Lay lắt cùng thủy điện

Nhiều dự án thủy điện trên địa bàn huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum) đều 'treo', chưa hẹn ngày tái khởi động, vận hành.

Thủy điện Đăk Mi 1 suốt 10 năm vẫn chưa triển khai tái định canh, định cư khiến người dân phải sống lay lắt tại nơi ở cũ.

Thủy điện Đăk Mi 1 suốt 10 năm vẫn chưa triển khai tái định canh, định cư khiến người dân phải sống lay lắt tại nơi ở cũ.

Huyện biên giới Đăk Glei, tỉnh Kon Tum có 11 dự án thủy điện với tổng công suất hơn 150 MW; trong đó, có 8 dự án đã có chủ trương đầu tư. Tuy nhiên nhiều năm qua, các dự án thủy điện trên đều chậm triển khai, trừ thủy điện Đăk Pru 1 công suất 7 MW đã hoàn thành, khiến chính quyền và người dân nơi đây bức xúc. Người dân và chính quyền địa phương đã kiến nghị nhiều lần nhưng chủ đầu tư vẫn phớt lờ.

10 năm sống tạm bợ

Trong số 11 dự án của huyện Đăk Glei thì Thủy điện Đăk Mi 1 là công trình tai tiếng nhất hiện nay. Công trình do Công ty cổ phần Quang Đức Kon Tum làm chủ đầu tư với tổng công suất 84 MW. Dù là công trình lớn nhất huyện nhưng sau 10 năm triển khai, đến nay, dự án vẫn đang lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật trình Bộ Công Thương và các bộ ngành có liên quan thẩm định. Dự án mới triển khai thi công khu phụ trợ và nhà quản lý vận hành.

Để triển khai dự án, đã có 32 hộ dân ở làng Kon Năng, Bê Rê (trong đó có 15 hộ phải tái định cư thuộc lòng hồ, 7 hộ tách mới và 10 hộ muốn dời nhà theo làng) xã Đăk Choong đã nhường nhà cửa, ruộng vườn cho thủy điện để chờ tái định cư nơi ở mới. Suốt 10 năm qua, 32 hộ dân trên vẫn sống lay lắt tại nơi ở cũ. Nhà cửa xuống cấp, hiểm nguy rình rập mỗi khi mưa bão.

Người dân vẫn cứ đợi chờ, muốn sửa nhà cũng không được với lời hứa chờ công ty san ủi mặt bằng, làm nhà tại nơi ở mới. Nhưng năm này qua năm khác vẫn không thấy mặt bằng đâu - ông Hồ Văn Nại, già làng Kon Năng than thở.

Sau 10 năm bám trụ, nơi ở của 32 hộ dân nơi đây đã xuống cấp nhiều. Nhà tôn, mục nát, chắp vá. Nhà xây nứt, thủng mái, mùa mưa ẩm ướt... khiến cuộc sống thêm vất vả. Không chịu nổi cảnh sống tạm bợ, một số hộ dân đã tự sửa nhà để ở. Công ty hứa và cử người đi đo đếm để hỗ trợ tiền công cho bà con sửa nhà hư hỏng nặng nhưng cũng chẳng thấy đâu - anh A Chép, trưởng thôn Kon Năng giãi bày.

Nhà A Chép xây nhiều năm, chắp vá, nứt nhiều nên đã mua vật liệu, gạch về nhưng cũng chưa dám sửa vì lo công ty không hỗ trợ thì không đủ tiền làm. Bí bách, A Chép phải sửa nhà bằng cách dựng tạm thêm hiên, phòng bằng mái tôn để có chỗ cư ngụ của cả nhà.

Ngoài đất tái định cư, hiện đất sản xuất tái canh cho dân công ty cũng chưa bố trí. Hiện dân Kon Năng vẫn gieo trồng tại rẫy cũ. Sản xuất cầm chừng, trồng cây ngắn ngày. Các loại cây lâu năm đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với tập quán canh tác của dân như bời lời, cà phê người dân cũng không dám trồng...

Trước thực trạng trên, anh A Tương - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Choong kiến nghị, chủ đầu tư dự án sớm bố trí đất ở, đất tái định canh để người dân ổn định cuộc sống. Những năm qua, huyện đã nhiều lần trao đổi trực tiếp và kiến nghị với Sở Công Thương trao đổi với Công ty cổ phần quang Đức Kon Tum về tình hình triển khai dự án và việc tái định cư cho 32 hộ dân nhưng việc liên hệ với đơn vị rất khó khăn.

Do chủ đầu tư bất hợp tác, ngày 5/7/2019, UBND huyện Đăk Glei tiếp tục có Văn bản số 884/UBND-CV đề nghị UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo Công ty cổ phần Quang Đức Kon Tum khẩn trương hoàn thành tái định cư cho 32 hộ dân, xử lý dứt điểm những tồn tại trong bồi thường, hỗ trợ dân và đẩy nhanh hoàn thành dự án thủy điện Đăk Mi 1 (và Đăk Mi 1A, công suất 11 MW - cùng chủ đầu tư) để sớm ổn định đời sống và niềm tin cho người dân trong vùng dự án yên tâm.

Lay lắt kéo… dài

Theo ông Lê Như Nhất - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kon Tum, Thủy điện Đăk Mi 1 ban đầu có công suất 49 MW, sau nâng lên thành 84 MW nên việc thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế cơ sở, hồ sơ kỹ thuật, báo cáo đánh giá tác động môi trường… liên quan đến nhiều bộ ngành nên thời gian thực hiện kéo dài. Hiện dự án đã được Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) thẩm định thiết kế cơ sở và kết luận thiết kế cơ sở đủ để trình phê duyệt, triển khai các bước tiếp theo…

Tuy nhiên, ngoài Đăk Mi 1, hiện tại (trừ thủy điện Đăk Pru 1 công suất 7 MW đã hoàn thành) tất cả các dự án thủy điện trên địa bàn huyện Đăk Glei đều “treo” chưa hẹn ngày tái khởi động, vận hành.

Cụ thể, Thủy điện Đăk Mek 3 (đã thi công được gần 80%) của Công ty cổ phần thủy điện Hồng Phát - Đăk Mek, sau sự cố vỡ đập dẫn đến chết người (năm 2012), đến nay vẫn bỏ hoang. Hiện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum và chủ đầu tư đã thống nhất đưa ra phát mãi, xử lý tài sản nhà máy để trả nợ.

Thế nhưng, dù đã ra thông báo đấu giá 14 lần nhưng đến nay dự án vẫn chưa chọn được nhà đầu tư mới. Hiện dự án bỏ hoang, vật tư, thiết bị hen rỉ. Cả trăm tỷ đồng đầu tư vào dự án đang có nguy cơ mất trắng.

Cùng đó, Thủy điện Đăk Brot công suất 2 MW cũng rơi vào tình trạng thi công kéo dài. Chủ đầu tư để xảy ra việc khai thác vàng trái phép, lặp lại nhiều lần, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, gây mất an ninh trật tự, tạo dư luận xấu trong dân...

Thủy điện Đăk Ruồi 2, 3 với tổng công suất 17 MW, do Công ty cổ phần thủy điện VRG Ngọc Linh thực hiện chậm triển khai dù Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum đã phải chấp thuận giãn tiến độ thực hiện từ năm 2011 đến tháng 12/2021 đưa dự án vào hoạt động.

Các công trình thủy điện khác như Đăk Krin, Đăk Pru 3… cũng đang tạm dừng thi công, chưa hẹn ngày khởi động.

Thủy điện Đăk Mek 3 bỏ hoang suốt 7 năm qua sau sự cố vỡ đập.

Thủy điện Đăk Mek 3 bỏ hoang suốt 7 năm qua sau sự cố vỡ đập.

Một trong những lý do khiến các nhà đầu tư không mặn mà với thủy điện vì huyện Đăk Glei chưa có hệ thống lưới điện đường dây và trạm biến áp 110 kV để phục vụ đấu nối điện từ các nhà máy thủy điện vào hệ thống truyền tải quốc gia khi hoàn thành. Theo quy hoạch phát triển điện lực Kon Tum, huyện Đăk Glei sẽ có lưới điện và trạm biến áp 220 kV (trước năm 2020) nhưng đến nay dự án vẫn chưa triển khai.

Theo ông Nguyễn Kim Chiến - Giám đốc Công ty điện lực Kon Tum, việc đầu tư (theo quy hoạch) là có nhưng ai có quyền lợi phải làm. Giờ đường dây phụ tải cấp điện cho huyện Đăk Glei đã có, dùng điện của nhà máy Đăk Pru 1 công suất 7 MW. Việc đầu tư đường truyền tải và trạm 110 kV (hay 220 kV) để hòa lưới điện cho các nhà máy cần phải có người làm đầu mối kết nối các nhà đầu tư liên kết cùng làm. Hiện các dự án tại Đăk Glei toàn nhỏ lẻ, làm đường truyền và trạm 110 kV sẽ không hiệu quả bởi chi phí khoảng 200 tỷ đồng. Bài toán cho các dự án thủy điện ở huyện Đăk Glei vẫn chưa có lời giải.

Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh Kon Tum khóa XI (nhiệm kỳ 2016-2021) vừa tổ chức mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Nguyễn Văn Hùng đã nhấn mạnh: "Kon Tum cần phải vào cuộc. UBND tỉnh và các sở, ngành trong tỉnh mời tất cả những đơn vị có công trình thủy điện chưa triển khai trên địa bàn huyện Đăk Glei và toàn tỉnh họp thống nhất làm đường dây tải điện kết nối, nếu không thì dừng, thu hồi dự án và tìm kiếm nhà đầu tư khác có năng lực thực hiện cả cụm công trình, cả đường dây tải điện; trong đó, cam kết bồi thường, giải phóng mặt bằng là giải pháp quan trọng".

Bài và ảnh: Cao Nguyên (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te/lay-lat-cung-thuy-dien-20190722170530297.htm