Lấy người dân làm trung tâm để xây dựng Cộng đồng ASEAN

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vừa trải qua cột mốc đánh dấu 55 năm hình thành và phát triển không ngừng. Hơn nửa thế kỷ đã chứng kiến một cộng đồng ASEAN thống nhất trong đa dạng, cân bằng lợi ích quốc gia với lợi ích chung của khu vực cũng như của cộng đồng.

Lực lượng tiêu binh thực hiện nghi thức tại Lễ thượng cờ nhân kỷ niệm 55 năm thành lập ASEAN (8/8/1967 - 8/8/2022). Ảnh: TTXVN

Lực lượng tiêu binh thực hiện nghi thức tại Lễ thượng cờ nhân kỷ niệm 55 năm thành lập ASEAN (8/8/1967 - 8/8/2022). Ảnh: TTXVN

Tổ chức thành công nhất thế giới

Khắp thế giới đều chung khẳng định, ASEAN là tổ chức khu vực thành công nhất trên thế giới. Theo giới chuyên gia chính trị quốc tế, nhìn lại lịch sử, ASEAN thành lập năm 1967 với mục tiêu cốt lõi là duy trì an ninh. Thời điểm ấy, rất ít nhà quan sát chính trị tin tưởng ASEAN sẽ tồn tại lâu dài và đạt được những thành tựu to lớn như hiện nay. Trên thực tế, trải qua hơn nửa thế kỷ đầy thăng trầm của thế giới, sự thành công của ASEAN ngày càng lớn mạnh, thể hiện rõ nét trên cả ba khía cạnh chính gồm: duy trì hòa bình, an ninh khu vực, thúc đẩy hội nhập kinh tế và xây dựng thể chế.

Cần khẳng định rằng, ASEAN đã vượt qua những khác biệt to lớn để trở thành một cộng đồng thống nhất trong sự đa dạng. Trong Tuyên bố Bangkok năm 1967 (thành lập ASEAN), tầm nhìn chiến lược hướng tới tương lai được nêu rõ và tạo tiền đề vững chắc cho các quốc gia thành viên. Các nước ASEAN khác biệt về hệ thống chính trị, cơ cấu kinh tế và tín ngưỡng tôn giáo, tuy nhiên, các quốc gia thành viên được gắn kết với nhau bằng mối quan hệ lịch sử, văn hóa chặt chẽ, là nền tảng để tạo ra sức phát triển vượt bậc. Đặc biệt, ASEAN luôn giữ gìn tôn trọng và tận dụng những khác biệt để xây dựng thành công cộng đồng thống nhất trong đa dạng.

Tầm nhìn từ ngày đầu thành lập được phát triển thêm trong Tầm nhìn năm 2020 được thông qua năm 1977 trên cơ sở xem xét những phát triển đang diễn ra và triển vọng của toàn cầu hóa trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau hơn trong những thập kỷ tiếp theo. Giới học giả quốc tế đánh giá, đây là chìa khóa để ASEAN thực hiện thành công Lộ trình Cộng đồng ASEAN bao gồm trụ cột: Cộng đồng Chính trị-An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội. Tiếp nối thành công đó, Sáng kiến Hội nhập ASEAN và Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN, cũng như sự hình thành và trưởng thành của các diễn đàn khu vực do ASEAN dẫn dắt đã trở thành động lực để thành lập chính thức Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.

Trong khuôn khổ Cộng đồng ASEAN hiện nay, hợp tác hòa bình giữa các nước ASEAN đã rất bền vững, không còn xung đột nội bộ; các khác biệt và tranh chấp phần lớn được kiềm chế hoặc giải quyết thông qua các cơ chế tham vấn và quản lý của khu vực, không trở thành điểm nóng có thể leo thang thành xung đột.

Trên các khía cạnh về thể chế, giao lưu nhân dân hay kết nối, ASEAN đều đã đạt được những tiến bộ đáng kể khi công dân của các nước có thể đi lại tự do toàn khối, tham gia giao lưu rộng rãi và hợp tác thiết thực trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống, xã hội.

Thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, ASEAN đã và đang đóng vai trò trung tâm trong việc duy trì sự cân bằng chiến lược ở khu vực, phát huy động lực và phạm vi quan hệ của mình với các cường quốc, những nước có thể là đối thủ cạnh tranh gay gắt với nhau nhưng vẫn là các đối tác quan trọng của ASEAN, góp phần xây dựng trật tự khu vực dựa trên luật lệ.

Lấy người dân làm trung tâm

Bình luận về vai trò trung tâm của ASEAN, Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng Quan chức cao cấp (SOM) ASEAN của Việt Nam (2007-2014) đánh giá, đây là một giá trị chiến lược của hiệp hội. Hiện nay, cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gia tăng, dù có những mục tiêu chiến lược riêng nhưng rõ ràng, các nước đều cần ASEAN và ASEAN vẫn đóng vai trò quan trọng trong khu vực này.

Các nhà lãnh đạo tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55 (AMM-55) diễn ra ở Campuchia vào đầu tháng 8 năm nay. Ảnh: TTXVN

Các nhà lãnh đạo tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55 (AMM-55) diễn ra ở Campuchia vào đầu tháng 8 năm nay. Ảnh: TTXVN

Đại sứ Phạm Quang Vinh chỉ ra rằng, đứng giữa cạnh tranh giữa các nước lớn, trước hết, ASEAN cần phải đoàn kết. Tiếp đó, ASEAN phải đại diện cho tiếng nói chung của khu vực, có ý kiến với cả các đối tác lớn của mình dù họ cạnh tranh nhau. Bên cạnh đó, ASEAN phải phát huy hội nhập khu vực cũng như là chủ nghĩa đa phương.

“ASEAN cần tiếp tục tạo được môi trường chiến lược cho các quốc gia dù họ có lợi ích khác nhau, tiếp tục gắn kết với ASEAN, tiếp tục chia sẻ, quản trị những cạnh tranh của họ phù hợp với lợi ích chung của khu vực về hòa bình an ninh và phát triển”, Đại sứ Phạm Quang Vinh nhấn mạnh.

Đại sứ Lê Lương Minh, Tổng Thư ký ASEAN (2013-2018), nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhận định, để củng cố những kết quả đạt được, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 hướng tới xây dựng một cộng đồng hòa bình, ổn định, kiên cường và hội nhập, nâng cao năng lực ứng phó hiệu quả với các thách thức; thúc đẩy hội nhập toàn cầu; đóng vai trò trung tâm trong việc định hình cấu trúc an ninh khu vực; duy trì quan hệ rộng rãi với các đối tác bên ngoài và đóng góp vào việc thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển bền vững toàn cầu.

Đại sứ Lê Lương Minh nhấn mạnh: “Lấy con người làm trọng tâm, mục tiêu bao trùm của Cộng đồng Chính trị - An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội là xây dựng và củng cố một cộng đồng lấy người dân làm trung tâm”. Theo Đại sứ Lê Lương Minh, để hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, ASEAN cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa, phải phát triển “văn hóa tuân thủ” thông qua nâng cao năng lực, hài hòa hóa hệ thống luật pháp quốc gia, tăng cường nguồn nhân lực và tài chính cần thiết cho việc thực hiện và điều phối các cơ quan, cơ chế, đặc biệt là Ban Thư ký ASEAN.

Trong một cộng đồng đa dạng được coi là bản sắc như ASEAN, mỗi quốc gia thành viên phải biết vượt lên chính mình, cân bằng lợi ích quốc gia với chung của khu vực cũng như cộng đồng, góp phần duy trì vai trò trung tâm của ASEAN.

“Điều này giúp mỗi thành viên và cả ASEAN cùng hành động với tư cách là những đối tác tích cực hơn thay vì là những quân cờ trên bàn cờ chiến lược của bất kỳ lực lượng bên ngoài nào. Vai trò trung tâm của ASEAN cần được hiểu là khi thực hiện bất kỳ hành động nào, ASEAN sẽ luôn dựa trên lợi ích chính đáng của mình, thay vì chỉ đứng ở giữa các cường quốc bên ngoài”, Đại sứ Lê Lương Minh khẳng định.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/lay-nguoi-dan-lam-trung-tam-de-xay-dung-cong-dong-asean-post454798.html