Lấy mẫu kiểm nghiệm thực phẩm: Kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm
Hiện nay, các địa phương chủ yếu vẫn kiểm nghiệm thực phẩm bằng phương pháp xét nghiệm nhanh trong khi lấy mẫu xét nghiệm labo còn hạn chế, việc kiểm tra nhanh cũng chỉ thể hiện được một số chỉ tiêu chủ yếu.
Vừa qua, triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024, các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác lấy mẫu kiểm nghiệm để đánh giá chất lượng thực phẩm. Qua đó, kịp thời phát hiện vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật và chấn chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố.
Vẫn có mẫu vi phạm an toàn thực phẩm
Thanh Oai là huyện có tốc độ phát triển các ngành nghề chế biến thực phẩm nhanh, chủ yếu là miến, giò, chả, bún bánh… Triển khai Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm năm 2024, ngoài việc thành lập những đoàn kiểm tra, giám sát cơ sở sản xuất, kinh doanh, Thanh Oai tập trung chỉ đạo lấy mẫu kiểm nghiệm thực phẩm.
Trưởng phòng Y tế huyện Thanh Oai Lê Văn Bắc cho biết, thực hiện Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, các ngành chức năng của huyện tăng cường lấy mẫu xét nghiệm đánh giá bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó, tuyến huyện đã xét nghiệm 198 mẫu bao gồm test nhanh 93 mẫu, kết quả 88/93 mẫu đạt và 5 mẫu không đạt.
Cùng với đó, huyện phối hợp với Trung tâm phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội lấy xét nghiệm 105 mẫu thực phẩm, kết quả 100% mẫu đạt yêu cầu.
Đối với tuyến xã, đã xét nghiệm 560 mẫu test nhanh, trong đó có 548/560 mẫu đạt (chiếm 97,8%) còn 12 mẫu không đạt là test nhanh độ sạch tinh bột trên các mẫu khay ăn, bát, thìa tại cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.
Tương tự, tại huyện Quốc Oai, công tác lấy mẫu kiểm nghiệm thực phẩm cũng được thực hiện dù số lượng mẫu còn rất khiêm tốn. Trong tổng số 17 mẫu được phân tích, đánh giá chất lượng, cơ quan chức năng xác định có 2 mẫu không đạt chỉ tiêu theo quy định về an toàn thực phẩm khi xét nghiệm nhanh…
Như vậy, khi tiến hành xét nghiệm nhanh, nhiều mẫu thực phẩm chưa đáp ứng chỉ tiêu hóa lý, vi sinh, cho thấy chất lượng thực phẩm cung ứng ra thị trường vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Hiện nay, việc lấy mẫu kiểm nghiệm ở các địa phương vẫn tập trung xét nghiệm nhanh trong khi việc lấy mẫu xét nghiệm labo còn hạn chế, việc kiểm tra nhanh cũng chỉ thể hiện được một số chỉ tiêu chủ yếu. Ngoài ra, việc lấy mẫu kiểm nghiệm còn khó khăn do các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình, rất khó kiểm soát. Chủ cơ sở ít quan tâm đến quy định an toàn thực phẩm, khi bị kiểm tra, xử lý thì không hợp tác, tìm mọi cách tránh né, thậm chí đóng cửa, không tiếp đoàn kiểm tra, không chấp hành quyết định xử phạt.
Tiếp tục lấy mẫu đánh giá nguy cơ mất an toàn thực phẩm
Để kịp thời phát hiện vi phạm về an toàn thực phẩm thông qua lấy mẫu, giám sát chất lượng thực phẩm trên thị trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho biết, huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, phổ biến quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành các quy định của nhà nước về bảo đảm an toàn thực phẩm của toàn xã hội; duy trì kiểm tra các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến kinh doanh thực phẩm thông qua việc lấy mẫu nhằm kịp thời phát hiện vi phạm, xử lý trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Còn theo bà Bùi Thị Lan Phương, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, thời gian tới, quận tăng cường triển khai công tác kiểm tra, giám sát, hậu kiểm đối với triển khai công tác an toàn thực phẩm cấp phường; các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố. Trong đó, tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng cung cấp lượng lớn, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm, công khai vi phạm về an toàn thực phẩm theo quy định.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết, trong quá trình kiểm tra, đánh giá kết quả triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 tại các địa phương, Đoàn liên ngành số 2 thành phố Hà Nội đã thực hiện nghiêm túc. Nhiều cơ sở vi phạm đã bị đoàn lập biên bản, giao lại cho chính quyền địa phương, đề nghị xử phạt hành chính.
Không chỉ trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm mà từ nay đến cuối năm 2024, để kiểm soát chất lượng thực phẩm từ sản xuất tới sơ chế, chế biến, tiêu thụ trên thị trường, các địa phương cần tiếp tục làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền kết hợp kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh; cần tăng cường lấy mẫu kiểm nghiệm, đánh giá sớm nguy cơ mất an toàn thực phẩm; thu hồi, tiêu hủy sản phẩm không đạt tiêu chuẩn, kiên quyết xử lý nghiêm trường hợp vi phạm...