “lấy chồng đi biển”.

 Chị Nguyễn Thị Xuân Thu khóc nức nở khi nhận được phần quà từ chương trình Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển. Ảnh: NGUYỄN YÊN

Chị Nguyễn Thị Xuân Thu khóc nức nở khi nhận được phần quà từ chương trình Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển. Ảnh: NGUYỄN YÊN

Trong chương trình này, chị Nguyễn Thị Xuân Thu (48 tuổi) đại diện người chồng đã mất nhận suất quà từ tay Nguyên Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình.

Ôm lấy phần quà và khóc nức nở, chị nói: “Suất quà đó toàn những thứ cần cho việc đi biển, nếu như chồng mình còn sống thì quá tốt. Cảm động lắm, nhưng giờ ảnh mất rồi...”.

Nỗi đau người ở lại

Sáng 30-6, chúng tôi tìm đến một con hẻm sâu, san sát nhà ở gần cửa biển, thuộc xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi. Đây là nơi sinh sống của nhiều gia đình làm nghề biển.

Tại đây, trong tháng 2 vừa qua, đã có hai gia đình đã mất đi trụ cột là người chồng, người cha do tai nạn bất ngờ trên biển.

 Chị Thu bên phần quà mà chương trình trao tặng cho gia đình vươn khơi, bám biển. Ảnh: NGUYỄN YÊN.

Chị Thu bên phần quà mà chương trình trao tặng cho gia đình vươn khơi, bám biển. Ảnh: NGUYỄN YÊN.

Chị Nguyễn Thị Xuân Thu (48 tuổi), vợ ngư dân Nguyễn Thành (một trong ba ngư dân thiệt mạng do tai nạn trên biển vào tháng 2-2024) cho biết gia đình chị là một hộ dân nhiều năm liền là hộ nghèo, cận nghèo ở địa phương.

Cả nhà chị sống phụ thuộc vào việc đi biển của chồng và công việc làm cá bấp bênh của chị. Từ khi chồng chị mất do tai nạn trên biển, chị càng phải tất tả ngược xuôi, làm đủ mọi việc để chăm lo cho các con.

“Mình không có nghề nghiệp nên cuộc sống bấp bênh. Có lúc thì làm được vài ba hôm rồi nghỉ. Lắm lúc cả tháng mới có công việc để làm. Chồng mất như một cú trời giáng đau đớn. Giờ mấy mẹ con trơ trọi không biết dựa vào ai, ai đâu mà lo cho. Ba mẹ con dìu nhau mà sống” - chị Thu nức nở.

 Ngoài con gái đầu đã tốt nghiệp đại học, chị Thu còn hai con nhỏ sắp học lớp 12 và lớp 9. Ảnh: NGUYỄN YÊN

Ngoài con gái đầu đã tốt nghiệp đại học, chị Thu còn hai con nhỏ sắp học lớp 12 và lớp 9. Ảnh: NGUYỄN YÊN

Chị Thu buồn rầu chia sẻ ngày chồng chị mang đồ đi ra biển, cả hai người không kịp gặp nhau.

“6 giờ 30 ngày 14 âm lịch, chị em điện thoại báo chồng tôi bị tàu tông bị thương nên lật đật về lấy đồ chạy ra. Chuyến tàu thứ nhất đưa về hai người không có chồng tôi. Đến chuyến tàu thứ hai về cũng không thấy bóng dáng. Hỏi chồng tôi đâu thì không ai biết. Vậy là biết ảnh 100% mất rồi vì người ta nói lúc tàu tông thì anh ấy đang trong khoang máy bị kẹt lại” - chị nghẹn ngào kể lại.

Cùng hoàn cảnh, chị Nguyễn Thị Phố (vợ ngư dân Nguyễn Thanh Phúc) cũng rơi vào hoàn cảnh mẹ góa con côi khi anh Phúc mất do tai nạn trên tàu giữa biển.

Chồng chị Phố và anh Thành (chồng chị Thu) cùng làm việc trên con tàu do ông Nguyễn Đảm làm thuyền trưởng. Sau vụ va chạm với một con tàu khác giữa biển, chồng chị Phố được đưa về đất liền trên chuyến tàu đầu tiên. Tuy nhiên, anh mất trên đường đi bệnh viện.

 Bốn mẹ con chị Phố hiện tại. Ảnh: NGUYỄN YÊN

Bốn mẹ con chị Phố hiện tại. Ảnh: NGUYỄN YÊN

Chồng mất để lại chị và ba đứa con nhỏ. Bốn mẹ con hiện sống nhờ trong căn nhà của chị chồng trong xóm chài cạnh nhà chị Thu.

Lấy chồng rồi sinh sống ở thôn Kỳ Xuyên, cả nhà chuyển xuống gần bến đò Kỳ Bắc, xã Tịnh Kỳ ở cho gần biển, thuận tiện cho chồng làm nghề cá.

 Đại diện báo Pháp Luật TP.HCM đến thăm, động viên gia đình chị Nguyễn Thị Phố. Ảnh: TUỆ ANH

Đại diện báo Pháp Luật TP.HCM đến thăm, động viên gia đình chị Nguyễn Thị Phố. Ảnh: TUỆ ANH

Chị Phố trước kia làm công nhân tại khu công nghiệp VSIP. Từ ngày chồng mất bỏ lại chị và ba con nhỏ, chị chưa thể đi làm lại được.

“Hằng ngày, ai có cá thì tôi đi làm lặt vặt, thu nhập ngày có, ngày không. Làm cá thì vô chừng, chủ yếu kiếm tiền trang trải lo cho các con” - chị chia sẻ.

Sung sướng thì nhờ, cực thì chấp nhận

Không riêng chị Phố, chị Thu, nhiều phụ nữ lấy chồng đi biển đều hiểu rằng phụ nữ ở biển có chồng thì sống nhờ chồng. Họ luôn cần một người đàn ông trụ cột gia đình khi bão gió, con đau ốm, gánh vác nhiều thứ.

“Phụ nữ ở biển có chồng thì nhờ chồng, giờ không có chồng thì một mình phải bươn chải, cố lắm cũng thiếu trước hụt sau. Một thân một mình chăm ba đứa con thì khó sống đủ đầy” - chị Thu nghẹn ngào chia sẻ.

 Giờ đây, chị Thu một mình tất tảo làm việc nuôi các con còn đang tuổi ăn học. Ảnh: NGUYỄN YÊN

Giờ đây, chị Thu một mình tất tảo làm việc nuôi các con còn đang tuổi ăn học. Ảnh: NGUYỄN YÊN

Chị Thu nói từ xưa đến giờ vợ chồng chị đã sống sống cuộc sống khổ cực, bao nhiêu năm nay cũng giữ mãi cái giấy hộ nghèo, hộ cận nghèo.

“Tới khi chồng mất cũng chưa sống được một ngày sung sướng. Lấy chồng đi biển, sung sướng thì nhờ, còn cực thì chấp nhận” - Chị Thu bùi ngùi.

Kể về thời điểm chồng chị mất vì tai nạn trên biển, chị Thu cho hay gia đình nhận được nhiều sự giúp đỡ của chính quyền, các cấp, ngành địa phương. Anh Thành mất tích gần 13 ngày, việc tìm kiếm gặp nhiều khó khăn, tốn kém. Chị bày tỏ sự biết ơn với các cấp hỗ trợ, giúp đỡ nếu không gia đình cũng không thể nào xoay sở được.

Ông Phan Hữu Nhất, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá kiêm cán bộ phụ trách khuyến nông khuyến ngư xã Tịnh Kỳ cho biết địa phương đã vận động các nguồn, hội nghề cá tỉnh, vùng 2 Hải quân, trong nhân dân địa phương hỗ trợ hết mức gia đình các nạn nhân.

“Chúng tôi đã dùng nhiều phương tiện tìm kiếm thi thể các ngư dân bị mất tích. Hết sức tạo điều kiện cho gia đình ngư dân gặp nạn vượt qua khó khăn” - ông Nhất cho biết.

 Tàu cá QNg 11126TS bị chìm sau khi va chạm với tàu chở hàng trên biển. Ảnh: CTV

Tàu cá QNg 11126TS bị chìm sau khi va chạm với tàu chở hàng trên biển. Ảnh: CTV

Ông Nguyễn Hoài Thanh, Chủ tịch UBND xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi cho hay hoàn cảnh của ba hộ dân có người bị thiệt mạng trong tai nạn hiện rất khó khăn.

“Ở biển, người đàn ông luôn là trụ cột gia đình. Giờ mất đi thì chị Thu và hai chị em có chồng mất trong tai nạn phải làm trụ cột, buôn bán, mưu sinh vất vả. Họ làm nhiều việc như phơi cá, muối mắm, làm thuê để trang trải và lo cho các cháu” - ông Thanh nói.

Thông tin thêm, Chủ tịch UBND xã Tịnh Kỳ cho biết ngay khi vụ tai nạn xảy ra, địa phương đã tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình. Xã đã trích quỹ Vì người nghèo hỗ trợ mỗi gia đình có ngư dân thiệt mạng 5 triệu đồng.

Bên cạnh đó, xã cũng huy động nhân dân, kêu gọi hỗ trợ các gia đình gặp nạn. Bước đầu hỗ trợ gia đình vượt qua khó khăn, các cháu hồi phục tư tưởng để tiếp tục học tập.

Sáng 23-2, trong lúc tàu cá QNg 11126TS (công suất 350CV) do ngư dân Nguyễn Đảm (ở xã Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi) làm chủ kiêm thuyền trưởng, trên tàu có 9 lao động di chuyển vào cách bờ khoảng 5 hải lý thì bất ngờ va chạm với tàu hàng Trung Thắng 568.

Hậu quả, tàu cá bị chìm, toàn bộ 9 ngư dân đi trên tàu rơi xuống biển.

Phát hiện vụ tai nạn, các tàu cá ngư dân của địa phương đã nhanh chóng tiếp cận hiện trường, cứu vớt được 7 ngư dân đưa vào bờ và phối hợp với lực lượng chức năng đưa đi cấp cứu.

Do vết thương quá nặng, một ngư dân tử vong trên đường đưa đi cấp cứu, hai ngư dân còn lại là Phan Văn Thành và Nguyễn Thành (đều ở xã Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi) mất tích.

NGUYỄN YÊN - TUỆ ANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/lay-chong-di-bien-hon-treo-cot-buom-post798898.html