Lấy phiếu tín nhiệm và chuyện cán bộ 'có vào, có ra; có lên, có xuống'
Mỗi khi được đưa ra Quốc hội để lấy phiếu tín nhiệm, những cá nhân đảm nhiệm các vị trí do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn sẽ đối diện với một thử thách chính trị rất lớn.
Một hoạt động nghị trường có thể sẽ có nhiều tác động đến đời sống chính trị ở nước ta trong những năm sắp tới sau khi Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết sửa đổi Nghị quyết số 85/2014 của Quốc hội khóa XIII về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người đảm nhiệm các vị trí do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Dự thảo của Nghị quyết này đã được thảo luận tại phiên họp thứ 23 ngày 11/5 mới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV. Sau phiên họp này, trên cơ sở các ý kiến đã đóng góp, hồ sơ của Nghị quyết sẽ được tiếp tục hoàn thiện rồi được gửi lấy ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản trước khi trình Quốc hội.
Động thái nêu trên là sự cụ thể hóa Quy định 96 của Bộ Chính trị, ban hành ngày 2/2/2023, về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, thay thế Quy định số 262, ban hành năm 2014.
Điểm mới thu hút nhiều sự chú ý của dư luận là kết quả lấy phiếu sẽ không chỉ dùng để tham khảo, mà còn được sử dụng để làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm, và thực hiện chế độ, chính sách với cán bộ.
Dù hình thức có thể khác nhau nhưng lấy phiếu tín nhiệm, bãi miễn, hay bất tín nhiệm là một hoạt động đặc biệt quan trọng được Quốc hội nhiều nước trên thế giới thực hiện.
Mỗi khi được đưa ra Quốc hội để lấy phiếu tín nhiệm, những cá nhân đảm nhiệm các vị trí do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn sẽ đối diện với một thử thách chính trị rất lớn. Tỷ lệ phiếu ủng hộ là tiêu chí đo lường uy tín chính trị, vốn phản ánh vị thế và vai trò lãnh đạo vượt ra khỏi phạm vi Đảng chính trị và hệ thống chính quyền.
Nói cách khác, số phiếu ủng hộ phản ánh nhận thức của đại biểu về nhiều chiều cạnh, chứ không đơn thuần chỉ là khả năng thực hiện chức năng, nhiệm vụ của người được đánh giá mức độ tín nhiệm.
Khác với các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm hay bãi miễn được Quốc hội thực hiện với người đứng đầu nhánh quyền lực hành pháp ở nhiều nước, lấy phiếu tín nhiệm do Quốc Hội nước ta được thực hiện với gần 50 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Việc lấy phiếu tín nhiệm đã từng được Quốc Hội thực hiện ba lần, vào tháng 6/2013, tháng 11/2014 và tháng 10/2018.
Nhìn chung, các vị trí được lấy phiếu đều có tỷ lệ phiếu tín nhiệm thấp ở mức rất thấp và khi đó kết quả bỏ phiếu cũng chưa được coi là tiêu chí để điều chuyển hay bãi miễn cán bộ.
Với Nghị quyết tới đây, những người đảm nhiệm các vị trí do Quốc hội và Hội đồng nhân dân bầu sẽ đứng trước hai khả năng.
Thứ nhất, nếu họ có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp, có thể được xem xét cho thôi giữ chức vụ, bố trí công tác khác, hoặc đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn.
Thứ hai, những người có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên, cơ quan có thẩm quyền trình Quốc hội, HĐND tiến hành miễn nhiệm tại kỳ họp gần nhất.
Tác động tích cực dễ thấy nhất của việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ khiến mỗi cán bộ thuộc diện được lấy phiếu không chỉ phải nỗ lực hơn trong thực hiện nhiệm vụ được giao, mà họ còn phải coi trọng hơn nữa việc xử lý các mối quan hệ liên cá nhân, cả bên trong và bên ngoài đơn vị, cả trong hệ thống chính trị và ngoài xã hội, cả những phát ngôn trên báo chí và truyền thông đại chúng.
Lý do, hành vi lấy phiếu rất dễ bị chi phối bởi nhiều loại thông tin, những ấn tượng, cảm xúc cá nhân, cũng như dư luận xã hội cho nên mỗi cán bộ sẽ phải đặc biệt chú ý đến hình ảnh của mình từ góc nhìn của người khác.
Do bị chi phối bởi nhiều yếu tố, việc lấy phiếu tín nhiệm định kỳ cũng sẽ tạo ra ít nhất hai vấn đề.
Thứ nhất, số phiếu cao hay thấp nhưng lại không phản ánh đúng thực chất năng lực và uy tín của cán bộ. Vấn đề này đã từng được nêu ra ngày 17/2/2023 tại hội nghị trực tuyến quán triệt triển khai các văn bản mới về công tác tổ chức xây dựng Đảng.
Theo bà Trương Thị Mai, Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho biết thì quá trình tổng kết Quy định số 262 về lấy phiếu tín nhiệm đã phát hiện một số cán bộ đạt phiếu tín nhiệm cao nhưng sau đó lại vi phạm kỷ luật. Tương tự, nhìn lại những cán bộ cấp cao bị xử lý thời gian gần đây, bao gồm cả cán bộ đã nghỉ hưu, thì không ít trường hợp có tỷ lệ phiếu rất “đẹp” trong thời gian dài cho tới khi những vi phạm của họ bị phát hiện.
Thứ hai, từ những quy định mới về sử dụng kết quả lấy phiếu là cán bộ thuộc diện được lấy phiếu tín nhiệm sẽ có thể có thiên hướng làm việc thận trọng hơn, “dĩ hòa vi quý” để tránh vi phạm hay xung đột quan điểm, qua đó giảm thiểu nguy cơ phiếu tín nhiệm thấp. Hệ quả, họ sẽ thiếu quyết đoán hơn trong nhiều tình huống và khả năng tạo đột phá trong thời gian tại vị cũng sẽ khó xảy ra hơn.
Từ năm 2018, Nghị quyết số 26-NQ/TW khóa XII về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đã nhận định: “Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, không ít trường hợp còn cảm tính, nể nang, dễ dãi hoặc định kiến”.
Thay thế cán bộ chưa thể bảo đảm thúc đẩy sáng tạo, đột pháNhững biểu hiện trì trệ của bộ máy công quyền địa phương đang đặt ra nhu cầu về những cán bộ dám đột phá, sáng tạo để thúc đẩy sự chuyển động nhanh và mạnh mẽ hơn nữa của cả khu vực công.
Nghị quyết số 28-NQ/TW, hội nghị TW6 khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới” ban hành ngày 17/11/2022 tiếp tục khẳng định chủ trương: “Đánh giá cán bộ phải toàn diện, chặt chẽ, thực chất, khách quan, nhiều chiều… phải đặc biệt chú trọng kỹ năng công tác, chất lượng, hiệu quả công việc được giao, bằng sản phẩm, kết quả cụ thể”.
Quy định mới về sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm của Quốc Hội và HĐND vẫn là một bước tiến về thực hành dân chủ trong hệ thống chính trị ở nước ta. Quan trọng nhất, tỷ lệ phiếu tín nhiệm sẽ trở thành một phương tiện thể chế để hiện thực hóa quan điểm “cán bộ có vào, có ra; có lên, có xuống”, vốn đã được các đại biểu Quốc Hội nêu ra khi thảo luận việc ban hành Nghị quyết về bỏ phiếu tín nhiệm từ tháng 11/2012.
Gần đây hơn, chủ trương siết chặt hơn nữa về trách nhiệm chính trị nêu trên cũng đã được tái khẳng định trong Nghị quyết 26-NQ/TW tại Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp: “Xây dựng quy định để việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm trở thành nếp văn hóa ứng xử của cán bộ; hoàn thiện các quy định về cách chức, bãi nhiệm, miễn nhiệm để việc "có lên, có xuống", "có vào, có ra" trở thành bình thường trong công tác cán bộ”.
Như vậy, thực hiện định kỳ, nghiêm túc việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ góp phần giảm bớt tình trạng cán bộ hầu như chỉ đi “lên” (thăng tiến) hoặc đi ngang (yên vị) chứ hiếm khi phải đi “xuống" (chịu trách nhiệm chính trị), trừ khi bị kỷ luật.
Tuy nhiên, nhận thức rõ những nguy cơ từ hành vi bỏ phiếu, Quy định 96 của Bộ Chính trị cũng "Nghiêm cấm và xử lý nghiêm hành vi vi phạm, làm sai lệch mức độ tín nhiệm hoặc lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm để làm giảm uy tín của người khác, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ".
Để phòng ngừa những nguy cơ tiềm ẩn từ việc lấy phiếu tín nhiệm thì Quốc Hội cũng cần ban hành các quy định chặt chẽ về kiểm tra, xác minh lại kết quả bỏ phiếu mỗi khi những dấu hiệu bất thường được phản ánh.