Lấy thị trường làm đích đến

Hà Nội là đầu mối giao thương, thị trường tiêu thụ lớn, do vậy nông sản nói chung, cây ăn quả nói riêng của các tỉnh 'đổ về' Thủ đô là một tất yếu, chưa kể các sản phẩm nhập khẩu. Điều này tạo ra áp lực cạnh tranh về chất lượng, giá cả sản phẩm trên thị trường. Để cây ăn quả không thua trên 'sân nhà' và thật sự là cây trồng chủ lực của nông nghiệp Hà Nội thì sản xuất theo nhu cầu thị trường vừa là đích đến, vừa là giải pháp.

Xác định cây ăn quả là thế mạnh của nông nghiệp Hà Nội, những năm gần đây, thành phố đã phát triển nhiều loại cây ăn quả đặc sản cho giá trị kinh tế cao như bưởi Diễn, bưởi đỏ Tân Lạc, chuối tiêu hồng, nhãn chín muộn… Nhiều trang trại cây ăn quả cho doanh thu tiền tỷ mỗi năm, mở hướng làm giàu cho nông dân Thủ đô. Thế nhưng cũng có một thực tế là, các tỉnh lân cận cũng hình thành được nhiều vùng cây ăn quả và đều hướng về thị trường Hà Nội để tiêu thụ sản phẩm. Cam, bưởi, nhãn... của các địa phương tràn vào kênh tiêu thụ hiện đại và truyền thống đã gia tăng áp lực cho không ít chủ vườn tại Hà Nội và tình trạng “được mùa, mất giá” đã diễn ra ở một số địa phương.

Có thể kể ra nhiều nguyên nhân, từ những câu chuyện về việc tạo giống, chọn giống cây; kỹ thuật canh tác, bảo quản đến những hạn chế trong liên kết tiêu thụ và đặc biệt lối sản xuất theo “phong trào” mà không hướng tới nhu cầu thị trường. Hệ lụy là tới 30% trong tổng diện tích hơn 21.800ha đất trồng cây ăn quả của Hà Nội tại thời điểm này cho năng suất thấp, chất lượng không đồng đều và sẽ phải cải tạo lại.

Hà Nội là thị trường có những đòi hỏi, đặc thù riêng, thiếu những loại quả đặc sản, chất lượng cao chứ không thiếu các loại quả mà nông dân trồng ồ ạt với chất lượng trung bình. Do vậy để không thua ngay trên “sân nhà”, các chủ trang trại trồng cây ăn quả phải hướng tới thị trường và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Năm 2021 này, Hà Nội sẽ cải tạo hơn 1.000ha cây ăn quả và trồng mới khoảng 500ha theo hướng công nghệ cao. Để đạt mục tiêu nêu trên và cây ăn quả thật sự là cây trồng chủ lực của nông nghiệp Thủ đô, cơ quan chức năng cũng như các địa phương cần tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Trước hết, cần chú trọng chất lượng giống cây trồng, coi đây là ưu tiên hàng đầu. Ngành Nông nghiệp cần tập trung xây dựng những vườn cây đầu dòng; hỗ trợ các loại giống đầu dòng chất lượng cao cho nông dân; đồng thời nghiên cứu tính chất thổ nhưỡng của từng địa phương để chọn lọc, phát triển các loại cây phù hợp.

Để nâng cao chất lượng sản phẩm cây ăn quả, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao từ thị trường, các hợp tác xã, người nông dân cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất từ các khâu chăm sóc đến bảo quản và đặc biệt tuân thủ việc áp dụng các quy trình VietGAP, hữu cơ…

Cùng với hỗ trợ hợp tác xã, người nông dân liên kết với doanh nghiệp để có các chuỗi sản phẩm an toàn, ngành Nông nghiệp cần tiếp tục tham mưu cho thành phố ban hành cơ chế thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến và chế biến sâu; phát triển những vùng cây ăn quả tập trung. Từ đó, tạo ra những sản phẩm có giá trị cao phục vụ xuất khẩu. Mặt khác, các cơ quan chức năng của thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xây dựng thương hiệu, quảng bá kết nối sản phẩm cây ăn quả của Hà Nội tới nhiều thị trường trong nước và quốc tế, đặc biệt là những thị trường mới.

Kết nối thị trường với vườn cây, lấy chất lượng để chinh phục thị trường, sản phẩm cây ăn quả của Hà Nội chắc chắn sẽ sớm có được chỗ đứng xứng đáng.

Thế Văn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/997576/lay-thi-truong-lam-dich-den