Lấy đoàn viên, người lao động làm trung tâm của mọi hoạt động

Để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, công chức, viên chức người lao động, mỗi cán bộ Công đoàn lấy đoàn viên làm trung tâm của mọi hoạt động. Từ đó, tạo được uy tín của tổ chức Công đoàn cũng như tạo niềm tin, yêu của người lao động với tổ chức Công đoàn.

Tổ chức nhiều hoạt động hướng về đoàn viên, người lao động

Tại chương trình kỷ niệm 95 năm thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7/2024) do Liên đoàn lao động (LĐLĐ) TP Hà Nội tổ chức ngày 18/7, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Thương mại Quốc tế và Dịch vụ Siêu thị Big C Thăng Long Nguyễn Văn Bảy đã trao đổi kinh nghiệm, bí quyết để đoàn viên, người lao động thêm tin, yêu vào tổ chức Công đoàn. Trước hết đó là phải bắt đầu từ sự quan tâm của Công đoàn cơ sở - nơi gần nhất với đoàn viên, người lao động. Từ Công đoàn cơ sở đến các cấp Công đoàn đều cần tổ chức nhiều hoạt động hướng về đoàn viên, người lao động, từ đó người lao động nhận thấy những lợi ích thiết thực và tích cực tham gia, tin yêu tổ chức Công đoàn.

Nguyên Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Nguyễn Thị Thanh Hà chia sẻ kinh nghiệm hoạt động Công đoàn tại buổi giao lưu

Nguyên Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Nguyễn Thị Thanh Hà chia sẻ kinh nghiệm hoạt động Công đoàn tại buổi giao lưu

Theo anh Nguyễn Văn Bảy, những năm gần đây, LĐLĐ TP Hà Nội, Công đoàn cấp trên cơ sở đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động. Đáng chú ý, trong đại dịch Covid-19 vai trò của tổ chức Công đoàn, trong đó có Công đoàn Công ty đã được thể hiện đậm nét trong việc khoanh vùng, hỗ trợ, thăm hỏi, tặng quà cho đoàn viên, người lao động, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn, hoàn cảnh chính sách…

Còn với Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thị Thanh, kinh nghiệm để tổ chức Công đoàn thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ - nhất là chức năng đại diện, chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động chính là bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của Công đoàn cấp trên cũng như sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cùng cấp; phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể cùng cấp trong tổ chức triển khai các hoạt động. Cùng đó, tổ chức Công đoàn phải phát huy trí tuệ, tinh thần dân chủ trong triển khai các hoạt động.

"Quan trọng nhất là Công đoàn cấp trên cơ sở phải hướng về cơ sở, lấy đoàn viên, người lao động làm trung tâm của mọi hoạt động. Bởi Công đoàn cơ sở là nơi gần với đoàn viên nhất, nơi nắm rõ được tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của đoàn viên, người lao động, qua đó mới có thể chăm lo tốt được cho họ" - Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng bày tỏ.

Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh phát biểu tại chương trình ngày 18/7

Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh phát biểu tại chương trình ngày 18/7

Đội ngũ cán bộ là nền tảng tạo nên sức mạnh của tổ chức Công đoàn

Với thời gian 10 năm từng là Phó Chủ tịch LĐLĐ TP (2003 - 2013), bà Nguyễn Thị Thanh Hà cho biết, điều bà tâm đắc nhất để làm nên chất lượng hoạt động của Công đoàn các cấp chính là xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn. Đây là cơ sở, nền tảng tạo nên sức mạnh của tổ chức Công đoàn.

"Thấu hiểu điều đó, Công đoàn Thủ đô đã đầu tư rất đáng kể cho hoạt động này, từ việc tổ chức các lớp đào tạo, hướng dẫn, chia sẻ các kỹ năng để cán bộ Công đoàn triển khai nhiệm vụ tự tin, đạt hiệu quả cao" - nguyên Phó Chủ tịch LĐLĐ TP cho biết.

Theo đó, để hướng dẫn kỹ năng cho cán bộ Công đoàn, LĐLĐ TP đã biên soạn cẩm nang với những việc cần làm, cần triển khai để cán bộ Công đoàn cơ sở dễ dàng tra cứu bởi họ phần lớn kiêm nhiệm nên không thể nhớ hết các công việc. Với cán bộ Công đoàn cấp trên cơ sở thì được hướng dẫn các kỹ năng cần thiết như: kỹ năng soạn thảo văn bản tham mưu; kỹ năng dẫn chương trình, tổ chức sự kiện; kỹ năng khi đi làm việc với các doanh nghiệp cơ sở….

"LĐLĐ TP Hà Nội bám sát hoạt động các quận, huyện, ngành; các quận, huyện, ngành bám sát các Công đoàn cơ sở. Theo đó cùng làm, cùng tháo gỡ, vượt khó, cứ vậy tạo thành sức mạnh nội sinh của tổ chức Công đoàn” - bà Nguyễn Thị Thanh Hà chia sẻ.

Đại diện tổ chức Công đoàn TP Hà Nội thăm hỏi gia đình công nhân là nạn nhân vụ cháy ở Thanh Xuân năm 2023

Đại diện tổ chức Công đoàn TP Hà Nội thăm hỏi gia đình công nhân là nạn nhân vụ cháy ở Thanh Xuân năm 2023

Bên cạnh đó, Công đoàn cũng tổ chức các hoạt động bảo vệ, chăm lo cho công nhân viên chức lao động, đặc biệt là người yếu thế như: phối hợp với chuyên môn xây dựng chính sách chăm lo; có Trung tâm tư vấn pháp luật hỗ trợ người lao động; có Quỹ trợ vốn hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động vay phát triển kinh tế; “Mái ấm Công đoàn” trao hỗ trợ cho những người có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở; chuyến xe đưa công nhân lao động về quê ăn Tết… Những hoạt động đó được làm ở tất cả các cấp Công đoàn, giúp lan tỏa cộng đồng, uy tín tổ chức Công đoàn được nâng cao. Đồng thời, góp phần làm tốt hơn công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở.

Theo Nguyên Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội, trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh những thuận lợi cũng có nhiều khó khăn, thách thức đối với tổ chức Công đoàn, mỗi người bước vào làm công tác Công đoàn đều hội tụ các yếu tố: là người được tin tưởng, có uy tín, tố chất phù hợp, đặc biệt quan trọng nhất là phải yêu tổ chức Công đoàn.

Người cán bộ Công đoàn yêu công việc mà bản thân đang đảm nhận, có tấm lòng chia sẻ với mọi người, khi đó họ sẽ có thêm năng lượng; sẽ chủ động học hỏi, tìm những cách thức làm việc để làm sao triển khai công việc đạt hiệu quả nhất. Như vậy mới có thể trở thành người cán bộ Công đoàn giỏi.

Trong khuôn khổ chương trình kỷ niệm 95 năm thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7/2024) do LĐLĐ TP Hà Nội tổ chức, đã có 95 Chủ tịch Công đoàn cơ sở xuất sắc tiêu biểu đại diện cho trên 9.000 Chủ tịch Công đoàn cơ sở được các cấp Công đoàn, đoàn viên, người lao động lựa chọn, tuyên dương.

Theo Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh, họ là "những tấm gương sáng, thể hiện tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh, trí tuệ của các thế hệ cán bộ Công đoàn Việt Nam; có nhiều sáng tạo và sự trưởng thành vượt bậc trong công tác chuyên môn và hoạt động công đoàn tại cơ sở, có nhiều giải pháp, cách làm hiệu quả - nhất là phát huy vai trò đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; nỗ lực phấn đấu xây dựng tổ chức Công đoàn ngày càng vững mạnh, đồng hành cùng đội ngũ công nhân, nông dân, trí thức, doanh nhân và toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa".

Vân Hà - Ảnh: Phạm Hùng

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/lay-doan-vien-nguoi-lao-dong-lam-trung-tam-cua-moi-hoat-dong.html