Lấy dân làm gốc

Cách đây 79 năm, ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tuyên ngôn Độc lập cũng khẳng định: Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.

Thực tiễn 79 năm qua, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng khẳng định, khi Đảng “lấy dân làm gốc”, có chủ trương, đúng đắn, hành động quyết liệt vì lợi ích của đất nước, của nhân dân thì nhân dân một lòng theo Đảng, làm nên sự nghiệp cách mạng vĩ đại, xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Sức mạnh lòng dân

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn thể dân tộc Việt Nam đã đoàn kết một lòng, triệu người như một, làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám vĩ đại, giành Chính quyền về tay nhân dân, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. “Thời điểm đó, cả nước chỉ có 5.000 đảng viên, nhưng những người cộng sản chân chính đã gây dựng được lòng tin trong nhân dân, tạo ra sức mạnh lớn lao để giành được chính quyền, giành được độc lập”, ông Phúc nói.

Sau khi giành được độc lập, trước hàng loạt những khó khăn, thử thách, từ giặc đói, giặc dốt, đến giặc ngoại xâm, ông Phúc cho biết, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục giương cao ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc. Tháng 9/1945, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi “Tuần lễ Vàng” và xây dựng “Quỹ Độc Lập”. Đáp lại, đồng bào cả nước, dù đời sống còn hết sức khó khăn, nhưng đều đồng lòng ủng hộ. Trong đó, gia đình ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Minh Hồ ở Hà Nội đã ủng hộ hàng trăm cây vàng cho chính quyền cách mạng. “Đây là tiền đề tài chính quan trọng giúp chính quyền cách mạng non trẻ vượt qua được tình thế khó khăn. Đó cũng là bài học cho thấy, Đảng “lấy dân làm gốc”, có chủ trương, đúng đắn thì nhân dân sẽ đồng tình ủng hộ, chung sức, chung lòng vì sự nghiệp cách mạng”, ông Phúc nói.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với người dân Hải Phòng, tháng 11/2017.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với người dân Hải Phòng, tháng 11/2017.

Để xây dựng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, tháng 10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh có thư gửi UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng (đăng trên báo Cứu quốc), trong đó Bác viết: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Bác cũng lưu ý các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng rằng: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm, việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”. Trong thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng phê phán gay gắt căn bệnh tiêu cực trong bộ máy như tình trạng cậy thế, cậy chức quyền, vun vén cá nhân, kiêu ngạo, chia rẽ... Bác khẳng định, chính quyền do nhân dân gây dựng ra nên cán bộ phải là những người gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân. Bác cũng yêu cầu chính quyền các cấp, lãnh đạo các cấp ra sức phụng sự nhân dân.

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, năm 1945, cả nước chỉ có 5.000 đảng viên, nhưng đó là những con người ưu tú, sẵn sàng hy sinh tất cả vì độc lập, tự do của dân tộc. Chính tinh thần của những người cộng sản chân chính đó đã có được lòng dân, để tạo nên sức mạnh vô địch, giành được chính quyền, giành được độc lập”.

Ngoài ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến tổ chức cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên để nhân dân trực tiếp bầu ra các đại biểu xứng đáng thay mặt mình gánh vác việc nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Tất cả quyền lực trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều thuộc về Nhân dân. Nhân dân sử dụng quyền lực của mình thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Theo ông Phúc, đây là những tiền đề quan trọng giúp Đảng và Chính quyền cách mạng non trẻ có được lòng tin với nhân dân, được nhân dân ủng hộ, chung sức, chung lòng vì sự nghiệp cách mạng, vì độc lập dân tộc.

Dĩ bất biến, ứng vạn biến

Ngoài đối nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến đối ngoại. “Bác Hồ thường ví, thực lực như cái chiêng, ngoại giao như cái tiếng. Chiêng mà to thì tiếng mới vang xa. Phải có kết hợp chặt chẽ giữa đối nội và ngoại giao. Có thế mới giữ được độc lập, giữ được chính quyền”, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cho biết.

Theo ông Phúc, tháng 5/1946, mặc dù biết rõ dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, song Chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn Chính phủ quyết định lên đường sang Pháp theo lời mời của Chính phủ Cộng hòa Pháp. Trước khi đi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định ủy thác cho cụ Huỳnh Thúc Kháng (Bộ trưởng Bộ Nội vụ) làm Quyền Chủ tịch nước. Trước khi lên máy bay, Bác nắm tay cụ Huỳnh Thúc Kháng nói: “Tôi vì nhiệm vụ Quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cụ cùng với anh em giải quyết. Mong cụ "dĩ bất biến, ứng vạn biến".

Chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX (Ảnh: Như Ý)

Chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX (Ảnh: Như Ý)

Ông Phúc cho rằng, trong “thế ngàn cân treo sợi tóc” sau khi giành được Độc lập, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có chiến lược đúng đắn và sách lược khôn khéo. Chiến lược đúng đắn là kiên quyết giữ vững nền độc lập, giữ vững thành quả cách mạng Tháng 8, giữ vững chính quyền Nhà nước. Sách lược khôn khéo, mềm dẻo, “ứng vạn biến”, tức là nguyên tắc không thay đổi, nhưng cách thức ứng phó phải mềm dẻo, khôn khéo, tranh thủ sự đồng tình của các nước trên thế giới.

““Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Do đó, Đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIV của Đảng tới đây, khi lựa chọn cán bộ phải chọn người vừa có đức, có tài, có khát vọng phát triển; có tinh thần dám nghĩ, dám làm, đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên hết”.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc

Trong thời gian lưu trên đất Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi nhiều thành phố, gặp mặt, trao đổi với rất nhiều nhân vật quan trọng để vận động, thuyết phục ủng hộ con đường chính nghĩa của Việt Nam. Đặc biệt, trong thời gian ở Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã mời được nhiều trí thức yêu nước về tham gia kháng chiến, xây dựng và bảo vệ quê hương. Đó là các kỹ sư: Phạm Quang Lễ, Võ Quý Huân, Võ Đình Quỳnh và bác sĩ Trần Hữu Tước…

Đến ngày 19/12/1946, sau khi thực dân Pháp bội ước đánh chiếm Lạng Sơn, Hải Phòng, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống xâm lược và giành được những thắng lợi to lớn làm nên một Điện Biên “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”…

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, 79 năm đã trôi qua nhưng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “lấy dân làm gốc”, "dĩ bất biến, ứng vạn biến" vẫn còn nguyên giá trị to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong bối cảnh Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng đang cận kề, ông Phúc cho rằng, cần phải quan tâm đặc biệt đến công tác lựa chọn cán bộ. Bởi như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Do đó, chọn cán bộ phải chọn những người vừa có đức, có tài, có khát vọng phát triển; có tinh thần dám nghĩ, dám làm, đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên hết.

Văn Kiên

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/lay-dan-lam-goc-post1666550.tpo