'Lay lắt' chợ vùng biên

Theo nhận định của chính quyền địa phương, đa số các chợ không có tiềm năng để đầu tư khôi phục.

Một số chợ vùng biên giới hiện đang trong tình trạng hoạt động không hiệu quả, vắng bóng người, cơ sở vật chất dần xuống cấp. Theo nhận định của chính quyền địa phương, đa số các chợ không có tiềm năng để đầu tư khôi phục.

Chợ Hiệp Bình, xã Hòa Thạnh, huyện Châu Thành.

Chợ Hiệp Bình, xã Hòa Thạnh, huyện Châu Thành.

Không hiệu quả, không tiếp tục đầu tư

Chợ Hiệp Bình (ấp Hiệp Bình, xã Hòa Thạnh, huyện Châu Thành) thành lập vào khoảng năm 1999, được đầu tư xây dựng khá bài bản, quy mô, với kết cấu chính là căn nhà lồng kiên cố tại vị trí trung tâm, bên cạnh đó là các dãy nhà ki-ốt nhằm phục vụ nhu cầu kinh doanh và tạm trú của tiểu thương.

Thế nhưng, qua quan sát vào ngày 3.8.2023, chợ Hiệp Bình chỉ còn lại một vài hộ kinh doanh theo kiểu tự phát, mở quán tạp hóa cặp hai bên đường giao thông phía trước chợ. Riêng khu trung tâm chợ, chỉ còn một tiểu thương dựng sạp buôn bán ngay lối vào cửa chính nhà lồng, có cả phòng ở bên trong.

Cơ sở vật chất nhà lồng chợ Hiệp Bình đang xuống cấp, nhiều cỏ dại, rong rêu, rác thải vương vãi. Nhà lồng chợ được dùng làm nơi chất củi, phơi đồ, phòng tạm để người ở, chuồng nuôi gà, chỗ chứa vật dụng sinh hoạt hằng ngày của người dân. Các dãy ki-ốt bên cạnh cũng trong tình trạng tương tự, hầu hết đều đóng cửa.

Ông Phùng Thế Hưởng, một hộ dân ngụ gần chợ Hiệp Bình cho hay, khoảng 6 năm đầu sau khi chợ được thành lập, hoạt động giao thương rất nhộn nhịp giữa người dân Việt Nam và Campuchia. Thời điểm đó, tất cả các ki-ốt đều có người đăng ký ở và kinh doanh mua bán hàng hóa, khu chợ đông vui cả ngày. Về sau, nhất là từ khi đường sá bên phía nước bạn xuống cấp (trục đường chính dẫn đến khu chợ), hoạt động giao thương dần thưa thớt, rồi hoang vắng như hiện nay.

Bà Trần Tuyết Hồng, trước đây là tiểu thương chợ Hiệp Bình, hiện nay ngụ trong một căn ki-ốt tại đây kiến nghị chính quyền địa phương cần tổ chức dọn dẹp, vệ sinh môi trường chợ; đồng thời quan tâm nhắc nhở người dân sinh sống tại chợ và khu vực xung quanh nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Chợ hoạt động không hiệu quả nhưng dẫu sao cũng được xem là công trình “điểm nhấn” của khu dân cư vùng biên, cần phải được giữ gìn vệ sinh sạch sẽ.

Hiện trạng bên trong nhà lồng chợ Hiệp Bình.

Hiện trạng bên trong nhà lồng chợ Hiệp Bình.

Đề cập đến hướng nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất của chợ Hiệp Bình để kêu gọi người dân quay trở lại hoạt động kinh doanh như trước đây, ông Nguyễn Văn Hạt- Chủ tịch UBND xã Hòa Thạnh cho biết, việc này là không khả thi, nếu tiếp tục đầu tư vào đây thì có nguy cơ gây lãng phí.

Theo ông Hạt, trước mắt không có triển vọng để phục hồi lại hoạt động giao thương nhộn nhịp tại chợ Hiệp Bình như khi mới thành lập. Ngoài lý do đường sá bên phía nước bạn xuống cấp làm cho người dân Campuchia ngại đến chợ Hiệp Bình; mặt khác, từ khi cửa khẩu chính Phước Tân được thành lập thì các phương tiện vận chuyển hàng hóa qua biên giới phải lưu thông theo đường chính ngạch, nên số lượng người và phương tiện qua lại khu chợ Hiệp Bình giảm nhiều.

Ấp Hiệp Bình hiện chỉ có khoảng 130 hộ dân với hơn 500 nhân khẩu, dân cư sinh sống không tập trung, rải rác trên địa bàn rộng. Thế nên, trong thời gian tới, UBND xã chỉ tổ chức cho người dọn dẹp, xử lý vệ sinh môi trường tại chợ; đồng thời tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp tại khu vực chợ vùng biên này.

Cũng là chợ vùng biên nhưng chợ Long Phước (ấp Phước Trung, xã Long Phước, huyện Bến Cầu) ngưng hoạt động từ lâu. Ông Nguyễn Thanh Bình- Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, chợ này được xây dựng vào năm 2007, tuy nhiên, do mật độ dân cư tại khu vực lập chợ khá thưa thớt (tại địa phương hiện có khoảng 550 hộ dân, với hơn 2.000 nhân khẩu, phân bố rải rác trên toàn địa bàn), người dân ít có nhu cầu nhóm họp chợ nên chợ chỉ duy trì được khoảng 2 tháng thì bỏ không.

Sau một khoảng thời gian dài chợ hoạt động không hiệu quả, UBND xã Long Phước có báo cáo lên cấp trên. Đến năm 2015, xã Long Phước được công nhận là xã nông thôn mới, bỏ qua tiêu chí về chợ do tình hình thực tế như trên. Hiện nay, người dân xã Long Phước có nhu cầu đi chợ thì đến các hộ bán tạp hóa tại địa phương, chợ tự phát tại ngã ba Long Giang, chợ xã Long Thuận, chợ thị trấn Bến Cầu.

Ông Bình còn cho hay, trước tình hình chợ Long Phước bỏ không nhiều năm, nhằm tránh gây lãng phí quỹ đất công, vào năm 2017, UBND xã đã ký hợp đồng cho HTX Phước Điền thuê mặt bằng làm kho chứa máy móc nông cụ, phân bón. Việc này cũng là nhằm không để người dân nhốt trâu, bò tại chợ gây ô nhiễm môi trường; đồng thời để đơn vị thuê mặt bằng trông coi, duy tu cơ sở vật chất nhà lồng chợ nếu có hư hỏng. Về việc tái đầu tư nâng cấp, sửa chữa, kêu gọi người dân quay lại chợ Long Phước để hoạt động mua bán là không khả thi.

Nên phục hồi

Thêm một chợ vùng biên đã hoàn toàn ngưng hoạt động giao thương từ nhiều năm qua, đó là chợ tại khu dân cư Chàng Riệc (ấp Tân Khai, xã Tân Lập, huyện Tân Biên). Ông Đào Văn Sớt- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho biết, khu dân cư Chàng Riệc được thành lập vào năm 2012, các cơ sở hạ tầng đã được đầu tư xây dựng cơ bản hoàn chỉnh, trong đó có chợ.

Chợ được xây dựng xong, chính quyền địa phương tổ chức sắp xếp đưa tiểu thương vào chợ kinh doanh. Tuy nhiên, sau một khoảng thời gian thì chợ ngưng hoạt động, do thời điểm đó dân cư chưa tập trung tại đây nên ít có nhu cầu giao thương hàng hóa. Một số hộ trong khu dân cư mở quán tạp hóa buôn bán tại nhà để phục vụ nhu cầu tiêu dùng nhỏ lẻ của bà con. Ngoài ra, cách đó khoảng vài ki-lô-mét là ngã tư Chàng Riệc có một số người tổ chức buôn bán hàng hóa kiểu tự phát, do đó ít có người tập trung vào chợ. Lâu dần, chợ trở nên vắng vẻ, hoang hóa, căn nhà lồng chợ được dùng làm nơi chất chứa vật tư nông nghiệp.

Chợ tại khu dân cư Chàng Riệc (ấp Tân Khai, xã Tân Lập, huyện Tân Biên) không còn ai buôn bán, trở thành kho chứa vật tư nông nghiệp.

Chợ tại khu dân cư Chàng Riệc (ấp Tân Khai, xã Tân Lập, huyện Tân Biên) không còn ai buôn bán, trở thành kho chứa vật tư nông nghiệp.

Ông Sớt cho hay, thời gian gần đây, qua tiếp xúc cử tri có một số bà con kiến nghị chính quyền tái sắp xếp lại chợ tại khu dân cư Chàng Riệc, nhằm khôi phục hoạt động giao thương, vì hiện nay dân cư đã sinh sống khá đông, nhu cầu về chợ là tất yếu. UBND xã Tân Lập xác định tiếp tục duy trì và phát triển khu chợ này, góp phần tạo thêm công ăn việc làm và nguồn thu nhập cho người dân địa phương.

Ông Ngô Minh Tùng- Trưởng ấp Tân Khai ủng hộ chủ trương duy trì ngôi chợ tại khu dân cư Chàng Riệc. Vì hiện nay người dân nơi đây chủ yếu đến mua hàng hóa và nhu yếu phẩm tại các hộ bán quán tạp hóa nhỏ lẻ. Theo ông Tùng, một số người dân có nhu cầu quay trở lại chợ để buôn bán đã kiến nghị thiết kế thêm các sạp, ki-ốt, bãi để xe, khu tập kết hàng hóa cho phù hợp với nhu cầu buôn bán.

“Theo tôi, nếu chợ tại khu dân cư Chàng Riệc được tái khởi động một cách bài bản hơn thì rất có thể khu chợ này sẽ xôm tụ trở lại, vì dân cư thường trú tập trung tại ấp Tân Khai hiện nay có khoảng 1.500 nhân khẩu, nếu tính luôn tạm trú là hơn 2.000 nhân khẩu, nhu cầu về chợ là rất có triển vọng”- ông Tùng nhận định.

Đề cập về hướng khôi phục chợ, ông Đào Văn Sớt cho biết, trước mắt tiếp tục thông báo rộng rãi đến người dân có nhu cầu kinh doanh tại chợ đăng ký. Vừa qua, có một số bà con đăng ký vào chợ buôn bán nhưng số lượng chưa nhiều nên xã chưa bố trí được. Khi bảo đảm về số lượng người đăng ký, xã sẽ tổ chức sắp xếp lại mặt bằng chợ, cần thiết sẽ cho đầu tư dựng thêm một số căn ki-ốt và sạp bán kiên cố để tiểu thương được thuận tiện kinh doanh, người đi chợ thoải mái lựa chọn hàng hóa. Xã sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về mặt bằng, các loại phí liên quan, bảo đảm về an ninh trật tự để người dân và tiểu thương an tâm hoạt động giao thương tại chợ khu dân cư Chàng Riệc.

Quốc Sơn - Đại Dương

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/lay-lat-cho-vung-bien-a161916.html