Lấy người dân làm trung tâm của sự phát triển

Ngày Nhân quyền thế giới (10/12) không chỉ là dịp để nhìn lại các giá trị cốt lõi về quyền con người mà còn là cơ hội để mỗi địa phương khẳng định cam kết và thành tựu của mình trong việc bảo vệ và phát huy quyền con người. Tại Thừa Thiên Huế, các chính sách phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) luôn đặt người dân làm trung tâm.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình chúc mừng những phụ nữ đoạt giải tại Cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo tỉnh năm 2024

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình chúc mừng những phụ nữ đoạt giải tại Cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo tỉnh năm 2024

Quyền con người trong chính sách phát triển

Những năm qua, các chính sách phát triển KT-XH của tỉnh luôn đặt con người làm trung tâm, vì người dân phục vụ. Từ việc phát triển giáo dục, chăm sóc y tế đến bảo vệ môi trường, tất cả đều gắn liền với việc không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt cho người dân.

Đặc biệt, việc xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số tại Thừa Thiên Huế đã mang lại nhiều tiện ích, giúp người dân tiếp cận dịch vụ công dễ dàng hơn, từ đó nâng cao quyền được thông tin và tham gia của người dân vào các hoạt động xã hội. Những sáng kiến như ứng dụng Hue-S không chỉ cải thiện chất lượng dịch vụ công mà còn là minh chứng rõ nét cho việc đặt quyền lợi của người dân làm trọng tâm.

Ứng dụng Hue-S giúp toàn thể người dân đều có thể phản ánh, kiến nghị về các vấn đề an ninh trật tự, môi trường và giao thông công cộng đến với chính quyền và các ban, ngành liên quan chỉ qua vài thao tác đơn giản trên điện thoại di động. Ông Nguyễn Thanh Lâm, người dân phường Thủy Xuân, TP. Huế chia sẻ: “Nhờ ứng dụng này, những khó khăn chúng tôi gặp phải có thể được gửi đến chính quyền và được xử lý nhanh chóng. Chúng tôi cảm nhận được sự quan tâm, lắng nghe và chia sẻ từ phía chính quyền, người dân luôn yên tâm và tin tưởng”.

Cùng với đó, giáo dục luôn là ưu tiên hàng đầu trong chính sách của tỉnh. Các chương trình hỗ trợ học sinh vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là trẻ em thuộc các dân tộc thiểu số đã giúp nâng cao tỷ lệ trẻ em đi học đúng độ tuổi, giảm thiểu tình trạng bỏ học. Thừa Thiên Huế cũng chú trọng đến giáo dục hòa nhập, đảm bảo trẻ em khuyết tật có cơ hội học tập trong môi trường bình đẳng.

Trong lĩnh vực y tế, quyền được chăm sóc sức khỏe của người dân được nâng cao thông qua các dự án mở rộng cơ sở hạ tầng y tế và nâng cao chất lượng dịch vụ. Các chương trình như khám, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người dân thuộc diện chính sách là minh chứng cụ thể cho sự quan tâm của chính quyền đối với nhóm yếu thế.

Quan tâm chăm lo nhóm yếu thế

Một trong những điểm sáng của Thừa Thiên Huế là các chính sách hỗ trợ dành cho nhóm yếu thế như người cao tuổi, người khuyết tật và phụ nữ. Tỉnh đã triển khai nhiều chương trình đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm cho phụ nữ nhằm nâng cao vị thế của họ trong gia đình và xã hội. Các cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn không ngừng được đầu tư để đảm bảo quyền lợi và chất lượng sống tốt hơn cho những người có hoàn cảnh khó khăn.

Công tác bảo vệ trẻ em cũng được chú trọng thông qua các chiến dịch nâng cao nhận thức về quyền trẻ em, phòng, chống bạo lực gia đình và xâm hại trẻ em. Những nỗ lực này đã giúp tạo nên một môi trường an toàn và lành mạnh cho trẻ phát triển toàn diện.

Bà Trần Thị Kim Loan, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh khẳng định: “Chúng tôi luôn quan tâm đến việc bảo vệ và nâng cao quyền lợi của phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là những người thuộc nhóm yếu thế. Thông qua các chương trình đào tạo và hỗ trợ kinh tế, phụ nữ đã tự tin hơn trong việc tham gia lao động và khẳng định vai trò của mình trong xã hội. Từ năm 2021 đến cuối năm 2023, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã giúp 674 hộ dân thoát nghèo, hơn 5.000 lượt hội viên phụ nữ yếu thế được giúp đỡ bằng các hình thức thăm, tặng quà, trao mái ấm tình thương, hỗ trợ cây, con giống, vật nuôi, gia súc, gia cầm, với tổng giá trị hơn 17,6 tỷ đồng”.

Công tác bảo vệ trẻ em cũng được chú trọng thông qua các chiến dịch nâng cao nhận thức về quyền trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình và xâm hại trẻ em. Những nỗ lực này đã giúp tạo nên một môi trường an toàn và lành mạnh cho trẻ phát triển toàn diện.

Không ngừng bảo vệ quyền con người

Quyền con người tại Thừa Thiên Huế còn được nâng cao nhờ sự chung tay của cộng đồng và doanh nghiệp. Các tổ chức phi chính phủ, đoàn thể và doanh nghiệp đã tham gia tích cực vào các hoạt động thiện nguyện, xây dựng nhà ở cho người nghèo, hay tài trợ học bổng cho học sinh khó khăn.

Mô hình “Xã hội học tập” và các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu về quyền con người.

Ngày Nhân quyền thế giới năm nay là dịp để Thừa Thiên Huế tiếp tục khẳng định quyết tâm không ngừng nâng cao bảo vệ quyền con người, hướng tới sự phát triển bền vững toàn diện. UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình khẳng định: Những năm qua, các chính sách phát triển KT-XH của tỉnh luôn đặt người dân làm trung tâm. Từ việc phát triển giáo dục, chăm sóc y tế đến bảo vệ môi trường, tất cả đều gắn liền với mục tiêu mang lại cuộc sống tốt nhất cho toàn bộ người dân. Tỉnh có nhiều chương trình, chính sách đặc thù để đồng hành, hỗ trợ riêng cho những đối tượng yếu thế trong xã hội, đảm bảo “không ai bị bỏ lại phía sau”. Chúng tôi cam kết tiếp tục lắng nghe, thấu hiểu để phục vụ tốt nhất cho người dân.

Với những nỗ lực của chính quyền, sự chung tay của cộng đồng và ý thức ngày càng cao của người dân, Thừa Thiên Huế đang cùng cả nước viết nên những câu chuyện đẹp giàu nhân văn, nơi mọi người đều có điều kiện sống, làm việc và phát triển trong môi trường bình đẳng và hạnh phúc.

Bài, ảnh: HẢI THUẬN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/lay-nguoi-dan-lam-trung-tam-cua-su-phat-trien-148849.html