Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm

TP Bến Cát, tỉnh Bình Dương lựa chọn những vấn đề cấp bách, xác định các điểm nghẽn để tập trung chỉ đạo giải quyết khó khăn cho người dân, doanh nghiệp

Đây là một trong những nội dung được ông Bùi Minh Thạnh, Bí thư Thành ủy Bến Cát, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động.

Chuyển biến tích cực

* Phóng viên: Thưa ông, những năm gần đây, nhất là từ khi Bến Cát lên thành phố ngày 1-5-2024, địa phương đã có những thay đổi như thế nào?

- Ông BÙI MINH THẠNH: Trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế nội tại và tranh thủ các thời cơ, cũng như bằng sự nỗ lực của địa phương, kinh tế - xã hội TP Bến Cát có nhiều chuyển biến tích cực cả về chiều rộng và chiều sâu, phát triển một cách toàn diện, đồng bộ; công tác đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; tốc độ tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo đúng mục tiêu đề ra; an ninh - chính trị, trật tự - an toàn xã hội được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng nâng cao.

Ông BÙI MINH THẠNH

Ông BÙI MINH THẠNH

Vừa qua, TP Bến Cát đã đề xuất UBND tỉnh phê duyệt khu vực phát triển đô thị dọc Vành đai 4 - khu số 1 với định hướng phát triển 10 khu đô thị tổng diện tích hơn 2.500 ha. Đến nay, UBND tỉnh đã ban hành quyết định chấp thuận chủ trương về nhà đầu tư đối với 2 dự án là khu đô thị Bắc An Tây, khu đô thị Đông An Tây.

Những công trình động lực như các đường ĐT 744, Vành đai 4 - TP HCM, Vành đai Bắc Mỹ Phước - Nam Bàu Bàng, cảng tổng hợp An Tây… làm cơ sở để địa phương tiếp tục thu hút các thành phần kinh tế trong công tác đầu tư những dự án trên địa bàn.

Đặc biệt, với chủ trương "Nhà nước và nhân dân cùng làm, cùng hợp tác" - nhất là trên lĩnh vực chỉnh trang, nâng cấp đô thị - đã tạo ra một diện mạo mới của đô thị trẻ Bến Cát, dần xóa bỏ các con đường đất, đường sỏi đỏ bằng những con đường bê-tông xi măng, đường nhựa nóng, "nắng không lo bụi, mưa không ngại bùn". Điểm đặc biệt tạo ra sự khác biệt của các tuyến đường xã hội hóa là toàn bộ kinh phí đều do người dân, doanh nghiệp (DN) đóng góp, có tuyến đường chỉ mất 1-2 tuần để thực hiện.

Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2024, TP Bến Cát đã huy động nâng cấp được 35 tuyến đường, dài khoảng 14 km, tổng kinh phí gần 93 tỉ đồng. Lũy kế từ khi thực hiện Đề án 03 (từ giữa năm 2023) đến nay đã nâng cấp hơn 63 tuyến đường, tổng chiều dài hơn 18,6 km, với tổng kinh phí xã hội hóa khoảng 122 tỉ đồng. Sau khi hoàn thành, người dân có ý thức bảo quản, giữ gìn rất cao như là tài sản của mình, giúp các con đường ngày càng đẹp hơn, sạch hơn, an toàn hơn.

* Ông có thể đánh giá khái quát về vai trò, sự đóng góp của các DN, nhà đầu tư đối với sự phát triển của địa phương?

- TP Bến Cát hiện có 8 KCN, với diện tích 4.030 ha và một khu sản xuất tập trung diện tích 47,4 ha, tỉ lệ lấp đầy trên 90%, thu hút 6.238 dự án trong nước với tổng số vốn gần 70.000 tỉ đồng; 856 dự án nước ngoài, với tổng số vốn hơn 10,1 tỉ USD. Bên cạnh đó, có 400 DN vừa và nhỏ đang hoạt động. Các DN đã góp phần giải quyết việc làm cho hơn 180.000 lao động, trong đó hơn 60% là người tạm trú đến để sinh sống và làm việc.

Bí thư Thành ủy Bến Cát Bùi Minh Thạnh (thứ 3, từ phải sang) trong chuyến khảo sát làm đường bê-tông do người dân và doanh nghiệp đóng góp thực hiện. Ảnh: THẢO NGUYỄN

Bí thư Thành ủy Bến Cát Bùi Minh Thạnh (thứ 3, từ phải sang) trong chuyến khảo sát làm đường bê-tông do người dân và doanh nghiệp đóng góp thực hiện. Ảnh: THẢO NGUYỄN

Thời gian qua, các DN đã tham gia tích cực vào công tác chăm lo an sinh xã hội, phát triển y tế, giáo dục, nâng cấp hạ tầng đô thị, hạ tầng kinh tế - xã hội… trên địa bàn. Qua đó, góp phần giúp địa phương phát triển ngày càng đồng bộ, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy đô thị Bến Cát phát triển theo hướng thông minh, hiện đại, bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Tháo gỡ ngay các vướng mắc

* Qua theo dõi, từ sáng kiến của ông, mô hình "Cà phê sáng với DN" được TP Bến Cát triển khai rất hiệu quả, từ đó nhân rộng ra các địa phương khác trong tỉnh. Vậy bắt nguồn từ đâu mà ông đưa ra ý tưởng này?

- Tôi luôn tâm niệm rằng DN, doanh nhân có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước nói chung và TP Bến Cát nói riêng; là động lực, cầu nối để địa phương khai thác các tiềm năng, lợi thế, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách, phát triển xã hội.

Từ buổi cà phê đầu tiên tổ chức vào ngày 2-8-2022 đã được duy trì đều đặn hằng tháng cho đến nay, có những buổi thu hút gần 50 DN tham gia với hàng chục ý kiến trên tất cả các lĩnh vực. Tại đây, với không khí vui vẻ, cởi mở, gần gũi nên người dân và DN mạnh dạn hơn trong việc bày tỏ, chia sẻ các khó khăn hoặc đề xuất, hiến kế cho sự phát triển của thành phố... Nhờ đó, tôi và lãnh đạo địa phương kịp thời chỉ đạo tháo gỡ ngay các vướng mắc thuộc phạm vi thẩm quyền hoặc báo cáo, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Đây cũng là cơ hội để các DN gặp gỡ, mở rộng kết nối giao thương, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của mình trong thời gian tới.

* Ngoài mô hình "Cà phê sáng với DN", TP Bến Cát còn có những kênh nào để đồng hành, hỗ trợ DN, nhà đầu tư, thưa ông?

- Với mục tiêu "Lấy người dân, DN là trung tâm", chúng tôi lựa chọn đúng và trúng những vấn đề cấp bách, xác định các điểm nghẽn để tập trung chỉ đạo giải quyết khó khăn cho DN. Cụ thể, địa phương đã chỉ đạo thực hiện cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ; kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố và Bộ phận tiếp nhận, trả kết quả cấp xã; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số... tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi.

Việc kiểm tra, thanh tra DN phải có trọng tâm, trọng điểm, tăng cường tính liên ngành, tránh chồng chéo. Đặc biệt, không thanh tra, kiểm tra một DN quá nhiều lần trong năm. Bản thân tôi cũng như lãnh đạo thành phố thường xuyên đi cơ sở, làm việc trực tiếp với chủ các DN và họ rất phấn khởi vì được giải đáp ngay những vướng mắc để yên tâm sản xuất - kinh doanh.

Bên cạnh đó, thúc đẩy việc thành lập và tạo điều kiện cho Chi hội Doanh nhân trẻ trên địa bàn hoạt động; định kỳ hằng năm tổ chức họp mặt kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10); tổ chức hội nghị gặp gỡ các chủ DN, cấp ủy các tổ chức Đảng trong DN ngoài khu vực nhà nước; thông báo công bố, công khai quy hoạch để tạo điều kiện thuận lợi cho DN đầu tư…

Tập trung thu hút đầu tư đồng bộ các lĩnh vực

Ông Bùi Minh Thạnh cho biết theo Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050, TP Bến Cát thuộc vùng đô thị trung tâm và là khu vực không gian động lực phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo, công nghệ tiên tiến, dịch vụ công cộng cấp vùng và là đô thị thông minh làm trụ cột cho tăng trưởng của tỉnh, gắn với việc tạo không gian động lực về khoa học - công nghệ, dịch vụ, văn hóa sáng tạo.

Thời gian tới, TP Bến Cát sẽ tập trung thu hút đầu tư đồng bộ các lĩnh vực về hạ tầng kỹ thuật - hạ tầng xã hội, gắn với công nghiệp sạch, có công nghệ cao và các ngành dịch vụ phụ trợ...

Các lợi thế của TP Bến Cát như hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, với những tuyến đường huyết mạch, kết nối giữa các đô thị trong tỉnh nói riêng và đô thị lân cận trong vùng TP HCM nói chung. TP Bến Cát cũng chủ động trong việc định hướng thu hút đầu tư 9 khu vực phát triển đô thị với tổng diện tích hơn 4.700 ha. Các khu dân cư - khu nhà được quy hoạch một cách bài bản để phục vụ nhu cầu về chỗ ở và an cư của lực lượng chuyên gia, lao động khi đến làm việc, bên cạnh các quỹ đất phát triển nhà ở xã hội với diện tích hơn 70 ha tại các xã, phường.

Trên địa bàn hiện có 81 trường học công lập và ngoài công lập, cùng Trường Đại học Quốc tế Việt Đức và 2 trường trung cấp nghề; định hướng tiếp tục phát triển cụm đào tạo đại học, cao đẳng với diện tích hơn 300 ha; có 23 cơ sở y tế công lập và ngoài công lập… Đây là những cơ hội để các nhà đầu tư tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh trên địa bàn.

THANH THẢO thực hiện

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/lay-nguoi-dan-doanh-nghiep-la-trung-tam-196241010202051167.htm