Lấy mục tiêu làm động lực

PTĐT - Khi bắt đầu triển khai thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững (GNBV) giai đoạn 2016-2020, huyện Thanh Sơn ...

Được hỗ trợ từ chương trình GNBV, gia đình anh Tạ Văn Tuyến ở xã Thạch Khoán đã đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Được hỗ trợ từ chương trình GNBV, gia đình anh Tạ Văn Tuyến ở xã Thạch Khoán đã đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

PTĐT - Khi bắt đầu triển khai thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững (GNBV) giai đoạn 2016-2020, huyện Thanh Sơn có tới 18,33% hộ nghèo, đây là huyện miền núi có nhiều khó khăn, địa bàn rộng, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, trình độ nhận thức của người dân chưa đồng đều, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 60%, ở một số địa phương còn xảy ra tình trạng người dân mới thoát nghèo lại tái nghèo, tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, không có ý chí vươn lên vẫn còn… Mặt khác, công tác tuyên truyền nội dung chính sách của Chương trình GNBV đến đồng bào các dân tộc thiểu số chưa thường xuyên, nguồn lực trong dân hạn chế, việc tiếp cận với nền kinh tế thị trường, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo ở cơ sở chưa kịp thời, còn thiếu đồng bộ, không có giải pháp cụ thể cho từng nhóm hộ nghèo… Trước thực tế trên, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV đã thông qua Nghị quyết số 01-NQ/ĐH ngày 26/6/2015 với mục tiêu: Giảm nghèo 2% hộ nghèo mỗi năm, hạn chế tái nghèo. Bám sát mục tiêu của Nghị quyết đề ra, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 1373/KH-UBND về việc thực hiện mục tiêu Quốc gia GNBV giai đoạn 2016-2020 và nhiều văn bản chỉ đạo hướng dẫn thực hiện các chính sách hỗ trợ như: Hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề; hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động; hỗ trợ học sinh bán trú chưa được hưởng các chính sách hỗ trợ theo quy định của Nhà nước; hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên, hộ có mức sống trung bình làm nghề nông lâm nghiệp, hộ tham gia BHYT theo hộ gia đình...Với những giải pháp thiết thực, hiệu quả phù hợp với đặc điểm và điều kiện thực tế tại địa phương như: Tích hợp, lồng ghép chương trình 135, chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với chương trình giảm nghèo, tạo điều kiện để các hộ nghèo phát triển sản xuất, học nghề, tăng thu nhập vươn lên thoát nghèo bền vững, đến nay, huyện Thanh Sơn đã có 4 xã đạt chuẩn NTM, một số xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới và các xã còn lại đều đạt từ 10-14 tiêu chí, trong đó có xã Địch Quả trước đây thuộc xã 135 đã vươn lên trở thành xã nông thôn mới.Về xã Sơn Hùng hôm nay, bất cứ ai cũng cảm nhận được sự thay da đổi thịt của xã nghèo bên sông Bứa với những con đường bê tông chạy dài xen lẫn màu xanh của chè, cây ăn quả, cây lâm nghiệp, những ngôi nhà hai tầng mọc lên san sát, trường học, trạm y tế cũng được xây dựng khang trang. Là một trong những xã làm tốt công tác giảm nghèo của huyện, những năm gần đây, đời sống vật chất, tinh thần của người dân Sơn Hùng được nâng lên rõ rệt. Người dân trong xã phát triển kinh tế từ cây chè, kinh tế đồi rừng, trồng cây ăn quả, chăn nuôi… tích cực chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, giống cây trồng, vật nuôi và áp dụng KHKT vào sản xuất cùng với nghề chế biến chè, các cơ sở chế biến gỗ bóc, gỗ ép, sửa chữa ô tô, gia công lắp đặt sắt, nhôm kính. Cùng với đó, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng được quan tâm, hơn 400 lao động trong xã được tham gia các lớp đào tạo kỹ thuật về sản xuất, chế biến chè, may công nghiệp, chăn nuôi thú y… góp phần nâng tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt hơn 90%, tỷ lệ lao động qua đào tạo, truyền nghề đạt 45%, thu nhập bình quân đầu người đạt 38,32 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm 7,61% so với năm 2015, hiện xã chỉ còn 3,89%, là xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018. Không chỉ Sơn Hùng “thay áo mới” mà ở Thạch Khoán trong những năm gần đây cũng đã nỗ lực thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia GNBV, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới. Phát huy truyền thống của xã Anh hùng, nhiều hộ nghèo không cam chịu đói nghèo đã tranh thủ các nguồn hỗ trợ của Nhà nước như máy nông nghiệp, bò sinh sản, vay vốn để đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập và vươn lên thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 4,03%, nâng thu nhập bình quân đầu người đạt 34 triệu đồng/năm. Là một trong những hộ được vay vốn từ các chương trình hỗ trợ sản xuất, anh Tạ Văn Tuyến ở khu Nhà Thờ chia sẻ: Từ các nguồn vốn vay cho hộ nghèo, gia đình tôi đã tập trung phát triển kinh tế và thoát nghèo từ năm 2018. Sau khi thoát nghèo, tôi được vay tiếp 70 triệu đồng tiền vốn dành cho những hộ mới thoát nghèo để đầu tư nuôi 2.000 con gà thịt, trồng 40 gốc thanh long và các cây ăn quả khác với hy vọng sẽ có thu nhập ổn định đầu tư cho con cái học hành. Trong giai đoạn 2016-2020, tổng nguồn vốn huy động cho chương trình mục tiêu Quốc gia GNBV trên địa bàn huyện là 462 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương hơn 107 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương hơn 145 tỷ đồng, ngoài ra là vốn lồng ghép và vốn huy động đóng góp của cộng đồng dân cư. Những hoạt động hỗ trợ từ chương trình này đã góp phần thay đổi tập quán canh tác của bà con, thúc đẩy phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa KHKT vào sản xuất để nâng cao thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 8,39% (trung bình giảm 2,48%/năm). Để giảm nghèo bền vững, ngoài việc hỗ trợ vốn, cây, con giống, máy móc để phát triển sản xuất. Huyện Thanh Sơn còn hỗ trợ người dân học nghề, tiếp cận với kiến thức mới để áp dụng vào phát triển kinh tế. Giai đoạn 2016-2020, toàn huyện đã mở 54 lớp trung cấp nghề cho 1.290 lượt học viên, 32 lớp sơ cấp nghề với 1.076 học viên, đào tạo 665 lao động nông thôn theo Quyết định 1956, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo và truyền nghề đạt 55%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ 25,5%. Để thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo trong thời gian tới, ông Nguyễn Quang Hải- Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Thanh Sơn cho biết: Huyện xác định sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người nghèo, đây chính là gốc rễ để giải quyết vấn đề GNBV. Hơn nữa, muốn tham gia thị trường lao động mọi người đều cần học nghề, do vậy cần mở rộng đào tạo nghề, nâng cao trình độ về kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng sản xuất cho người lao động và hộ nghèo, khơi dậy cho họ ý chí vươn lên, thay đổi tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước và cộng đồng để GNBV, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Phương Thanh

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/giam-ngheo-ben-vung/202008/lay-muc-tieu-lam-dong-luc-172710