Lấy sự hài lòng của người dân là thước đo

Để phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Thường Tín (Hà Nội) đã phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân. Nhờ đó, việc xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu tại các xã trên địa bàn huyện nhận được sự ủng hộ và hài lòng rất cao của người dân. Đây chính là thước đo chất lượng phong trào xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu tại các địa phương.

17/28 xã hoàn thành nông thôn mới nâng cao

Tính đến nay, toàn huyện Thường Tín có 13 xã hoàn thành tiêu chí và đã được thành phố công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Cùng với đó, 4 xã Văn Tự, Thắng Lợi, Tự Nhiên, Hòa Bình đã được Đoàn thẩm định của thành phố chấm điểm, đủ điều kiện đề nghị UBND thành phố công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023. Đến nay, Thường Tín đã có 17/28 xã đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025. Đáng chú ý, huyện đã có 3 xã là Hồng Vân, Hà Hồi, Nhị Khê đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2023.

Chia sẻ về quá trình xây dựng NTM tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bùi Công Thản cho biết: Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thường trực Huyện ủy, UBND huyện yêu cầu Phòng Kinh tế cùng cơ quan chuyên môn, các đoàn thể chính trị và các xã hoàn thành hồ sơ xây dựng huyện NTM nâng cao trong tháng 5.2024 để thông qua Ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/HU của Huyện ủy; đồng thời, lấy ý kiến người dân, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể rồi trình thành phố xét, chấm điểm huyện NTM nâng cao. Nhờ đó, việc xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu tại các xã trên địa bàn huyện nhận được sự ủng hộ và hài lòng rất cao của người dân. Đơn cử tại xã Chương Dương, qua lấy ý kiến với 19 câu hỏi, 100% người dân hài lòng.

Đường giao thông nông thôn tại xã Chương Dương (huyện Thường Tín)

Đường giao thông nông thôn tại xã Chương Dương (huyện Thường Tín)

Bí thư Chi bộ thôn 5, xã Chương Dương Vũ Ngọc Anh phấn khởi cho biết: Xã ngày xưa rất khó khăn, hạ tầng thiếu thốn, đường đi lại vất vả... Nay nhờ có chương trình xây dựng NTM, xã đã bứt phá ngoạn mục, có trường học, trạm, nhà văn hóa khang trang, đường làng, ngõ xóm sạch đẹp; đội ngũ cán bộ xã có năng lực, nhiệt huyết với phong trào; Nhân dân năng động phát triển kinh tế... chúng tôi rất hài lòng với kết quả đạt được.

Chủ tịch UBND xã Văn Tự Đào Hồng Thái chia sẻ: Xây dựng NTM nâng cao, địa phương đã sáng tạo nhiều mô hình như “camera hạnh phúc”; trao giấy khai sinh, khai tử tại gia đình; đăng ký hộ tịch lưu động; lập di chúc, dự họp gia đình phân chia thừa kế và tài sản lưu động… giúp người dân thuận lợi hơn khi thực hiện các thủ tục hành chính và xây dựng hình ảnh người cán bộ tận tụy, trách nhiệm, thân thiện, gần dân.

Hướng đến huyện nông thôn mới nâng cao

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Từ Đức Mạnh, xây dựng NTM đã giúp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn ngày càng phát triển. Hiện, nhiều vùng sản xuất chuyên canh rau, lúa, thủy sản, cây ăn quả đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cho Nhân dân. Trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh như lúa hàng hóa tập trung tại xã Thắng Lợi, Nghiêm Xuyên; vùng sản xuất rau an toàn tại xã Hà Hồi, Tân Minh, Thư Phú; vùng cây ăn quả tại xã Chương Dương, Tự Nhiên; vùng nuôi trồng thủy sản tại xã Nghiêm Xuyên, Dũng Tiến. Đến nay, toàn huyện có 6 mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Các mô hình liên kết đã tạo chuyển biến tích cực, giúp người dân phát triển và tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu.

Hiện trên địa bàn huyện Thường Tín có 55 HTX nông nghiệp, 17 HTX phi nông nghiệp. Nhiều HTX đã giúp cho thành viên tăng thêm thu nhập, như HTX sản xuất dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà, xã Ninh Sở thành lập năm 2018 với 1,15ha canh tác các loại rau ăn lá như: cải mơ, cải ngọt, cải bó xôi, xà lách, rau mầm, giá đỗ... theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó, mô hình trồng rau mầm của HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín (Hà Nội) là một điển hình phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị với doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.

Chia sẻ với phóng viên, Giám đốc HTX sản xuất dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà Bùi Thị Thanh Hà cho biết: Với phương thức canh tác tiên tiến trồng rau trong nhà màng giúp giảm thiểu sự ảnh hưởng của thời tiết, sâu bệnh. Bên cạnh đó, việc sử dụng phân hữu cơ góp phần cải tạo đất, bảo vệ môi trường, tạo sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. "Hiện HTX có khu sản xuất rau công nghệ cao 1,5ha, trong đó đã lắp đặt được gần 8.000m2 nhà màng nông nghiệp, cùng với hệ thống tưới phun tự động; 2 kho lạnh, nhà kho bảo quản, nhà sơ chế rau củ… với tổng mức đầu tư gần 5 tỷ đồng. Doanh thu hàng năm của đơn vị đạt trên 2 tỷ đồng/ha; tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động, với mức lương ổn định từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng”. Nhờ vậy, đời sống của người dân được cải thiện, đóng góp nhiều hơn vào tiêu chí xây dựng NTM của huyện"- bà Hà cho biết.

Hay như HTX hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân, xã Hồng Vân thành lập năm 2014 thực hiện sản xuất sơ chế, chế biến trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, du lịch và dịch vụ… Thế mạnh của HTX là sản xuất chè chùm ngây, sản xuất kinh doanh hoa cây cảnh. Hiện nay, HTX tạo việc làm cho 80 lao động thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bùi Công Thản, kết quả đạt được nhờ đội ngũ cán bộ chuyên môn từ huyện đến cơ sở đã được trang bị kiến thức lý luận và thực tiễn. Vai trò của người dân trong xây dựng NTM từng bước được xác định rõ, qua đó khuyến khích người dân tích cực tham gia xây dựng NTM.

Báo cáo kết quả xây dựng huyện NTM nâng cao, Phó Chủ tịch UBND huyện Bùi Công Thản cho biết: Đến nay, huyện có 9/9 tiêu chí đạt như: quy hoạch, giao thông, thủy lợi và phòng, chống thiên tai, điện, y tế - văn hóa - giáo dục, kinh tế, môi trường, chất lượng môi trường sống, an ninh trật tự và hành chính công... Bên cạnh đó, huyện có 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 17/28 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (đạt 60,7%), thị trấn Thường Tín đạt chuẩn văn minh đô thị.

Những năm qua, hạ tầng kinh tế - xã hội huyện Thường Tín được đầu tư đồng bộ; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Đến nay, thu nhập bình quân trên địa bàn huyện đạt 76,6 triệu đồng/người/năm… Huyện cũng đã hình thành một số mô hình điểm, tiêu biểu, như: mô hình điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân; mô hình phát triển tủ sách cơ sở kết hợp điểm thực hiện dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 ở các xã: Văn Bình, Minh Cường, Tâm Minh, Hồng Vân... mô hình liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm cho nông dân và mô hình mượn ruộng để sản xuất ở nhiều xã trên địa bàn…

Năm 2024, huyện Thường Tín phấn đấu hoàn thành các tiêu chí NTM nâng cao để đến năm 2025 được công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Do vậy, hiện cả hệ thống chính trị của huyện đang tăng tốc hoàn thiện các tiêu chí và nâng cao hơn nữa tiêu chí đã đạt; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, không có điểm kết thúc. Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh khẳng định: Huyện tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện; đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động xây dựng NTM. Đặc biệt, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM theo phương châm "Nhà nước và Nhân dân cùng bàn bạc, thực hiện".

Bên cạnh đó, huyện tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, HTX đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn và dịch vụ. Nhất là lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm nhằm thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các khâu đột phá của huyện.

(Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP. Hà Nội)

Khánh Duy

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song/lay-su-hai-long-cua-nguoi-dan-la-thuoc-do-i384837/