Lấy những người được thi hành án hình sự tại cộng đồng làm chủ thể, mục tiêu, động lực trong công tác
Cả nước đã xây dựng được 238 mô hình tái hòa nhập cộng đồng, ngoài ra có 254 mô hình tiêu biểu đang duy trì hoạt động. Công an các địa phương tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 49/2020/NĐ -CP.
Chiều 30/3, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng. Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Thủ trưởng Cơ quan Quản lý tạm giữ, tạm giam (TGTG); Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự (THAHS) Bộ Công an, dự và phát biểu chỉ đạo. Trung tướng Nguyễn Văn Phục, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý TG, TG và THAHS tại cộng đồng, chủ trì Hội nghị. Dự hội nghị có lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an; đại diện lãnh đạo và đơn vị chức năng Công an các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Báo cáo tình hình, kết quả công tác THAHS tại cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng, Đại tá Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý TG,TG và THAHS tại cộng đồng cho biết, trong những năm qua, lãnh đạo Bộ Công an rất quan tâm chỉ đạo công tác THAHS tại cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng; công tác này ngày càng được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo UBND các cấp, sự phối hợp của các ban, ngành đoàn thể ở địa phương nên đã giúp lực lượng CAND thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ. Công tác THAHS tại cộng đồng ngày càng đi vào nề nếp, hiệu quả. Công an cấp huyện, cấp xã đã thực hiện đúng quy định của Luật THAHS từ khâu tiếp nhận bản án, quyết định; lập hồ sơ; tổ chức quản lý, giám sát người chấp hành án đến khi chấp hành xong án phạt.
Cả nước đã xây dựng được 238 mô hình tái hòa nhập cộng đồng, ngoài ra có 254 mô hình tiêu biểu đang duy trì hoạt động. Công an các địa phương tham mưu cấp ủy, chính quyền xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 49/2020/NĐ -CP; chủ động phối hợp với các ban ngành, đoàn thể để triển khai thực hiện việc tiếp nhận, quản lý, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù; chú trọng công tác tuyên truyền và các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng và tầm quan trọng của công tác này trong phòng ngừa, hạn chế tình trạng tái phạm tội, góp phần đảm bảo ANTT, qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo đồng thuận và huy động sự tham gia tự giác, tích cực của cộng đồng xã hội trong việc quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù…
Dưới sự điều hành của Trung tướng Nguyễn Văn Phục, hội nghị đã có 8 ý kiến tham luận, trong đó, Thiếu tướng Trần Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục Truyền thông CAND cho biết, công tác tuyên truyền luôn nhận được sự quan tâm rất sâu sát, quyết liệt của lãnh đạo Bộ Công an. Về công tác tuyên truyền thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng, Cục Truyền thông CAND đã huy động tất cả các cơ quan báo chí trong CAND và 12 cơ quan báo chí Trung ương vào cuộc; đã có kế hoạch đề nghị lãnh đạo Bộ phê duyệt để tổ chức tọa đàm giúp các cơ quan truyền thông và nhân dân hiểu rõ, ủng hộ; đề nghị Công an các địa phương tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của chính quyền và MTTQ các cấp, tổ chức tuyên truyền, phát huy sức mạnh cơ quan báo chí địa phương. “Cục Truyền thông CAND đã chỉ đạo các cơ quan báo chí trong CAND tổ chức các tuyến bài, phối hợp với các cơ quan báo chí ngoài lực lượng bàn thảo nội dung để các cơ quan báo chí phát huy thế mạnh, xây dựng các tác phẩm, chuyên mục phù hợp với từng loại hình báo chí; sẽ tổ chức các đoàn phóng viên theo yêu cầu đặt ra đi địa phương để tiếp cận các mô hình hay, xây dựng các tác phẩm báo chí để lan tỏa công tác này” – Thiếu tướng Trần Thanh Phong nhấn mạnh.
Thượng tá Hồ Song Ân, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho rằng, để thực hiện tốt công tác quản lý người THAHS tại cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng thì Công an cơ sở, chính quyền cấp xã phải vào cuộc tích cực. Theo đó, Công an Quảng Nam đã tổ chức 29 lớp tập huấn cho cán bộ Công an và UBND cấp xã, trang bị kiến thức, hướng dẫn cụ thể để UBND cấp xã thực hiện, đồng thời tổ chức lại bộ máy biên chế, phân công cụ thể trách nhiệm cho cán bộ cấp xã, cấp huyện thực hiện nhiệm vụ; kiến nghị xây dựng phần mềm, trong đó phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội để tạo việc làm, vay vốn ủy thác…
Thượng tá Bùi Đức Tài, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết, mỗi năm, Công an Đồng Tháp tiếp nhận từ 800 -1.000 người chấp hành xong án phạt tù. Đa số họ không nghề nghiệp, trình độ văn hóa thấp không việc làm, không vốn kinh doanh nên rất cần hỗ trợ. Công an tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn ngân sách ban đầu là 15 tỷ đồng, hàng năm bổ sung thêm; vận động các nhà hảo tâm được 423 triệu đồng để giúp người được đặc xá, chấp hành xong án phạt tù vay từ 30 đến 50 triệu đồng/trường hợp, lãi suất, 3%/năm. Đến nay, đã giải ngân cho gần 1.000 trường hợp với tổng số tiền hơn 27 tỷ đồng. “Để hạn chế rủi ro, Công an tỉnh đã tham mưu thành lập mô hình hoàn lương để giúp đỡ các thành viên. Đến nay đã có 65 câu lạc bộ với gần 700 thành viên. Kết quả, đã góp phần kéo giảm vi phạm pháp luật theo từng năm. Cụ thể, năm 2002 tái phạm 19%, đến nay, tỷ lệ tái phạm dưới 3%” – Thượng tá Bùi Đức Tài cho biết.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long đã ghi nhận, biểu dương kết quả đã đạt được trong công tác THAHS và tái hòa nhập cộng đồng; khẳng định, công tác này đã từng bước đổi mới tư duy, đổi mới nhận thức cách tiếp cận; Công an nhiều đơn vị, địa phương có cách làm hay, đổi mới, có nhiều mô hình tái hòa nhập cộng đồng rất tốt, tranh thủ được xã hội hóa; Cục Cảnh sát Quản lý TG,TG và THAHS tại cộng đồng đã làm tốt công tác tham mưu Đảng ủy Công an Trung ương chỉ đạo hệ lực lượng xuyên suốt các cấp làm tốt công tác này.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long nhấn mạnh, công tác THAHS tại cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng phải lấy những người được THAHS tại cộng đồng và những người được đặc xá, chấp hành xong án phạt tù làm chủ thể, mục tiêu, động lực trong công tác. Từ đó, để tạo điều kiện tốt nhất trong quản lý, tạo việc làm, cho họ vay vốn… "Tôi đồng ý với ý kiến của Cục Truyền thông CAND về công tác tuyên truyền; phải đổi mới công tác này; từng đơn vị cũng phải có giải pháp đổi mới trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Long yêu cầu.
“Những người đang thi hành án hình sự là những người trong độ tuổi lao động nhưng Nhà nước phải chi tiền cho họ ăn, phải quản lý họ, phải chống trốn, chống đánh nhau, tự sát, họ đi bệnh viện chúng ta phải trông giữ, chăm sóc. Chính vì vậy, chúng ta phải đổi mới tư duy để tạo điều kiện cho những người phạm tội do lỗi vô ý; phạm tội lần đầu mức án thấp... được thi hành án ngoài cộng đồng và phải nghiên cứu để có cách quản lý họ bằng thiết bị điện tử hoặc biện pháp, giải pháp khoa học; ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý trong thời gian tới” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Long nhấn mạnh. Đồng chí Thứ trưởng yêu cầu đơn vị chức năng sớm phối hợp với ngân hàng Chính sách xã hội xây dựng cơ chế cho người chấp hành xong án phạt tù được vay tiền; yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương phải làm tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng; yêu cầu cơ quan chức năng thanh tra đột xuất công tác này tại các địa phương, nếu phát hiện có vi phạm thì phải chấn chỉnh, xử lý ngay.