Lấy lại vị thế 'Hòn Ngọc Viễn Ðông', cách nào?

Từng được ví là 'Hòn ngọc Viễn Ðông' tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, sau bao nhiêu năm phát triển, TPHCM vẫn tụt lại và đang đứng trước khá nhiều thách thức, trong đó nổi lên là tình trạng hạ tầng phát triển không đồng bộ, tình trạng quá tải cả về phương tiện và con người... là những điểm 'tắc nghẽn' cần lời giải.

Người dân vui chơi trên khu phố đi bộ Nguyễn Huệ tại trung tâm TPHCM. Ảnh: Huy Thịnh.

Người dân vui chơi trên khu phố đi bộ Nguyễn Huệ tại trung tâm TPHCM. Ảnh: Huy Thịnh.

Góc nhìn nhiều chiều từ các chuyên gia với Tiền Phong nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng miền Nam, góp phần xây dựng TPHCM trở thành một đô thị văn minh, đáng sống, xứng tầm danh xưng “Hòn ngọc Viễn Ðông” một thời.

TS Võ Kim Cương, nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM:

Thành phố đang đi đúng hướng

TPHCM có điều kiện phát triển nhưng phải gánh nhiệm vụ chung của cả nước. Ðây là việc cần thiết và vẻ vang của nhân dân thành phố. Nếu coi Thành phố là một doanh nghiệp thì thường trên 80% lợi nhuận được nộp vào công quỹ dẫn đến ngân sách thành phố eo hẹp. Vì thế, Ðảng bộ TPHCM đã đưa ra nhiều giải pháp, đáng chú ý là bảy chương trình đột phá như: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Cải cách hành chính, Nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh, Giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, Giảm ngập, Giảm ô nhiễm môi trường và Chỉnh trang phát triển đô thị.

Bảy chương trình đột phá này không những phù hợp với nhu cầu bức xúc hiện nay của thành phố mà còn phù hợp với nguyên lý về nhiệm vụ chức năng cơ bản của nhà nước trong nền kinh tế thị trường là huy động nguồn lực, đảm bảo cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho các thị trường và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, điều tôi lo lắng hiện nay là về việc triển khai thực hiện các chương trình này.

Chương trình, dự án phải có mục tiêu, có giải pháp, có kế hoạch tổ chức thực hiện, có kế hoạch kinh phí, có vòng đời, có tiêu chí đánh giá. Trong khi nguồn tài chính có hạn, phải qua phân tích kinh tế - kỹ thuật mới có quyết định đầu tư hiệu quả nhất. Vì thế, trong bảy chương trình nêu trên phải có thứ tự ưu tiên. Ngoài ra, nhiều việc nếu không có sự hỗ trợ từ Trung ương khó thành công. Ví dụ cải cách hành chính phụ thuộc vào hệ thống pháp luật, không đổi mới từ pháp luật khó có kết quả tốt.

Tôi nghĩ hiện nay TPHCM đã đi đúng hướng, khi vừa tăng cường cải thiện các chỉ số cạnh tranh vừa thực hiện các chương trình đột phá để khai thác tiềm năng và thế mạnh của mình. Vấn đề chỉ còn là phương pháp và bước đi cụ thể như nói ở trên.

Nói đến những giải pháp, cách thức và lối tư duy để xây dựng bộ máy quản lý, tôi rất tâm đắc hai bài học liên quan đến tổ chức bộ máy chính quyền của Singapore.

Một là công thức MPH để xây dựng và đánh giá một bộ máy chính quyền. M - Meritocracy (trọng hiền tài), P - Pragmatism (tư duy thực tế), H - Honesty (trung thực). Dễ thấy ngược với trọng hiền tài là dùng người theo lợi ích nhóm, bình quân chủ nghĩa; ngược với tư duy thực tế là máy móc, bảo thủ, giáo điều; ngược với trung thực là bệnh thành tích, hình thức, dối trá. Người ta cũng đã xây dựng các chỉ số cụ thể của công thức này. Chính quyền mạnh khi có MPH cao.

Hai là công thức “4 không” để chống tham nhũng: Không ham, không cần, không thể, không dám. Giáo dục công dân để không ham của bất chính; Ðãi ngộ thỏa đáng để công chức không cần tham nhũng; Pháp luật chặt chẽ để muốn tham cũng không thể và chế tài đủ nặng để không dám tham nhũng.

Khi đã có bộ máy quản lý mạnh thì việc tìm ra các giải pháp để huy động nguồn lực và phát triển cụ thể không còn khó nữa.

Bà Trần Thị Hồng Liên, Giảng viên khoa Quản trị Kinh doanh – Trường Ðại học Kinh tế - Luật, Ðại học Quốc gia TPHCM:

Mục tiêu của TPHCM phải là trung tâm khu vực

TPHCM đang là đầu tàu kinh tế - xã hội của cả nước xét về hầu hết những khía cạnh quan trọng nhất như thu chi ngân sách, thu nhập bình quân, các ngành quan trọng, giáo dục-đào tạo, khoa học công nghệ và liên kết kinh tế vùng… vì thế chắc chắn phải hướng tới một mục tiêu xa hơn, đó là trở thành trung tâm của khu vực. Muốn vươn tới mục tiêu đó, điều cốt lõi thành phố phải là một xã hội “đa văn hóa” nơi mọi sắc tộc, ngôn ngữ, tôn giáo đều tìm được sự tôn trọng và cùng tồn tại trong một nền tảng thống nhất là ngôn ngữ chính thức và luật pháp.

Nhìn lại những trung tâm đáng sống của thế giới đều phải là những vùng đất đa văn hóa. Ðến London, New York, Sydney có thể gặp người từ mọi màu da, ngôn ngữ, nhưng tất cả đều có thể giao tiếp bằng tiếng Anh nhưng khi về nhà họ được sống với văn hóa riêng của người Ấn, người Hoa, người Mễ... Người ta tìm đến một vùng đất đáng sống là nơi họ có thể sống như cách mình muốn.

Thực tế cho thấy, TPHCM có nhiều điểm thu hút người dân đến lập nghiệp như nền văn hóa đa dạng và tôn trọng sự khác biệt, dân số đông, người dân luôn khát khao làm giàu và dám chấp nhận thử thách, thời tiết khá ổn định. Thành phố cũng có nhiều tiện ích của một nơi “đáng sống” như y tế chất lượng cao, giáo dục phổ thông quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài tốt, dễ tìm kiếm việc làm. Có thể nói, TPHCM là “miền đất hứa”, nơi tìm kiếm cơ hội cho bao lớp người trẻ tuổi Việt Nam.

Tắc đường, kẹt xe vẫn đang là nỗi ám ảnh lớn của người dân TPHCM. Ảnh: Huy Thịnh.

Tắc đường, kẹt xe vẫn đang là nỗi ám ảnh lớn của người dân TPHCM. Ảnh: Huy Thịnh.

Ðiểm gây “tắc nghẽn” nhất hiện nay của thành phố là giao thông đông đúc, nhất là khu vực các quận trung tâm. Tuy nhiên, điều này không có gì ngạc nhiên vì giao thông luôn là vấn đề của những thành phố lớn. Kẹt xe, tắc đường, bãi đậu xe thì tôi lái xe ở Toronto, Montreal (Canada), New York, Washington, Philadelphia, Boston (Mỹ), Sydney, Melbourne (Úc) đều gặp tình trạng khó khăn tương tự. Ngay như một thành phố nhỏ là Perth (Úc) thì vào những giờ cao điểm trong ngày người dân vẫn phải chấp nhận ùn tắc giao thông cho dù vào những thời điểm khác đường sá quá thông thoáng.

Ở TPHCM, giờ đây nếu đi bộ dọc các con phố trung tâm, du khách sẽ có cảm giác thư thái, thanh bình như khi họ đi bộ ở London, Paris, Berlin hay các phố phường châu Âu, Bắc Mỹ khác, vì đường sá sạch đẹp, cây cối xanh tươi mát mẻ, đèn hiệu và lối đi an toàn cho người đi bộ... TPHCM lại có sắc màu sinh động của một thành phố châu Á, nhộn nhịp 24/7, hấp dẫn cả khách Á và Âu. Vì thế theo tôi, nếu thành phố đẩy nhanh phát triển hệ thống tàu điện ngầm để sớm đưa vào vận hành thì bộ mặt giao thông sẽ thay đổi căn bản khu vực nội thành, kết hợp với hệ thống giao thông vành đai tốc độ cao hiện có sẽ đẩy nhanh tốc độ lưu thông.

TS Lê Bá Chí Nhân, chuyên gia kinh tế:

Ðỏ chưa chắc đã chín, chậm chưa chắc đã trễ

Muốn TPHCM trở thành một “Singapore” hay là một “Hòn ngọc Viễn Ðông”, thành phố văn minh, đáng sống… đưa ra ý tưởng là một việc, làm lại là chuyện khác. Quan trọng nhất là phải xây dựng kế hoạch và lộ trình đúng và phù hợp. Nếu đưa ra sai thì không thể kỳ vọng phát triển đúng.

Không thể nói vỉa hè sạch đẹp thông thoáng là sẽ trở thành Singapore hay giống Singapore ngay được; cái quan trọng phải là thu nhập và mức sống của người dân trên địa bàn có tăng hay không, có đáng sống hay không. Ðiều này chỉ có thể nói được khi cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính, nguồn nhân lực của thành phố đều ổn định, hợp lý và bền vững.

Cũng không thể làm theo cảm tính của mỗi nhiệm kỳ lãnh đạo. Nhiệm kỳ lãnh đạo của chúng ta rất ngắn, chỉ có 5 năm thôi, nếu nhiệm kỳ này vạch ra kế hoạch không đúng, lớp lãnh đạo kế nhiệm cho lạc hậu, phá đi làm lại, cuối cùng cứ thế, hết mỗi nhiệm kỳ thì tất cả vẫn chỉ nằm ở bước khởi đầu.

Lãnh đạo thành phố cũng phải biết lắng nghe, phải mời các chuyên gia nổi tiếng, có kinh nghiệm, những người sống lâu năm ở nước ngoài góp ý, định hướng để mình xây dựng giải pháp kế hoạch chỉnh chu, rồi mới lấy ý kiến để xây dựng. Tôi nói thế là bởi, muốn văn minh, cách nhanh nhất cần có trải nghiệm từ nước ngoài, nơi có nền kinh tế văn hóa văn minh phát triển, để có thể áp dụng được một phần những gì đất nước bạn đang có, đang làm. Chứ không phải anh điều hành giỏi thì anh sẽ xây dựng đúng, cách nghĩ này hoàn toàn sai. Vì anh có thể giỏi điều hành nhưng anh không có trải nghiệm thực tế.

Sau khi đã có kế hoạch, cần phải đặt ra lộ trình, cần làm thế nào để giảm thiểu thời gian thực hiện.

Tôi lấy ví dụ, trước đây việc giải quyết các thủ tục hải quan, thuế ở Việt Nam phải mất 10, 15 ngày. Bây giờ hải quan điện tử đỡ được rất nhiều thời gian cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tổng kết thời gian đi đóng thuế so với thế giới gấp mười mấy lần, đi lại nhiều lần mà có khi còn không đóng được, như vậy rõ ràng là bất cập. Thế nhưng, để có được hệ thống thuế, hải quan điện tử như bây giờ, thành phố cũng mất quá nhiều công sức và thời gian mới xây dựng được.

Ngoài ra, khi xây dựng một kịch bản, phải tính đến cái vĩ mô, chứ không thể chột giựt, chắp vá. Ở các nước phát triển họ xây dựng một dự án, hay một con đường, họ đã tính toán đến mấy chục năm sau, con người phát triển thì con đường đó, công trình đó vẫn đáp ứng được, vẫn hợp lý cả về mặt mỹ thuật và kỹ thuật. Ðằng này ở mình toàn xây dựng theo kiểu chạy theo, chắp vá, phát triển đến đâu sửa đổi đến đó nên đáp ứng không kịp dẫn đến nhiều hệ lụy khác, lại lo chạy theo khắc phục giải quyết. Ðiển hình như chuyện ngập lụt...

Khi cơ sở hạ tầng tốt thì kinh tế mới phát triển, không chỉ kinh tế trong nước mà cả hội nhập nước ngoài. Hạ tầng tốt thì doanh nghiệp nước ngoài mới dám đầu tư. Giờ chúng ta chỉ mới ở trong cái ao thì dòng tiền cũng chỉ quẩn quanh trong cái ao thôi, chưa có dòng máy hay luồng tiền nào bên ngoài đổ vào. Muốn thu hút đầu tư cần 3 yếu tố vững chắc là cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính và con người, tức là nguồn nhân lực.

Tại sao vừa rồi Công ty Samsung Việt Nam đưa ra tổng kết thị trường lao động chúng ta quá nhiều thầy và gần như không có người thợ nào được đào tạo bài bản. Ðây là hệ lụy từ việc đào tạo nguồn nhân lực theo cảm tính, thiếu định hướng nghề nghiệp và thiếu chiến lược dài hạn…Trong khi cử nhân ra trường thất nghiệp, nhưng doanh nghiệp họ không thể tuyển cử nhân vào vặn ốc vít được.

Ðáng ra về việc này thành phố cần có lộ trình, tính toán cụ thể. Ví dụ đến năm 2030 cơ sở hạ tầng thế nào, cơ chế chính sách ra sao và thu hút được những tập đoàn thuộc lĩnh vực nào đầu tư xây dựng, từ đó có định hướng đào tạo nhân lực đáp ứng phù hợp.

Thực tế, để xây dựng được một thành phố như Singapore là khó, nhưng khó không có nghĩa là không làm được. "Ðỏ chưa chắc đã chín, chậm chưa chắc đã trễ", cần nỗ lực từ nhiều phía, từ cơ chế của Chính phủ, từ lãnh đạo địa phương đủ tâm và tầm, cũng cần có sự chung tay từ mỗi ý thức của người dân.

TS Vũ Thành Tự Anh- Giám đốc Nghiên cứu, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright:

Phải tháo “nút thắt của mọi nút thắt”

TPHCM đang tụt lại ngày càng xa so với các thành phố cạnh tranh trong khu vực. Theo nhiều báo cáo, chẳng hạn như của EIU về năng lực cạnh tranh, của Mercer về chất lượng sống, hay của A.T. Kerney về tính toàn cầu của các thành phố, thì TPHCM đều đứng ở nhóm cuối bảng, thua ngay những thành phố láng giềng như Manila, Jakarta, Bangkok, Thượng Hải.

Nguyên nhân của tình trạng này rất nhiều, song tựu trung lại có mấy nút thắt cơ bản: Thứ nhất, bất cập trong quy hoạch và quản lý một “siêu đô thị”. Thứ hai, cơ sở hạ tầng của thành phố đang ngày một quá tải và xuống cấp. Thứ ba, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Thứ tư, thiếu hụt nghiêm trọng nguồn lực tài chính phục vụ phát triển. Thứ năm, chưa chủ động và hiệu quả trong việc thúc đẩy liên kết với vùng Ðông và Tây Nam bộ để tạo ra sức mạnh cộng hưởng cho toàn vùng. Và cuối cùng, có thể nói bất cập về thể chế chính là “nút thắt của mọi nút thắt” cho sự phát triển. Ðể bứt phá, TPHCM không thể không tháo gỡ các nút thắt này để giải phóng tiềm năng phát triển của mình.

Tôi nghĩ, 7 chương trình đột phá của thành phố nhìn chung đều phản ánh đúng ưu tiên của thành phố và nếu triển khai tốt sẽ giúp khắc phục những nút thắt phát triển tôi vừa trình bày ở trên. Tuy nhiên, cần lưu ý là những chương trình này đều không mới, đều đã được cảnh báo và thảo luận từ lâu. Vấn đề bây giờ không chỉ là nói nữa, mà quan trọng nhất là làm, và khi ấy cần trả lời các câu hỏi cụ thể như làm như thế nào? Ai làm? Nguồn lực đến từ đâu?

Ðể TPHCM thành nơi đáng sống, theo tôi nút thắt của những nút thắt phát triển của thành phố là thể chế. Nhìn lại bốn thập niên vừa qua, TPHCM có được vị thế dẫn đầu cả nước chính là nhờ thành phố luôn đi đầu trong cải cách thể chế - từ “xé rào” vào kinh tế thị trường, cho đến hình thành khu chế xuất hay thí điểm “một cửa - một dấu” đầu tiên của cả nước.

Thế nhưng đã từ khá lâu, ở thành phố không còn thấy bóng dáng của những thể chế tiên phong, mở đường cho phát triển doanh nghiệp và phúc lợi của người dân. Mặc dù là nơi hội tụ phân nửa số doanh nghiệp của cả nước, song phải đến năm 2014 TPHCM mới gia nhập nhóm các địa phương có chỉ số PCI thuộc loại “rất tốt”. Về thể chế liên quan đến quan hệ với người dân, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) của thành phố năm 2016 thậm chí còn thấp hơn năm 2011.

Rõ ràng là TPHCM chỉ có thể đột phá được nếu như Trung ương cho phép thử nghiệm cải cách thể chế. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp Trung ương chưa đồng ý cho phép thử nghiệm các thể chế mới thì thành phố vẫn phải tận dụng triệt để dư địa chính sách mà thành phố chưa khai thác hết.

Thực tế cho thấy, TPHCM có nhiều điểm thu hút người dân đến lập nghiệp như nền văn hóa đa dạng và tôn trọng sự khác biệt, dân số đông, người dân luôn khát khao làm giàu và dám chấp nhận thử thách, thời tiết khá ổn định.

Nghiên cứu sinh Trần Thị Hồng Liên

Nhìn lại bốn thập niên vừa qua, TPHCM có được vị thế dẫn đầu cả nước chính là nhờ thành phố luôn đi đầu trong cải cách thể chế - từ “xé rào” vào kinh tế thị trường, cho đến hình thành khu chế xuất hay thí điểm “một cửa - một dấu” đầu tiên của cả nước. Thế nhưng đã từ khá lâu, ở thành phố không còn thấy bóng dáng của những thể chế tiên phong, mở đường cho phát triển doanh nghiệp và phúc lợi của người dân.

TS Vũ Thành Tự Anh

Ngọc Lâm (thực hiện)

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/xa-hoi/lay-lai-vi-the-hon-ngoc-vien-%c3%b0ong-cach-nao-1144739.tpo